Tuyển sinh ĐH,CĐ 2017: Thả ga đăng ký, các trường bất an

Theo quy định xét tuyển, năm nay thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng, không giới hạn số trường. Điều này thuận lợi cho thí sinh nhưng lại gây khó cho các trường trong vấn đề lọc ảo…

Tuyển sinh ĐH,CĐ 2017: Thả ga đăng ký, các trường bất an - 1

Việc thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng sẽ gây tâm lý lo lắng cho các trường chiếu dưới. Ảnh: Nguyễn Dũng.

Phụ huynh Nguyễn  Đức Ngọc cho biết con anh đang học tại một trường THPT lớn của Hà Nội, cháu đã đăng ký 20 nguyện vọng. “Lớp cháu, bạn nào cũng đăng ký từ 8  nguyện vọng trở lên. Còn cháu đăng ký hẳn 20 nguyện vọng. Gia đình cũng đã định hướng nhưng cháu nói đăng ký thế cho yên tâm” – anh Ngọc chia sẻ. Thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng trường THPT Việt Đức cho biết trường chưa tổng hợp số lượng hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh nhưng qua các buổi tư vấn thì có thể thấy nhu cầu đăng ký của thí sinh là từ 4 đến 5 nguyện vọng.

Việc cho phép thí sinh đăng ký không giới hạn số trường, không giới hạn nguyện vọng theo nhận định của các trường ĐH là tạo thuận lợi cho thí sinh nhưng các trường rất khó khăn, vất vả trong tuyển sinh. Ông Lê Ngọc Hoàn, Trưởng ban xúc tiến tuyển sinh và giới thiệu việc làm, ĐH Lâm nghiệp cho hay cho đến giờ trường cũng chưa có gì trong tay để có thể hình dung được sẽ xét tuyển như thế nào. Còn GS. Đặng Kim Vui, giám đốc ĐH Thái Nguyên cho rằng, năm nay có nhiều điểm mới trong tuyển sinh nhưng chắc chắn nhiều trường ĐH sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong xét tuyển, vì không có thí sinh và cũng lo ảo, không biết sẽ xét tuyển thế nào.

Trong khi đó, một chuyên gia giáo dục cho rằng thực tế, Bộ GD&ĐT chỉ giúp các trường lọc ảo, còn chạy dữ liệu để đưa ra được điểm trúng tuyển là việc của các trường. 

“Theo quy trình, kết thúc đợt điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm (tháng 7), Bộ sẽ chuyển toàn bộ dữ liệu của thí sinh về cho các trường để các trường tự do xét tuyển. Sau đó, các trường đưa danh sách dự kiến thí sinh trúng tuyển và điểm chuẩn trúng tuyển để Bộ giúp các trường lọc ảo. Lúc đó, thí sinh nào trúng tuyển nhiều trường thì sẽ hiện ra trên phần mềm lọc ảo của Bộ. Chính vì vậy, những trường nhận toàn nguyện vọng từ 6, 7 trở lên thì không biết xác định điểm trúng tuyển thế nào. Thậm chí nguyện vọng 2 đã “chết” chứ chưa nói đến nguyện vọng thấp hơn” – vị chuyên gia này cho hay.  Do đó, để có được dữ liệu tương đối chuẩn, theo vị chuyên gia này, phần mềm tuyển sinh của các trường sẽ phải chạy toàn bộ dữ liệu của thí sinh liên quan đến trường và “đoán”. Do đó, nếu “phán đoán” không khéo thì danh sách thí sinh đưa lên Bộ để lọc ảo có khi chỉ còn 50% hoặc thấp hơn vì đã trúng tuyển vào các trường khác. Như vậy các trường lại phải về chạy lại từ đầu.

Không những thế, theo phân tích của vị chuyên gia thì việc cho thí sinh đăng ký không giới hạn nguyện vọng cũng dễ dẫn đến tình trạng thí sinh trúng tuyển không muốn học (do  không trúng tuyển nguyện vọng trên sẽ bị đẩy xuống nguyện vọng dưới). Còn thí sinh muốn học và vẫn có khả năng học thì lại trượt. Đứng từ vị trí nhà quản lý, GS. Đặng Kim Vui cho biết hàng năm, trường đều có một tỷ lệ sinh viên nhập học dưới dạng “trú chân”.

Sau một năm, các sinh viên này sẽ ôn tập tiếp và thi trường ĐH khác.  Năm nay, theo vị chuyên gia trên dự báo rất có thể, hiện tượng này sẽ tăng lên hoặc  các trường sẽ vẫn phải đối diện với tình trạng ảo thí sinh trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học, nhất là đối với các trường top dưới.

Thận trọng với bài thi tổ hợp

Ghi nhận của Tiền Phong cho thấy, sau hơn 10 ngày đăng ký thi THPT quốc gia có nhiều thí sinh đăng ký cả 5 bài thi gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài thi tự chọn là bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (KHTN), Khoa học Xã hội (KHXH). Quy chế cho phép các thí sinh thi cả 2 bài thi tự chọn, bài thi nào có kết quả cao hơn sẽ được lấy để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

Nhìn nhận việc cho phép đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp, ông Nguyễn Quốc Cường, Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM cho rằng, điều này để khuyến khích học sinh học toàn diện hơn, tạo nhiều cơ hội trong xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên thí sinh đã đăng ký dự thi bài tổ hợp nào thì phải dự thi hết các môn thành phần của bài thi tổ hợp đó.

“Việc không dự thi sẽ được coi là bỏ bài thi đã đăng ký để xét tốt nghiệp, vì vậy thí sinh sẽ không được xét công nhận tốt nghiệp. Như vậy nếu thí sinh đăng ký cả 2 bài thi KHTN và KHXH buộc phải làm hết tất cả các môn thành phần trong cả 2 bài thi ( 6 môn)”, ông Cường lưu ý.

Ông Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TPHCM lưu ý, thí sinh cần phân biệt rõ hai quy chế của Bộ GD&ĐT gồm quy chế xét công nhận tốt nghiệp và quy chế xét tuyển đại học.

Cụ thể, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và tự chọn 1 trong số 2 bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội.

Với trường hợp thí sinh có thể đăng ký dự thi cả hai bài thi tổ hợp KHTN và KHXH. Trong trường hợp này điểm bài thi nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Khi thí sinh có kết quả của cả hai bài thi tổ hợp, hệ thống sẽ tự xác định bài tổ hợp nào không có môn thi thành phần bị điểm “liệt” (điểm từ 1,0 trở xuống) để xét công nhận tốt nghiệp cho thí sinh.

“Nếu phán đoán không khéo thì danh sách thí sinh đưa lên Bộ để lọc ảo có khi chỉ còn lại 50% hoặc thấp hơn vì các em đã trúng tuyển vào trường khác. Như vậy các trường lại phải về chạy lại từ đầu”

Một chuyên gia tuyển sinh nhận định

​Tham khảo chỉ tiêu tuyển sinh các trường Đại học, Cao đẳng 2017 tại đây

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nghiêm Huê - Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN