Kỳ thi vào 10 THPT tại Hà Nội: Điểm chuẩn có thể tăng nhẹ?

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 10

Ngày 9/6, hơn 76.000 thí sinh Hà Nội đã chính thức bước vào kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2017-2018. Đúng như dự báo, kỳ thi năm nay tiếp tục căng thẳng do chỉ tiêu vào các trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng 70% số thí sinh. Theo đánh giá của các giáo viên, đề thi năm nay tương đối phù hợp, có sự phân loại để phục vụ công tác tuyển sinh vào các trường THPT “tốp trên”.

Kỳ thi vào 10 THPT tại Hà Nội: Điểm chuẩn có thể tăng nhẹ? - 1

Học sinh và phụ huynh tại điểm thi của Trường THPT Kim Liên, Hà Nội. Ảnh: Q.Anh

Căng thẳng bên ngoài trường thi

May mắn là kỳ thi vào lớp 10 năm nay của Hà Nội đã không diễn ra vào những ngày nắng nóng như trước đó. Tuy nhiên, “sức nóng” không vì thế mà giảm đi bởi tính chất căng thẳng của kỳ thi được đánh giá là hơn thi đại học hiện nay. Có mặt tại một số điểm thi của các trường THPT: Chuyên Hà Nội Amsterdam, Chu Văn An, Nhân Chính, Kim Liên... trong ngày 9/6 mới thấy hết được những lo lắng của các bậc phụ huynh bên ngoài trường thi. Bởi thế, chủ đề về điểm chuẩn, nguyện vọng, chất lượng dạy học các trường... luôn rôm rả đối với các bậc phụ huynh trong lúc chờ con.

Tại Hội đồng thi Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, hồi hộp ngóng con gái thi bên trong, anh Hoàng Đức Mạnh (ở Quốc Oai, Hà Nội) tâm sự: “Quả thực không đặt kỳ vọng nhiều vào con, nhưng thấy con học lực tốt, quyết tâm trong cả 4 năm THCS nên gia đình chỉ biết động viên cháu, còn thi cử đến đâu cũng hay đến đó. Nếu không đủ điểm vào trường chuyên, cháu cũng có nguyện vọng vào trường ở huyện rồi. Thấy con thi cử vào 10 vất vả thế này, tôi thấy không khác gì thi đại học hồi trước bao nhiêu”.

Còn phụ huynh Nguyễn Mai Anh (ở khu tập thể Trung Tự, quận Đống Đa) có con dự thi vào Trường THPT Kim Liên chia sẻ: “Thấy con 4 năm liền có học lực tốt, được bạn bè thầy cô động viên, đánh giá cao nên gia đình tự tin hướng cháu đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Kim Liên, mặc dù hàng năm trường này lấy điểm thuộc nhóm cao nhất trong các quận nội thành. Đây cũng là trường có bề dày truyền thống dạy và học, chất lượng dẫn đầu trong các trường trong quận nên gia đình kỳ vọng con sẽ thi đỗ. Suốt cả tháng nay gia đình khá lo lắng chuyện thi cử của con, bao nhiêu kế hoạch, công việc gia đình đều gác lại hết, để con thi xong mới tính tiếp”.

Trong khi đó, nhiều phụ huynh chọn giải pháp an toàn cho con em mình là nguyện vọng 1 vào trường “vừa sức” nên dù lo lắng, nhưng cũng không đến mức quá căng thẳng như các trường “tốp trên”. Phụ huynh Nguyễn Văn Toán (ở Thượng Đình, Thanh Xuân) cho biết: “Năm nay, con dự thi nguyện vọng 1 vào Trường THPT Quang Trung, trường này hàng năm cũng thuộc hàng điểm cao trong quận, nhưng với điểm cộng, điểm xét tuyển học bạ, cộng với cháu ôn luyện kỹ nếu mỗi môn khoảng 6-7 điểm là đạt. Biết thế nhưng cũng chưa vội chủ quan vì quá trình làm bài thi nếu sơ suất cũng vẫn có thể bị trượt trong đáng tiếc”.

Đề thi có sự phân loại rõ nét

Kỳ thi vào 10 THPT tại Hà Nội: Điểm chuẩn có thể tăng nhẹ? - 2

Phụ huynh “ngóng” con bên ngoài điểm thi Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam.

Tại kỳ thi vào THPT của Hà Nội năm nay, đối với môn Ngữ văn, nhiều thí sinh cho rằng, môn Ngữ văn đề dài, không quá khó, không nhiều học sinh ra trước giờ. Kiến thức chủ yếu tập trung vào lớp 9. Nhiều thí sinh cũng đánh giá đề thi văn hoàn toàn trong chương trình học và ôn thi, không có yếu tố bất ngờ. Sau khi kết thúc thi môn Văn vào buổi sáng, nhiều thí sinh trở ra trường thi với tâm trạng thoải mái vì làm được bài, nhiều em tự tin dự đoán đạt điểm cao.

Nhận xét về đề thi Ngữ văn, thầy Nguyễn Phi Hùng, giáo viên môn Ngữ văn (Trường THPT Khoa học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cấu trúc đề thi Văn vào lớp 10 của Hà Nội năm nay giữ cấu trúc quen thuộc với hai phần, kiểm tra toàn diện kiến thức, kĩ năng đọc hiểu văn bản, tiếng Việt và viết đoạn văn nghị luận. Phần I, hỏi về bài thơ “Nói với con” của nhà thơ Y Phương và yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội về tình thương yêu. Vấn đề nghị luận khá gần gũi, quen thuộc với mỗi học sinh nên nhiều em sẽ không gặp khó khăn khi viết về vấn đề này.

“Phần II, kiểm tra các kiến thức về truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân. Những câu hỏi trong văn bản là những câu hỏi cơ bản, học sinh chỉ cần đọc kĩ văn bản, nắm chắc các kiến thức liên quan và trình bày rõ ràng, mạch lạc là có thể làm tốt và giành điểm tối đa. Riêng câu cuối (3 điểm), viết đoạn văn về hình ảnh người nông dân trong kháng chiến, cái khó của câu này không nằm ở nội dung kiến thức được hỏi mà ở khả năng tổng hợp. Nếu học sinh không có khả năng tổng hợp, đoạn văn dễ lan man, dài mà vẫn không đủ các luận điểm chính mà đề yêu cầu”, thầy Hùng nhận định.

Còn với môn Toán, thầy giáo Hồng Trí Quang (Trường THPT Khoa học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) nhận xét, đề Toán năm bám sát cấu trúc ổn định qua nhiều năm. Đề thi có nhiều ý phân loại, bắt đầu từ điểm 8 trở lên. “Đầu tiên là Bài I.3, tính toán khá dài và học sinh có thể nhầm lẫn. Các ý tiếp theo khó là III.2.b; IV.4 va V mỗi ý 0,5 điểm. Các bài còn lại là rất quen thuộc, như vậy phổ điểm tập trung từ 7 đến 8 điểm. Bài III.2.b học sinh cần nhận biết được hai hoành độ giao điểm luôn trái dấu, như vậy sẽ có một giá trị âm, một giá trị dương. Đây là câu rất hay trong đề. Bài IV.4 và V đều khó, cấu trúc giống đề năm ngoái” - Thầy Quang chia sẻ.

Điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ?

Với đề thi năm nay, cộng với chỉ tiêu của các trường THPT công lập, nhiều giáo viên nhận định, điểm thi năm nay sẽ cơ bản giữ ổn định như năm ngoái, nếu tăng thì chỉ tăng nhẹ. Phổ điểm chủ yếu từ 5-7 điểm, mức điểm để vào đa số các trường công lập ở “tốp giữa”. Đặc biệt, ở nhóm các trường “tốp trên” sẽ hầu hết ở mức điểm chuẩn như năm ngoái, nhưng có thể có trường tăng từ 0,5 đến 2,0 điểm.

Liên quan tới kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2017-2018, Sở GD&ĐT cho biết, năm nay số lượng học sinh tốt nghiệp THCS là gần 80.000 học sinh. Trong khi đó, chỉ tiêu tuyển sinh vào các trường THPT công lập mặc dù đã điều chỉnh nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 70%, tương đương trên 60.000 học sinh. Ở đợt đăng ký nguyện vọng, đã có 76.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường, đây là các thí sinh tham dự kỳ thi để lấy điểm xét tuyển, kể cả trường ngoài công lập. Kỳ tuyển sinh năm nay khá căng thẳng bởi sẽ có hơn 20.000 học sinh sẽ phải học trường dân lập, Trung tâm GDTX, trường nghề.

Theo số liệu đăng ký dự thi của học sinh, có những trường có số lượng đăng ký cao gấp hai, ba lần chỉ tiêu tuyển sinh, đồng nghĩa với “tỷ lệ chọi” khoảng 2-3 học sinh dự thi chỉ lấy 1 em. Áp lực vào các trường THPT “tốp đầu” như: Kim Liên, Yên Hòa, Phan Đình Phùng, Thăng Long, Trần Phú, Lê Quý Đôn... căng thẳng hơn các mùa tuyển sinh trước. Điểm dễ nhận thấy là tỷ lệ “chọi” ở các trường công lập đều có hệ số chênh lệch cao giữa đăng ký và chỉ tiêu, thậm chí một số trường “top dưới”, trường công lập ngoại thành mọi năm có ít thí sinh dự thi, năm nay cũng “được mùa” với số lượng dự tuyển lớn.

Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, để đảm bảo cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc đúng quy chế, Sở đã tổ chức 153 điểm thi với hơn 3.000 phòng thi và huy động gần 6.500 giáo viên làm nhiệm vụ coi thi. Tổng cộng 1.530 cán bộ an ninh, nhân viên phục vụ và y tế đã được huy động để phục vụ kỳ thi. Nhằm giúp đỡ phụ huynh, Sở cũng đã công bố số điện thoại “đường dây nóng” của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là 0162.6763905 để học sinh, phụ huynh có thể gọi đến để được tư vấn, hỗ trợ cũng như phản ánh những tiêu cực nếu có trong suốt kỳ tuyển sinh.

Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, các thí sinh dự tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập hệ không chuyên năm học 2017 - 2018 sẽ dự thi 2 môn Ngữ văn và Toán ngày 9/6. Điểm thi 2 môn này sẽ được nhân hệ số 2, cộng với điểm xét kết quả và rèn luyện các năm học THCS, điểm ưu tiên (nếu có) để làm căn cứ xét vào lớp 10 THPT. Các thí sinh dự thi vào trường chuyên sẽ dự thi tiếp môn chuyên vào ngày 10/6.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh (Gia đình xã hội)
Tuyển sinh lớp 10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN