Việt Nam có 176.000 trẻ bị bỏ rơi, mồ côi

Liên tục trong 7 năm (2004-2012), số trẻ bị bỏ rơi ở Việt Nam gia tăng đáng kể. Hiện cả nước có khoảng 176.000 trẻ bị bỏ rơi, mồ côi không nơi nương tựa.

Thông tin trên được Bộ LĐTB&XH nêu tại hội thảo chia sẻ Dự thảo báo cáo nghiên cứu nguyên nhân gốc rễ bỏ rơi và từ bỏ trẻ em tại Việt Nam, ngày 29/3.

Theo đó, những khó khăn trong cuộc sống như: nghèo khó, vấn đề về sức khỏe; mang thai ngoài hôn nhân; sự kỳ thị từ quan điểm bất bình đẳng giới trong gia đình… được cho là những nguyên nhân khiến nhiều bậc cha mẹ từ bỏ quyền nuôi con.

Những đối tượng phụ nữ có nguy cơ cao bỏ rơi con chủ yếu là các bà mẹ ở tuổi vị thành niên, sinh viên mang thai ngoài ý muốn; công nhân trẻ ở các khu công nghiệp, phụ nữ có bệnh mãn tính, bà  mẹ đơn thân có hoàn cảnh nghèo túng…

Theo nghiên cứu từ Bộ LĐTB&XH trong 7 năm (từ 2004-2012), Việt Nam có 176.000 trẻ em bị bỏ rơi và trẻ mồ côi. Các số liệu định tính cho thấy, tình trạng trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa đang có xu hướng gia tăng. Đáng chú ý có 80-90% trẻ em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài được cho là “bị bỏ rơi”. Số trẻ em “bị bỏ rơi” được nhận làm con nuôi tăng 400%.

Việt Nam có 176.000 trẻ bị bỏ rơi, mồ côi - 1

Những trẻ em bị bỏ rơi đang được nuôi dưỡng tại một trung tâm bảo trợ xã hội (Ảnh: Người Lao Động)

Ông Nguyễn Hải Hữu - Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho rằng, hiện nay các chính sách trợ cấp xã hội còn ở mức thấp.

Theo đó, mức chuẩn trợ cấp cho mỗi bé tại trung tâm bảo trợ tối thiểu là 180.000 đồng/tháng, cao nhất là 360.000 đồng/1 tháng. Chỉ 30% trẻ em khó khăn được cấp thẻ BHYT.

Bà Lê Thị Hồng Loan, Trưởng Chương trình Bảo vệ trẻ em - Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (Unicef) nhận định, việc thiếu các dịch vụ hỗ trợ trong việc chăm sóc nuôi dưỡng trẻ em mới chính là nguyên nhân khiến nguy cơ bỏ rơi con ngày càng tăng cao ở Việt Nam.

Theo bà Loan, thời gian tới, Việt Nam cần tăng cường hỗ trợ cho các gia đình nghèo tránh tình trạng bậc cha mẹ phải bỏ rơi con cái của mình; mặt khác cũng cần xây dựng mạng lưới cộng tác viên để phát hiện sớm các trường hợp có nguy cơ bỏ rơi trẻ em.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Mai ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN