Gần nửa số người chết vì TNGT còn trẻ

47% số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) ở độ tuổi dưới 30, độ tuổi chuẩn bị hoặc bắt đầu khẳng định mình, đóng góp cho xã hội. Thực trạng này báo động hậu quả nhức nhối về mất an toàn giao thông (ATGT) và ý thức, văn hóa giao thông của giới trẻ…

Giảm nhưng vẫn đáng lo

Ngày 27/12, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị ATGT Việt Nam năm 2014. Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, năm 2014, TNGT giảm cả 3 tiêu chí; toàn quốc xảy ra 25.322 vụ TNGT, làm chết 8.996 người, bị thương 24.417 người.

So với cùng kỳ năm 2013 giảm 4.063 vụ (-13,8%), giảm 373 người chết (-4%), giảm 5.083 người bị thương (-17,2%). Đây là lần đầu tiên, số người chết vì TNGT xuống dưới 9.000 người. So với năm 2011, lúc tình hình mất ATGT nghiêm trọng, số người chết vì TNGT giảm được 2.400 người/năm.

Gần nửa số người chết vì TNGT còn trẻ - 1

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, đây là những con số có ý nghĩa quan trọng nhưng vẫn còn những tồn tại trong năm qua như: Vẫn xảy ra một số vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe container; TNGT ở nông thôn diễn biến phức tạp; công tác kiểm soát tải trọng phương tiện chưa đạt kết quả như mong muốn; năng lực và chất lượng hạ tầng giao thông, hiệu quả của công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế.

“Nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, phương tiện cơ giới ngày càng gia tăng, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng. Trong thời gian tới, chúng ta cần phải có thêm nhiều nỗ lực, cố gắng hơn nữa để kiềm chế TNGT. Nghị quyết số 87 của Quốc hội giao nhiệm vụ bảo đảm trật tự ATGT 2015 là giảm cả 3 tiêu chí từ 5-10% ở từng địa phương”- Phó Thủ tướng nói.

Phân tích số liệu cho thấy, trong năm 2014, có đến 47% số người chết vì TNGT là người có độ tuổi dưới 30. Trong những năm qua, hình ảnh những chuyến xe chở đoàn người đám cưới bị tai nạn thương tâm; những đôi lứa chia lìa trong tuần trăng mật; những thanh niên tử nạn trên đường liên hoan nhập đại học là lời cảnh báo đau lòng nhưng tình hình TNGT trong giới trẻ vẫn chưa giảm.

Tại hội nghị, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) kể về lần cùng Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vào thăm bệnh nhân TNGT tại Bệnh viện Việt - Đức vào mùng 4 Tết năm 2014 chứng kiến nhiều cảnh éo le. Nhưng theo ông Khuê, đau lòng nhất vẫn là cảnh bà mẹ gục bên con trai là sinh viên đại học vừa qua cơn phẫu thuật não đang nằm bất động.

Nâng cao văn hóa giao thông cho giới trẻ   

Ông Khuất Việt Hùng phân tích: Nếu chiếu theo thống kê 75% nguyên nhân dẫn đến TNGT do ý thức người tham gia giao thông thì trong số 47% số người chết vì TNGT ở độ tuổi dưới 30, có khoảng 35% trong số đó liên quan đến ý thức tham gia giao thông.

Theo ông Hùng, điều đó đặt ra vấn đề về ý thức tham gia giao thông, đến nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục ATGT cho giới trẻ đặc biệt là ngành giáo dục và của các tổ chức thanh thiếu niên và nhi đồng.

Tại hội nghị, lần đầu tiên, gần 400 đại biểu được chia thành 5 nhóm thảo luận chuyên đề (về quản lý - tổ chức giao thông, hạ tầng, phương tiện, người lái và ứng phó sau TNGT) để đưa ra các giải pháp cụ thể. Một trong những giải pháp trọng tâm được đưa ra tại hội thảo là áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào quản lý giao thông.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, nếu áp dụng CNTT vào lĩnh vực này; trước hết là phát hiện và xử phạt vi phạm ATGT sẽ giúp giảm 50% số người tử vong vì TNGT vào năm 2020. Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã giao Ủy ban ATGT và FPT phối hợp xây dựng đề án tổng thể ứng dụng CNTT vào lĩnh vực GTVT. 

TS Lương Ngọc Khuê cho biết: Tình trạng mua bán giấy khám sức khỏe, sử dụng ma túy trong giới lái xe vẫn phức tạp. Thậm chí, trong số 500 lái xe phục vụ đại hội Đảng khóa trước, qua khám bệnh đã phát hiện 12 trường hợp sử dụng chất gây nghiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sỹ Lực (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN