“Đặt tên cho con là quyền dân sự của cá nhân”

Sự kiện: Họp Quốc hội

Luật Hộ tịch vừa được Quốc hội chính thức biểu quyết thông ngày 20/11 không có quy định về nguyên tắc đặt tên cho con để phù hợp với văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán.

Ngày 20/11, Quốc hội chính thức biểu quyết thông qua Luật Hộ tịch với 75,65 tổng số đại biểu tán thành.

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Hộ tịch trước khi đại biểu nhấn nút thông qua, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, trong nội dung đăng ký khai sinh tại dự thảo Luật, có ý kiến đề nghị quy định nguyên tắc đặt tên cho con để phù hợp với văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán.

“Đặt tên cho con là quyền dân sự của cá nhân” - 1

Công dân cần cân nhắc, lựa chọn tên phù hợp với văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Trước ý kiến, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc đặt tên cho con là quyền dân sự của cá nhân. Tuy nhiên, khi thực hiện quyền này, công dân cần cân nhắc, lựa chọn tên phù hợp với văn hóa truyền thống và phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc.

Do đó, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu trong quá trình sửa đổi Bộ luật dân sự, còn đối với Luật Hộ tịch đề nghị Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.  

Ông Phan Trung Lý cũng cho hay, các ý kiến đại biểu đều tán thành việc tiếp tục cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như quy định trong dự thảo Luật Hộ tịch. 

Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về việc cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh như dự thảo Luật; đồng thời, bổ sung quy định nội dung giấy khai sinh; giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về hình thức của loại giấy này.

Theo Luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người mẹ hoặc người cha thực hiện đăng ký khai sinh.

Nội dung đăng ký khai sinh gồm: Thông tin của người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; giới tính; ngày, tháng, năm sinh; nơi sinh; quê quán; dân tộc; quốc tịch.

Thông tin của cha, mẹ người được đăng ký khai sinh: Họ, chữ đệm và tên; năm sinh; dân tộc; quốc tịch; nơi cư trú; số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh.

Nội dung đăng ký khai sinh là thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, được ghi vào sổ hộ tịch, giấy khai sinh, cập nhật vào cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Hồ sơ, giấy tờ của cá nhân liên quan đến thông tin khai sinh phải phù hợp với nội dung đăng ký khai sinh của người đó. Chính phủ quy định việc cấp số định danh cá nhân cho người được đăng ký khai sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Yến ([Tên nguồn])
Họp Quốc hội Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN