Xử lý thế nào nếu ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài?

Giả sử Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn sang Đức hoặc các quốc gia không tham gia ký kết điều ước về dẫn độ liệu bị can này có bị bắt đưa về nước?

Xử lý thế nào nếu ông Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài? - 1

Ông Trịnh Xuân Thanh bị Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an truy nã toàn quốc và quốc tế. 

Ngày 16.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46), Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (Tổng công ty PVC) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, sau khi xác định bị can Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn, C46 đã ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh.

Sau quyết định trên, nhiều người thắc mắc về thủ tục dẫn độ bị can trong trường hợp đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài. Để hiểu rõ hơn về các thủ tục truy nã, dẫn độ tội phạm trốn ra nước ngoài, PV đã trao đổi với Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an.

Thưa ông, trình tự truy nã đối với đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài được thực hiện thế nào?

Trong trường hợp đối tượng bị cơ quan điều tra khởi tố bắt giam nhưng bỏ trốn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam thì cơ quan điều tra sẽ gửi Lệnh truy nã này đến Văn phòng Interpol Việt Nam. Đây cơ quan đầu mối trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm của lực lượng cảnh sát Việt Nam với Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol).

Sau đó, Văn phòng Interpol Việt Nam sẽ đề nghị Interpol quốc tế ra thông báo truy nã quốc tế với bị can.

Theo các nguyên tắc hoạt động của Interpol, dẫn độ tội phạm được thực hiện theo các Điều ước quốc tế đa phương hoặc song phương về thủ tục dẫn độ tội phạm.

Ngoài ra, thông qua con đường ngoại giao, chúng ta có thể thông báo, đề nghị quốc gia nơi đối tượng truy nã đang trốn phối hợp thực hiện việc bắt giữ để dẫn độ về nước xử lý.

Nếu đối tượng truy nã bị cảnh sát quốc tế bắt giữ, cơ quan điều tra Việt Nam cần làm những thủ tục gì để dẫn độ đối tượng về nước xử lý?

Trong trường hợp cảnh sát nước bạn bắt giữ được đối tượng truy nã, Việt Nam sẽ gửi tới cơ quan có thẩm quyền của nước bạn Công hàm đề nghị dẫn độ và hồ sơ pháp lý liên quan đến hành vi phạm tội của đối tượng tại Việt Nam ví như quyết định khởi tố vụ án hình sư, quyết định khởi tố bị can, quyết định truy nã bị can, và các tài liệu, chứng cứ khác chứng minh hành vi phạm tội của đối tượng.

Trên cơ sở yêu cầu của chúng ta, quốc gia nơi đối tượng truy nã bị bắt giữ sẽ đưa ra xem xét yêu cầu dẫn độ bằng một phiên tòa hoặc một phiên họp theo quy định của pháp luật quốc gia đó.

Tòa án quốc gia nơi bắt giữ đối tượng truy nã sẽ là cơ quan ra quyết định cho phép dẫn độ hay không. Có quốc gia đồng ý dẫn độ nhưng họ yêu cầu phải cam kết không được tử hình đối tượng.

Với những đối tượng trốn sang quốc gia chưa ký kết hiệp định song phương với Việt Nam về dẫn độ hoặc chưa gia nhập các điều ước quốc tế liên quan đến việc dẫn độ thì việc bắt giữ, dẫn độ đối tượng truy nã có thực hiện được không, thưa ông?

Trong trường hợp đối tượng truy nã bỏ trốn sang quốc gia chưa ký kết hiệp định song phương hoặc đa phương liên quan đến việc dẫn độ thì thông qua con đường ngoại giao chúng ta có thể đề nghị nước bạn bắt giữ đối tượng truy nã để dẫn độ về Việt Nam xử lý.

Do không có cơ sở pháp lý trực tiếp nên cơ quan chức năng hai nước sẽ đàm phán, thoả thuận chi tiết việc bắt giữ, dẫn độ đối tượng truy nã trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại nhưng không trái với pháp luật mỗi nước và pháp luật quốc tế.

Giả sử ông Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn sang Đức hoặc các quốc gia không tham gia ký kết điều ước dẫn độ thì có thể truy bắt được không, thưa ông?

Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức chưa ký hiệp định dẫn độ nhưng cùng tham gia Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol). Vì vậy nếu ông Thanh trốn tại Đức chúng ta có thông báo tới cảnh sát nước bạn bắt giữ. Tuy nhiên, việc có được dẫn độ đối tượng về nước hay không sẽ phụ thuộc vào việc đàm phán vào thỏa thuận giữa hai nước.

Người phát hiện ra đối tượng truy nã có được thưởng không thưa Thiếu tướng?

Việc thưởng cho người cung cấp thông tin giúp cơ quan điều tra bắt đối tượng truy nã hoặc bắt đối tượng truy nã chưa có quy định cụ thể.

Tuy nhiên, tùy tính chất, mức độ của từng vụ án và đối tượng phạm pháp cơ quan điều tra sẽ căn cứ vào các quy định để đưa ra thưởng tương xứng khi người dân cung cấp thông tin hoặc bắt được đối tượng phạm tội. Số tiền thưởng cho người cung cấp thông tin có thể được trích từ quỹ phòng chống tội phạm…

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Vụ Trịnh Xuân Thanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN