Xóm ghe Sài Gòn muốn được… lên bờ

Sống cuộc đời sông nước lênh đênh nhưng họ từng cứu người trong cơn nguy và được Chủ tịch nước gửi thư khen.

Dọc theo mé sông ở đường Trần Xuân Soạn, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM nhiều năm nay là nơi neo đậu ghe của hàng trăm hộ gia đình sinh sống theo con nước lớn ròng.

Hơn 10 năm trước, chị Phan Thị Trường An quê Gò Công, Tiền Giang lấy anh Nguyễn Hoàng Dũng rồi gom góp năm chỉ vàng cưới mua được chiếc ghe và bắt đầu lênh đênh trên sông nước. Mỗi ngày, hai vợ chồng dậy từ 4 giờ sáng để vào chợ Tân Thuận mua cá, rau, thịt, nước đá, dầu ăn, nước mắm… rồi chạy ghe ra bán lại cho mấy chiếc sà lan. Có sà lan hay ghe chết máy thì chị cũng nhận lai dắt.

Thỉnh thoảng có ai buồn tình mà gieo mình ở khu vực này, chị Phan Thị Trường An lại chỉ cho người nhà đi kiếm. Vào năm 2014, cũng chính vợ chồng cậu ruột của chị là ông Trần Văn Có và bà Nguyễn Thị Thu Thủy đã không quản nguy hiểm tiếp cận tàu cánh ngầm bị cháy ở gần cầu Phú Mỹ để cứu 15 hành khách. Sau đó, họ được Chủ tịch nước gửi thư khen ngợi.

Xóm ghe Sài Gòn muốn được… lên bờ - 1

Gia đình chị Mỹ đang chạy ghe đi buôn bán. Ảnh: TUYỀN LÂM

Bến đò này đã trở thành quê hương thứ hai của nhiều gia đình xóm ghe ở đây. Nhờ sự giúp đỡ của bà con xóm chợ mà trên ghe cũng có điện, nước, chỗ gửi xe máy, tối lửa tắt đèn có nhau. Nhớ những ngày đầu lạ nước lạ cái đến đây, chị An không sao ngủ được. Ghe thường bị trộm lấy mất can dầu, điện thoại. Dần dà cũng quen, lúc ghe vắng người hay có sự việc bất thường, hàng xóm trên bờ đều để ý giúp khiến chị an tâm.

Chị An chia sẻ muốn lên bờ lắm nhưng không biết làm nghề gì. Lúc sinh đứa con trai thứ hai, chịu hết nổi với cái nắng nóng, tù túng trên ghe, chị bàn với chồng bán ghe lên bờ thu mua ve chai. Làm nghề mới được hai tháng thì thâm vốn vì bị các vựa ve chai lấn lướt. Hai vợ chồng đành mua lại ghe cũ chạy để cày cục trả nợ.

Một số hộ gửi con về quê đi học, một số khác cho con theo học lớp học tình thương Bà Mười ở gần chợ. Từ ngày bé Ân, con thứ hai bệnh ung thư hạch hơn một năm nay, anh Dũng phải vào bệnh viện trông con rồi phụ khuân vác phế liệu để kiếm thêm tiền, chị An ở ghe trông con nhỏ chứ không buôn bán như trước được. Giấc mơ lên bờ ngày càng xa vời.

Cách nhà chị An không xa, dưới bóng chiều nhập nhoạng, anh Lê Văn Tròn phụ chị Phạm Thị Chuỗi chà rửa khoai lang, khoai từ, chuối sáp để 3 giờ thức dậy nấu, sáng sớm mai bán cho công nhân ở Khu chế xuất Tân Thuận. Do không có đất trồng trọt, bảy năm nay hai vợ chồng rời quê An Giang lên thành phố để sinh sống và nuôi hai con nhỏ. Ngoài phụ vợ nấu khoai bán, anh làm công nhân điện nhưng công việc thất thường. Tiền thu vào không đủ chi ra bao nhiêu thứ tiền như tiền học cho con, tiền nhà trọ nên anh hỏi mua cái ghe cũ. Cả nhà kéo xuống ghe sống tạm từ bốn năm nay. Lúc mới xuống ghe, hai đứa con càu nhàu suốt vì xuống ghe không có điện coi phim hoạt hình, chạy quạt máy…

 “Về già chắc tui mần trên này hết nổi quá. Sống tạm bợ vậy ngán lắm rồi, chỉ muốn về quê thôi nhưng về biết làm gì ăn đây. Biết đâu nay mai mua vé số mà trúng là tui kéo cả nhà về lại quê, cho thằng nhỏ đi học dưới đó cho thoải mái” - anh Tròn thở dài ao ước. Đó cũng là ước mơ chiều cuối năm của hàng trăm hộ sống trên ghe ở đây.

Nuôi gà gáy cho đỡ buồn

12 năm anh Võ Văn Sơn và chị Đỗ Thị Ngọc Mỹ kết duyên với nhau là 12 năm cuộc sống anh chị gắn liền với chiếc ghe trên sông. Cứ giấc sáng, giấc chiều, anh chị lại chở “siêu thị hàng hóa mini” trên ghe ra để bán lại cho các sà lan, thuyền lớn giữa sông. Ở trên ghe buồn quá, anh Sơn nuôi mấy con gà trống để đem đi tỉ thí cho vui với mấy chủ sà lan. Anh bảo: “Chỉ đá với gà trên sà lan thôi chứ đá không lại gà trên bờ vì gà ở trên ghe phải chịu sóng lắc nên chân yếu lắm. Ở quê quen rồi, lên đây thèm tiếng gà gáy!”. Tiếng mấy con gà gáy dõng dạc bất chợt, không đợi giờ giấc nào như xua đi cái hiu hắt của xóm ghe một chiều cuối năm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo TUYỀN LÂM (Pháp luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN