Xây dựng đường ống số 2: Người dân còn chịu cảnh mất nước?

Đại diện Công ty nước sạch Vinaconex cho biết, đường ống số 2, cấp nước từ sông Đà về Hà Nội được hoàn thành sẽ nâng sản lượng nước lên 600.000m3/ngày đêm. Nguồn nước cấp cho người dân Thủ đô ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… ổn định, không còn cảnh người dân mất nước kéo dài hàng tuần...

Kể từ năm 2012 đến nay, đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội bị vỡ 15 lần. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, đường ống bị vỡ 6 lần. Ngày 26.9, đường ống nước từ sông Đà về Hà Nội lại vỡ lần thứ 15, tại km26 + 350, huyện Thạch Thất (Hà Nội). Khoảng 70.000 hộ dân Thủ đô ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông… bị ảnh hưởng.

Xây dựng đường ống số 2: Người dân còn chịu cảnh mất nước? - 1

Đường ống dẫn nước từ sông Đà về Hà Nội liên tục vỡ trong năm 2015, ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân Thủ đô các quận Thanh Xuân, Hoàng Mi, Hà Đông...

Hoàn thành 21km đường ống, nâng thêm 80.000m3/ngày đêm

Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex, ông Nguyễn Văn Tốn cho hay, ngày 7.10.2015, đơn vị sẽ khởi công xây dựng đường ống số 2 (giai đoạn 2) dẫn nước sạch từ sông Đà (Hòa Bình) về Hà Nội, với chiều dài 47km. Trong đó, ưu tiên làm trước 21 km đường ống chạy dọc Đại lộ Thăng Long (đoạn từ nút giao Đại lộ Thăng long - Quốc lộ 21 đến cầu chui dân sinh Km 9+656).

Tổng kinh phí dự án đường ống giai đoạn 2 gần 5.000 tỷ đồng, trong đó đoạn đường ống dài 21km 1.047 tỷ đồng. Nguồn vốn tự có của công ty nước sạch Vinaconex. Đường ống sẽ sử dụng gang dẻo, có độ dày 19mm. Mỗi đoạn ống nối dài 6m, được chôn sâu trong lòng đất (khoảng 2m).

Đường ống dài 21km sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng vào tháng 5.2016, nâng thêm lưu lượng lên khoảng 80.000 m3/ngày đêm. Như vậy, năm 2015, tổng lưu lượng nước cấp cho người dân Thủ đôsẽ lên đến 300.000m3/ngày đêm.

“Đoạn đường ống dài 21km đơn vị chọn thi công là khu vực thường xảy ra sự cố vỡ đường ống. Do vậy, chúng tôi muốn ưu tiên làm đoạn  đường ống này trước, nhằm đảm bảo nguồn nước cung cấp cho người dân Thủ đô khi xảy ra sự cố”, ông Tốn nói.

Ông Tốn cho biết, trước khi làm đường ống, đợn vịtư vấn kỹ thuật, nhà thầu đã có khảo sát khu vực có nền đất yếu. Do vậy, phương án gia cố nền đất yếu đã được đơn vị tư vấn thiết kế kỹ thuật tính toán kỹ. Bộ xây dựng cũng đã thẩm định phương án trên và đồng ý thông qua.

Hiện tại, gói thầu cung cấp ống gang dẻo và phụ kiện cho việc xây dựng đường ống nước số 2 đang được đấu thầu Quốc tế. Công ty dự kiến chấm thầu xong trước ngày 10.2015, đảm bảo cung cấp ống gang về công trường trước tháng 11.2015.

“Ống gang dẻo là ống truyền thống của Việt Nam, ở tất cả các đô thị lớn hiện nay đều sử dụng. Ống gang dẻo được nhiều người sử dụng và đánh giá tốt, chịu lực cao. Thêm nữa, đơn vị  tư vấn thiết kế cũng đã tính toán rất kỹ trước khi đưa ra quyết định chọn ống gang dẻo. Do vậy, chúng tôi quyết định sử dụng loại ống này”, ông Tốn lý giải lý do vì sao sử dụng loại ống bằng gang dẻo.

Nước sạch cấp cho người dân sẽ ổn định

Theo ông Tốn, khi đoạn đường ống dài 21km hoàn thành, đơn vị sẽ cấp nước chạy song song ở cả 2 đường ống tới người dân. Trong trường hợp, đường ống số 1 gặp sự cố, đơn vị sẽ cấp nước qua đường ống số 2.

“Trước đây, khi đường ống số 1 vỡ, chúng tôi phải ngừng cung cấp nước cho người dân Thủ đô một vài tiếng để khắc phục sự cố. Tuy nhiên, nếu đường ống số 2 đưa vào sử dụng, nguồn nước cấp cho người dân sẽ ổn định hơn. Người dân ở vùng xa, cao, không phải chịu cảnh mất nước kéo dài ngày như thời gian vừa qua”, ông Tốn nói.

Ông Tốn khẳng định, khi đường ống số 2 hoàn thành, khả năng vỡ đường ống số 2 sẽ ít xảy ra.“Tuy nhiên, nếu trường hợp một trong hai đường ống gặp sự cố, chúng tôi vẫn cấp nước đầy đủ cho người dân. Nguồn nước cấp cho người dân sẽ không bị gián đoạn như hiện nay”, ông Tốn nói thêm.

Sau khi hoàn thành 21km đường ống, phía công ty tiếp tục thi công, hoàn thành đoạn đường ống còn lại. Dự kiến vào năm 2019 toàn bộ toàn đường ống số 2 (dài 47km) sẽ hoàn thành xong, nâng lưu lượng nước cấp nước lên 600m3/ngày đêm.

Dự án hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông được Thủ tướng cho phép đầu tư xây dựng ngày 24.9.2003.

Giai đoạn I công suất 300.000m3/ngày đêm do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư được khởi công tháng 4.2004, hoàn thành đưa vào sử dụng tháng 4.2009 và chuyển giao cho Công ty CP nước sạch Vinaconex (Viwasupco) quản lý, vận hành và khai thác.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Vỡ đường ống nước sông Đà Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN