Vụ tát nhân viên đổ xăng: "Nếu sai, chúng tôi sẵn sàng chịu phạt"

Đại diện cây xăng trên đường Trần Cung cho biết, qua kiểm tra camera, thấy nhân viên làm đúng quy trình, không có chuyện nhân viên bơm nối số cho khách để gian lận. Nếu có chứng cứ chứng minh gian lận, công ty sẵn sàng chịu phạt.

Clip tát nhân viên đổ xăng do camera cây xăng ghi lại:

Nhân viên không bơm nối số

Ngày 28.10, trao đổi với PV, ông Trịnh Đức Hiệp, quản lý tại cây xăng trên đường Trần Cung (Hà Nội) cho biết, sau khi sự việc xảy ra, ông kiểm tra lại camera thì thấy nhân viên đổ xăng làm đúng quy trình. Khi khách vào, nhân viên đã rút vòi bơm từ cây xăng ra và đổ cho khách. Nhân viên không thực hiện việc bơm nối số cho khách hàng để gian lận.

Vụ tát nhân viên đổ xăng: "Nếu sai, chúng tôi sẵn sàng chịu phạt" - 1

Cây xăng trên đường Trần Cung

Theo ông Hiệp, bơm nối số tức là khi khách hàng A vào đổ xăng hết 50.000 đồng. Kế đó, khách hàng B vào sau yêu cầu bơm 50.000 đồng tiền xăng.

Nếu nhân viên bơm xăng thực hiện bơm xăng ngay cho khách hàng B mà không đưa vòi về cây (về chế độ more) thì dễ bị nhầm rằng khách hàng B hết 100.000 đồng (vì bảng hiển thị tiền trên cây xăng đang hiện tổng số 100.000 nghìn đồng).

 “Nếu nhân viên bơm nối số cho khách thì có thể nhầm lẫn số lít xăng, hoặc số tiền. Đằng này, nhân viên làm theo đúng quy định, quy trình. Thêm nữa, công ty chúng tôi có quy định, khách hàng vào đổ xăng, nhân viên phải để vòi bơm vào máy, gạt về chế độ more (bảng điện tử hiển thị lượng xăng và tiền sẽ về 0). Nếu nhân viên vi phạm sẽ phạt nặng”, ông Hiệp thông tin.

Do vậy, hiện nay ở tất cả các cây xăng đều yêu cầu nhân viên trước khi bơm xăng cho khách phải để vòi bơm vào cây xăng (khi để vòi vào sẽ chuyển về more) trước khi bơm xăng bán cho khách.

Ông Hiệp cho biết thêm, anh Vượng nói rằng bình xăng của anh chỉ có 50 lít, nhưng nhân viên đổ xăng lại thông báo 56,6 lít và nghi ngờ có sự gian lận. Tuy nhiên, theo ông Hiệp, có thể bình xăng xe của anh Vượng chứa được hơn 50 lít.

“Ngưỡng 50 lít chỉ là ngưỡng an toàn nhà sản xuất xe khuyến cáo nên đổ để đảm bảo an toàn. Dung tích thực của bình xăng có thể lớn hơn rất nhiều. Mặt khác, quy định nhà nước đối với sai số cột bơm tối đa 0,4%, quá tỷ lệ trên sẽ bị xử phạt rất nặng. Chúng tôi không dại gì mà làm vậy”, ông Hiệp nói.

Nếu sai, công ty xin chịu phạt

Theo ông Hiệp, năm 2009, cũng có câu chuyện khách hàng đi vào cây đổ xăng và nói bình xăng xe ô tô Daewoo Matiz chỉ chứa được 35 lít, tuy nhiên, sau khi đổ xong nhân viên thông báo là 44 lít.

Khách hàng cũng bức xúc khiếu nại lên cơ quan chức năng và Trung tâm Đo lường Việt Nam đã vào cuộc kiểm tra. Sau đó, cơ quan chức năng kết luận cột xăng mà khách hàng mua vẫn đảm bảo các yêu cầu. Kết quả đo của đơn vị kiểm định xe cũng cho thấy, bình xăng thực tế của khách lên tới 47 lít, còn con số 35 lít chỉ là ngưỡng an toàn nhà sản xuất xe khuyến cáo người dùng nên đổ.

Ông Hiệp cho hay, trước thời điểm xảy ra sự việc, ngày 22.10, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Hà Nội đã có buổi kiểm tra đột xuất tại cây xăng. Đơn vị này đã kết luận, cây xăng không có gian lận về số lượng hàng hóa.

“Hiện tại, việc gặp khách hàng đổ xăng để làm rõ vấn đề rất khó bởi vì xe ô tô của khách hàng đã không còn ở cây xăng khó đối chứng. Tuy nhiên, nếu gian lận chúng tôi sẵn sàng chịu phạt”, ông Hiệp nói.

Vụ tát nhân viên đổ xăng: "Nếu sai, chúng tôi sẵn sàng chịu phạt" - 2

Khách hàng tát nhân viên đổ xăng vì nghi gian lận

Theo ông Hiệp, thời điểm xảy ra sự việc, ông không có mặt tại cây xăng. Ông Hiệp cho rằng, khi sự việc chưa biết đúng sai thế nào thì anh Vượng cũng không nên có hành động tát nhân viên. Nếu có thắc mắc, khiếu nại gì có thể gặp quản lý, hoặc lãnh đạo công ty để phản ánh, giải quyết.

Trước đó, một đoạn clip dài gần 1 phút ghi lại cảnh va chạm giữa nhân viên cây xăng và khách hàng lái xe ô tô Kia Cerato 4 chỗ  tại cây xăng trên đường Trần Cung. Theo clip, sau khi đổ xăng cho anh Hoàng Văn Vượng (26 tuổi, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nam nhân viên cây xăng đã thông báo: “Của anh hết 56 lít xăng”.

Thấy vậy, anh Vượng liền phản ứng: “Mày biết bình xăng ô tô của tao bao nhiêu lít không? 50 lít, 18 nghìn/lít mà đổ lên hơn 1 triệu thì chúng mày bịp tao à?”. Nam nhân viên đổ xăng bối rối, cúi mặt xuống trả lời: “Em chỉ là người bơm xăng thôi”.

Ngay sau đó, anh Vượng tát vào mặt nam nhân viên đổ xăng và dọa: “Lần sau bỏ cái kiểu này đi nhé!” rồi hỏi: “Bao nhiêu tiền?”. Rồi anh Vượng rút tiền ra trả và lên xe bỏ đi.

Tại cây xăng, cơ chế “cò” (vòi bơm) luôn ở chế độ tự động, khi nhân viên nhấc vòi ra khỏi máy để bơm xăng cho khách, bảng báo luôn về chế độ “more” và khi xăng bơm vào bình mà chạm đến đầu vòi thì sẽ tự ngắt. Bảng điện tử trên cây xăng sẽ hiện số tiền khách phải trả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN