HS đeo biển "ăn cắp”: Phải truy cứu hình sự NV siêu thị

Gia đình và nhà trường cần làm đơn yêu cầu khởi tố các nhân viên siêu thị đã bắt nữ sinh đeo biển “tôi là ăn trộm”.

Trả lời chúng tội về vụ “nữ sinh đeo biển ăn trộm”, các luật sư cho rằng, những nhân viên làm việc này phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “làm nhục người khác”.

Trước đó, trên mạng Internet xuất hiện hình ảnh một nữ sinh quàng khăn đỏ bị treo biển “tôi là người ăn trộm” trước ngực, đứng dang tay ở siêu thị. Vụ việc được xác định xảy ra ở Siêu thị Vĩ Yên (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Nữ sinh trong ảnh là P.T.S. (học sinh lớp 7A4, trường THCS Chu Văn An, huyện Chư Sê).

Xúc phạm danh dự, nhân phẩm của học sinh

Luật sư Phạm Thanh Bình (Giám đốc Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội) phân tích, hai quyển truyện tranh có giá trị rất nhỏ. Việc ăn cắp 2 quyển truyện không đến mức cấu thành tội “trộm cắp tài sản” để bị xử lý hình sự.

Nếu xử lý nghiêm, nữ sinh P.T.A (học sinh lớp 7) cũng chỉ bị phạt hành chính. Vậy nhưng Siêu thị Vĩ Yên (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã coi nữ sinh như một tội phạm. Việc làm đã xúc phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của em học sinh này.

Theo luật sư Phạm Thanh Bình, những người trực tiếp bắt em học sinh này đeo bảng đứng phải bị xử lý hình sự.

“Việc làm đối với nữ sinh T.A  đã đủ cấu thành tội làm nhục người khác”. – LS Bình nói.

HS đeo biển "ăn cắp”: Phải truy cứu hình sự NV siêu thị - 1

Hình ảnh nữ sinh phải đeo tấm biển phản cảm tại siêu thị Vĩ Yên

Cũng theo Luật sư Bình, đó còn chưa kể, nữ sinh này chưa đến tuổi thành niên. Đây là đối tượng càng phải được đặc biệt bảo vệ về hình ảnh. Ngay cả khi nữ sinh phạm tội, pháp luật cũng có quy định xử lý nhẹ hơn nhiều lần so với người lớn. Huống hồ đây là một vi phạm rất nhỏ.

“Thậm chí, vi phạm này cũng chưa đến mức xử phạt hành chính.” – Ông Bình nhấn mạnh.

Kể cả xử phạt hành chính, siêu thị này cũng không có quyền xử phạt. Xử lý hình sự lại càng không. Muốn xử lý thế nào, siêu thị phải giao nộp người vi phạm cho công an, cơ quan có thẩm quyền xử phạt.

Luật sư Bình cho hay, ngay cả phóng viên tác nghiệp trong tòa án, muốn chụp ảnh bị cáo còn phải xin phép HĐXX.

Luật sư Bình cho rằng, các nhân viên siêu thị giữ nữ sinh nhiều tiếng đồng hồ chưa cấu thành tội  “bắt giữ người trái pháp luật”.

Người chỉ đạo lẫn người thực hiện đều bị truy cứu

Cùng quan điểm như vậy, luật sư Lê Văn Kiên (Trưởng Văn phòng Luật sư Ánh sáng Công lý, Hà Nội) cho rằng, những người có hành vi này phải bị xử lý hình sự.

Ông Kiên cho biết, nhân viên siêu thị không có thẩm quyền quy kết ai đó là trộm cắp. Một người chỉ bị coi là có tội khi có bản án có hiệu lực của tòa. Cùng lắm, nhân viên siêu thị lập biên bản, báo tin cho công an, nhà trường, gia đình để có biện pháp giáo dục.

Luật sư Kiên cho biết, tội làm nhục người khác là loại tội được xử lý theo đơn tố cáo, yêu cầu của bị hại. Em học sinh này chưa đến tuổi thành niên. Gia đình hoặc nhà trường, thậm chí cơ quan đoàn thể ở địa phương cần đứng ra làm đơn yêu cầu cơ quan công an khởi tố vụ án về tội “làm nhục người khác” để xử lý những nhân viên siêu thị này.

Người nào chỉ đạo việc bắt em học sinh đứng treo biển sẽ là người chịu trách nhiệm chính. Nhân viên nào trực tiếp thực hiện sẽ bị truy cứu với trách nhiệm đồng phạm. Nếu nhân viên bảo vệ tự ý thực hiện, anh ta hoàn toàn chịu trách nhiệm một mình.

Kể cả khi siêu thị có nội quy bằng văn bản, người nào ký văn bản sẽ là người bị truy cứu.

“Mọi nội quy đều phải tuân thủ quy định pháp luật.” – Luật sư Kiên nhấn mạnh.

Lâu nay, cơ quan công an ở một số địa phương, trong đó có Hà Nội dán ảnh các đối tượng móc túi, cò mồi,... ở bảng thông báo nhà ga, bến xe, bệnh viện,... Đây là các đối tượng cũng không thể xử lý hình sự.

Luật sư Kiên cho rằng, ở Việt Nam hiện nay, pháp luật vẫn chưa có quy định thực sự rõ ràng về vấn đề này.

Theo luật dân sự, muốn đăng tải hình ảnh người khác thì phải xin phép. Về nguyên tắc, kể cả việc đưa ảnh bị cáo đứng trước vành móng ngựa lên báo cũng phải được sự đồng ý của chính người đó.

Tuy nhiên theo ông Kiên, ở Việt Nam, quy định này vẫn chưa được thực hiện triệt để. Thực tế gần như chưa thấy có vụ kiện nào liên quan đến sử dụng hình ảnh. Hơn nữa không có quy định cụ thể về việc được phép đăng tải hình ảnh trong những trường hợp nào.

Mặt khác, việc công an đăng hình ảnh những kẻ xấu lên là họ đại diện cho Nhà nước làm công tác bảo vệ lợi ích chung của xã hội nên không ai phản đối. Các đối tượng này lại là những người vi phạm pháp luật nên không có cơ sở để khởi kiện. Họ đã có “vết đen” trong lý lịch nên không thể có ý kiến được.

Tuy nhiên, luật sư Kiên cho rằng, những hình ảnh kẻ xấu ở bên tàu xe phần lớn không hẳn là cơ quan công an đăng lên. Việc này thường là do chính các nhân viên quản lý, bảo vệ ở đây làm. Điều làm đó cũng cần được xem xét điều chỉnh quy định cụ thể.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Nữ sinh bị bắt đeo biển "ăn cắp" Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN