Vụ cá chết trên Sông Bưởi: Chờ sông tự sạch?

Liên quan đến vấn đề xử lý sau ô nhiễm môi trường tại dòng sông sông Bưởi khiến cá chết hàng loạt, lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết hiện nay các chỉ số đang dần về mức ổn định.

Vụ cá chết trên Sông Bưởi: Chờ sông tự sạch? - 1

Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cho biết đã xác định được nguyên nhân dẫn tới cá chết hàng loạt trên sông Bưởi

Sáng ngày 18/5, ông Lưu Trọng Quang, PGĐ Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết đang cho xem lại các chỉ số phân tích về sự ô nhiễm tại sông Bưởi, để có báo cáo chính thức với UBND tỉnh về vụ việc.

Liên quan đến công tác xử lý sau ô nhiễm trên sông Bưởi, đoạn chảy qua các xã của huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) làm cá tự nhiên và cá nuôi lồng bị chết hàng loạt trong hai đợt 4-7/5 và 13-14/5 vừa qua, ông Lưu Trọng Quang cho hay: “Trước đây, khi trao đổi với Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) nếu xử lý bằng công nghệ thì cần phải mua thiết bị của Hàn Quốc về xử lý dòng chảy, bơm nước sông lên xử lý rồi lại bơm xuống. Tuy nhiên, hiện nay các chỉ số đo tại sông đang trở về mức bình thường nên cũng chờ cơ chế tự làm sạch của dòng sông”.

Cũng theo nhận định của ông Quang, phương án dùng công nghệ và hóa chất để xử lý thì khó khả thi. “Việc ô nhiễm cần chờ cơ chế tự làm sạch của dòng sông, khi mưa xuống thì có thể làm hòa loãng dòng chảy ô nhiễm chứ giờ cũng chẳng có cách nào khác. Chúng tôi cũng phải xem lại các chỉ số phân tích rồi mới có báo cáo cụ thể”, ông Quang nói.

Vụ cá chết trên Sông Bưởi: Chờ sông tự sạch? - 2

Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết hiện nay việc xử lý ô nhiễm cũng đang chờ cơ chế tự làm sạch của dòng chảy

Trước đó, vào ngày 17/5, Sở NN&PTNT Thanh Hóa có văn ban gửi sang Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa cho biết đã có kết quả xác định nguyên nhân chính gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt trên sông Bưởi trong thời gian qua.

Theo các kết quá đánh giá cho thấy, chỉ số NH3 vượt ngưỡng cho phép là 7,4-7,5 lần; chỉ số H2S ngưỡng cho phép là 1,5-2 lần; chỉ số NO2 vượt ngưỡng cho phép là 2-4 lần. Về dịch bệnh, kiểm tra lâm sàng trên cá, không tìm thấy dấu hiệu của bệnh truyền nhiễm. Dựa trên những mẫu phân tích, khẳng định cá chết trên sông Bưởi từ ngày 4-7/5 do các yếu tố môi trường bị ô nhiễm nặng. Còn đối với hiện tượng cá chết trên sông Bưởi vào ngày 13-14/5, thì vẫn đang tiếp tục phân tích các mẫu. Song nhận định cho thấy do môi trường bị ô nhiễm, cá yếu dần và chết.

Vụ cá chết trên Sông Bưởi: Chờ sông tự sạch? - 3

Ngay sau khi môi trường nước ở sông Bưởi ổn định thì các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn nông dân sản xuất thủy sản

Sở này cũng cho rằng, do điều kiện khối lượng nước ô nhiễm lớn, các giải pháp khắc phục sinh học, hóa học hiện đều không khả thi. Do vậy, cần phải có thời gian để mưa lũ rửa trôi và khả năng tự làm sạch của môi trường tự nhiên.

Qua đánh giá tình hình thiệt hại, Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết, tổng số cá chết là sau hai đợt là hơn 18 tấn cá nuôi, 100% cá tôm tự nhiên trên sông chết khi khối nước ô nhiễm đi qua. Ngoài vấn đề cá chết thì nguồn nước bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và nhất là đời sống, sinh hoạt của người dân ven sông Bưởi.

Trước sự việc này, Sở NN&PTNT cũng đã phối hợp với các ngành chức năng triển khai các biện pháp để hạn chế thiệt hại ở vùng hạ lưu; Khuyến cáo người chăn nuôi ven sông tạm thời không nên sử dụng nước từ sông để phục vụ sinh hoạt và sử dụng cho gia súc, gia cầm uống. Ngoài ra tiếp tục kiểm tra các yếu tố môi trường, khi môi trường nước sông ổn định thì Sở NN&PTNT cùng UBND huyện Thạch Thành hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất thủy sản, tập huấn các nghiệp vụ xử lý tình huống nếu có sự cố về môi trường xảy ra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phúc Tuấn (Báo Giao thông)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN