Cá chết hàng loạt ở miền Trung: Có thể do độc tố mạnh

Sau nhiều ngày điều tra, cơ quan chức năng đã có kết luận ban đầu về nguyên nhân gây nên hiện tượng cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh ven biển miền Trung.

Cá chết hàng loạt ở Miền Trung - Nguyên nhân do độc tố mạnh

Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác. Ảnh: Báo Giao thông.

Chiều 25.4, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã có văn bản thông báo kết luận về hiện tượng hải sản chết bất thường tại ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế.

Theo đó, hiện tượng cá chết bất thường xuất hiện vào ngày 6/4/2016 tại vùng nuôi lồng xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Sau đó, cá tiếp tục chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Kết quả phân tích ban đầu của Viên Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy, cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường.

“Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, nguyên nhân cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác. Hiện tại, không còn thấy xuất hiện cá chết như những ngày trước đó”, văn bản nêu.

Để nhanh chóng khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất cũng như đời sống của người dân ven biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2757/VPCP-KTN ngày 22/4/2016 của Văn phòng Chính phủ và Công văn 3179/BNN-TCTS ngày 21/4/2016 của Bộ NN&PTNT về việc xử lý hiện tượng hải sản chết bất thường tại các tỉnh ven biển Bắc Trung Bộ và các văn bản hướng dẫn khác của Bộ.

Thứ trưởng Tám đề nghị các địa phương khẩn trương thu gom tiêu hủy cá chết theo quy định, nghiêm cấm làm thực phẩm hoặc nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dưới mọi hình thức.

Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản có trách nhiệm hướng dẫn người dân phân biệt cá chết bất thường với cá khai thác và cá nuôi; tích cực tuyên truyền để người dân biết thông tin, tránh hoang mang, ổn định tâm lý.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cũng giao Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 làm đầu mối tiếp tục phối hợp với các đơn vị chuyên môn, nhanh chóng phân tích mẫu vật để xác định nguyên nhân, tổng hợp và báo cáo kết quả về Tổng cục Thủy sản để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên và Môi trường; phối hợp, hỗ trợ các địa phương quan trắc, giám sát môi trường nước vùng ven biển.

Trong khi chờ kết quả xác định nguyên nhân cá chết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn tăng cường quan trắc môi trường, căn cứ thực tế của địa phương, khi thấy điều kiện đảm bảo thì tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn người dân khôi phục sản xuất.

Giao Tổng cục Thủy sản hướng dẫn các địa phương đánh giá, thống kê thiệt hại, kiến nghị và đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp để người dân khôi phục hoạt động sản xuất và kinh doanh, đặc biệt là các gia đình chính sách, ngư dân nghèo ven biển. Tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của địa phương, tham mưu Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Tổng cục Thủy sản tổng hợp kết quả phân tích nguyên nhân hiện tượng cá chết bất thường, báo cáo Bộ trưởng và là đầu mối phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Triệu Quang ([Tên nguồn])
Cá chết hàng loạt ở biển miền Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN