Vụ Airbus A320 rơi tại Pháp: Ngừng tìm kiếm nạn nhân

Giới chức trách Pháp cho biết, họ đã ngừng việc tìm kiếm thi thể các nạn nhân vụ máy bay Airbus A320 rơi tại vùng núi Alps hẻo lánh. Tuy nhiên, chiến dịch tìm kiếm kỷ vật, tư trang của nạn nhân vẫn được tiếp tục.

"Cuộc tìm kiếm các thi thể đã kết thúc, nhưng công tác tìm kiếm hành lý của họ vẫn tiếp tục”, hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn của chính quyền vùng Alpes-de-Haute-Provence, miền nam nước Pháp - nơi máy bay Airbus A320 mang số hiệu 4U9525 của hãng hàng không Germanwings (Đức) bị rơi.

Vụ Airbus A320 rơi tại Pháp: Ngừng tìm kiếm nạn nhân - 1
Nhân viên cứu hộ phải dùng dây cáp để đưa thi thể nạn nhân vụ máy bay rơi lên khỏi sườn núi Alps.

Người phát ngôn này còn cho biết thêm rằng, hãng Lufthansa, công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ Germanwings, đã thuê một công ty chuyên trách để xử lý rác từ máy bay Airbus A320. Công ty này sẽ hoạt động dưới sự điều phối của các công tố viên Pháp và  các chuyên gia giám sát môi trường. Công việc xử lý rác và làm sạch hiện trường sẽ bắt đầu vào tuần sau và có thể kéo dài 2 tháng.

“Lufthansa đã thuê thêm một công ty chuyên nghiệp để di dời các mảnh vỡ máy bay, theo sự cho phép của cơ quan công tố Pháp và một chuyên gia phụ trách giám sát môi trường của chiến dịch”.

Hiện việc nhận dạng các nạn nhân đang được tiếp tục, thông qua phân tích 150 bộ mẫu ADN được tìm thấy tại hiện trường. Dự kiến việc này cần tới vài tuần. Cơ quan công tố Pháp cho biết, số lượng bộ ADN không có nghĩa là toàn bộ các hành khách đã được tìm thấy. Ngay khi danh tính mỗi nạn nhân được xác định, gia đình họ sẽ lập tức được thông báo.

Vụ Airbus A320 rơi tại Pháp: Ngừng tìm kiếm nạn nhân - 2
Mảnh vỡ máy bay tại hiện trường vụ tai nạn.

Chuyến bay 4U9525 gặp nạn hôm 24.3, khi đang trên hành trình từ Tây Ban Ban sang Đức. Từ dữ liệu hộp đen, các nhà chức trách tin rằng cơ phó Andreas Lubitz đã cố ý tự sát khi cho máy bay lao xuống một vách núi tại Pháp, sau khi được cơ trưởng trao quyền kiểm soát máy bay để đi vệ sinh.

Dữ liệu từ hai hộp đen cho thấy, cơ phó người Đức, 28 tuổi đã cố ý khóa cửa, điều chỉnh chế độ lái tự động để cho máy bay liên tục hạ độ cao, và từ chối mọi nỗ lực yêu cầu mở cửa buồng lái của cơ trưởng cũng như cảnh báo từ đài kiểm soát không lưu.

Các công tố viên cho hay, cơ phó Andreas Lubitz từng tìm kiếm thông tin về cách tự sát và hệ thống an ninh cửa buồng lái trên mạng Internet.

Ngoài ra, cơ phó Lubitz cũng từng được chẩn đoán bị trầm cảm nghiêm trọng và có khuynh hướng muốn tự tử từ vài năm trước khi chính thức trở thành phi công thương mại. Anh này từng phải bỏ dỡ khóa huấn luyện phi công của hãng Lufthansa để trị bệnh.

Trong khi đó, hôm qua (4.4), gia đình các nạn nhân đã tới đài tưởng niệm gần hiện  trường vụ tai nạn máy bay để tưởng niệm những người xấu số.

Cụ thể, 48 gia đình nạn nhân đã tập trung tại làng Le Vernet thuộc dãy núi Alps của Pháp, để tượng niệm những người đã khuất. Tại đây, họ đã gặp các ban lãnh đạo hãng bay Lufthansa.

Lufthansa, công ty mẹ của hãng hàng không giá rẻ Germanwings, đang phải chịu áp lực lớn sau khi tiết lộ, Lubitz đã thông báo qua mail với hãng này rằng anh ta bị trầm cảm nặng vào năm 2009, sau khi tạm nghỉ khóa huấn luyện bay trong nhiều tháng.

Lufthansa có thể phải đối mặt với mức đền bù cao hơn rất nhiều lần cũng như các vấn đề pháp lý do hành động tự sát của cơ phó Lubitz, cướp đi mạng sống của 144 hành khách và 5 thành viên tổ bay, đặc biệt nếu gia đình nạn nhân khiếu kiện, yêu cầu truy cứu trách nhiệm của hãng này. 

Ngoài ra, Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) cũng từng bày tỏ lo ngại về những quy tắc an toàn "không phù hợp" của hãng Germanwings, đặc biệt là vấn đề giám sát sức khỏe tổ bay, trước khi xảy ra tai nạn làm 150 người chết tháng trước.
 
Theo báo Wall Street Journal, EASA từng cảnh báo, đội ngũ an toàn hàng không của Germanwings bị thiếu nhân lực và có thể làm giảm khả năng kiểm tra phi cơ và tổ bay, trong đó có vấn đề y tế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Đăng ([Tên nguồn])
Máy bay Đức Airbus A320 rơi tại Pháp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN