VN thi nghề đạt giải cao nhưng năng suất lao động kém

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, Việt Nam luôn đạt thành tích cao tại các cuộc thi tay nghề giữa các nước ASEAN, nhưng năng suất lao động lại kém.

“VN luôn đạt thành tích rất cao tại các cuộc thi”

Thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho biết, Việt Nam luôn đạt thành tích rất cao tại các cuộc thi tay nghề giữa các nước trong khối ASEAN.

VN thi nghề đạt giải cao nhưng năng suất lao động kém - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hải

Ví dụ, đoàn Việt Nam đoạt giải nhất với 15 huy chương vàng tại cuộc thi tay nghề ASEAN lần thứ 10 được tổ chức cuối tháng 10 vừa qua tại Hà Nội. Tiếp theo là Malaysia 9 huy chương vàng, Indonesia 8 huy chương vàng, Singapore 4 huy chương vàng và Thái Lan 3 huy chương vàng.

Tuy nhiên, có một nghịch lý, theo các số liệu nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) năm 2013, năng suất lao động của người Việt Nam kém người Singapore 15 lần, kém người Malaysia 5 lần và chỉ bằng 2/5 năng suất lao động khi so sánh với người Thái Lan.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, một trong những nguyên nhân quan trọng là mục tiêu đối với dạy nghề, giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự phù hợp với thực tiễn khách quan của Việt Nam, chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề, các kỹ năng mềm khác...

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo Luật cân nhắc bổ sung mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp nội dung liên quan tới mục tiêu tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng lao động dịch vụ của người Việt Nam trong giáo dục nghề nghiệp.

Bổ sung nội dung có liên quan tới vấn đề vị trí việc làm, chính sách tuyển dụng đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, theo lời đại biểu, các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước tuyển dụng lao động luôn có xu hướng ưu tiên người có trình độ cao hơn như cao đẳng, đại học... để làm tại vị trí công tác mà không cần đến trình độ này.

Ví dụ, một trường trung học cơ sở một huyện miền núi, với quy mô của nhà trường thì tổng thu, chi 1 năm chỉ khoảng 500 triệu, vậy chỉ cần 1 người tốt nghiệp trung cấp tài chính kế toán có thể đảm đương được việc hạch toán thu chi.

Khi nhà trường cần tuyển dụng vị trí việc làm này đã có hàng chục đơn xin việc của các cử nhân kế toán. Do vậy không còn cơ hội cho những người học viên tốt nghiệp các trường trung cấp nghề phù hợp.

Đào tạo không đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) cho rằng, Luật cần có cơ chế gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo.

Thực tế ở nước ta, mối liên kết giữa các trường đào tạo với các đơn vị sử dụng lao động chưa cao, dẫn đến hệ quả đào tạo thường không đáp ứng ngay được yêu cầu của đơn vị sử dụng lao động.

Nhiều người được đào tạo ra không tìm được việc làm, nhiều lao động được tuyển dụng nhưng không đáp ứng được yêu cầu công việc. Khi vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp vẫn phải tự tổ chức đào tạo lại.

Đại biểu đề nghị nghiên cứu cụ thể hơn về cơ chế, chính sách, giải pháp khả thi để quy định trong luật, nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp.

Sự đánh giá của doanh nghiệp và thị trường lao động đối với người học là tiêu chí quan trọng để nâng cao chất lượng của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đây là căn cứ để mở nghề, xác định số lượng tuyển sinh của cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời phải có tổng kết, đánh giá thực tiễn để có cơ sở triển khai các bước tiếp theo trong quá trình đào tạo nghề.

Đại biểu Lê Trọng Sang (TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, quy định tại dự thảo Luật về tạo điều kiện cho người lao động của doanh nghiệp vừa làm, vừa học để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp... còn quá chung chung.

Cần quy định rõ doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo, đào tạo lại đối với người lao động khi đầu tư thay đổi dây chuyền, thiết bị công nghệ trong sản xuất, cùng với bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động theo định kỳ. Đồng thời coi đây là quyền của người lao động.

Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng, về mục tiêu dạy nghề, ở tất cả các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng ở trong dự thảo luật nên bổ sung phần có tinh thần yêu nước, ý thức chính trị, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp.Bởi vì qua sự kiện tháng 5/2014 vừa qua, hàng loạt hành động gây rối ở các khu công nghiệp trên địa bàn của một số địa phương cho thấy ý thức chính trị, tinh thần yêu nước của người công nhân còn chưa phù hợp, dễ bị bọn xấu lợi dụng, tạo ảnh hưởng không tốt cho môi trường đầu tư, sản xuất và kinh doanh của nước ta.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D. Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN