Việt Nam thất nghiệp thấp nhất thế giới: Không có cơ sở

“Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện nay là 1,84%, con số này chưa phản ánh đúng đặc điểm thị trường lao động của nước ta”.

Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) vừa công bố tỷ lệ thất nghiệp cả nước quý II/2014 là 1,84%, thấp nhất trong vòng một năm qua. Đến nay, Việt Nam vẫn nằm trong số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới. Nhiều người cho rằng đây là con số không thực tế.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Việt Nam thất nghiệp thấp nhất thế giới: Không có cơ sở - 1

Tiến sĩ Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Thưa ông, theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam hiện nay là 1,84%. Là một chuyên gia nghiên cứu về lao động, ông nghĩ sao về con số này?

Con số 1,84% được điều tra và công bố vừa qua không phải Bộ Lao động thực hiện. Đây là kết quả điều tra lao động việc làm quý II năm 2014 do Tổng Cục thống kê thực hiện theo phương pháp của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). ILO dùng phương pháp chung của các nước trên thế giới.

Phương pháp có căn cứ nhưng chỉ đúng với điều kiện của các thị trường lao động tương đối ổn định. Thị trường đảm bảo việc làm cho người lao động và kết hợp giải quyết trong lĩnh vực việc làm. Do vậy, con số này chưa phản ánh đúng đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam.

Các nước điều tra lao động dựa vào người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, nhưng Việt Nam lại rất khó áp dụng cách này.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp đánh giá được tỷ lệ nghèo đói. Ở những quốc gia với những hạn chế về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và các phúc lợi xã hội nếu thất nghiệp, sẽ khó khăn, nghèo đói.

Những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp thường người dân không được hưởng trợ cấp xã hội. Họ phải tìm kế sinh nhai bằng mọi cách, và thông thường họ chấp nhận làm những công việc chất lượng kém, trả lương thấp…

Ở những nước phát triển với hệ thống bảo trợ xã hội tiên tiến và mức sống cao hơn, người lao động có thể tồn tại trong hoàn cảnh thất nghiệp.

Việt Nam thất nghiệp thấp nhất thế giới: Không có cơ sở - 2

Rất nhiều người chờ tuyển dụng tại một Trung tâm giới thiệu việc làm (Ảnh: NLĐ)             

Như ông nói, cách điều tra được tiến hành trong một tuần với mẫu lựa chọn 500.000 hộ dân. Phải chăng, cách điều tra, giám sát này chưa hợp lý?

Kết quả tỷ lệ thất nghiệp điều tra trong 1 tuần, với mẫu 500 nghìn hộ dân chưa thể đại diện cho đa số. Và người thất nghiệp, phải thỏa mãn 3 điều kiện: đang không có việc làm, muốn làm việc và đang tìm việc làm.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 8 tháng đầu năm, cả nước có 44.500 doanh nghiệp giải thể trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp lại giảm. Ông có thể lý giải rõ hơn về điều này?

Trong quý 2/2014, thất nghiệp giảm so với cùng kỳ năm trước (2,2%). Điều này phần nào thể hiện tính phức tạp của nền kinh tế và thị trường lao động Việt Nam. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp gặp khó khăn, một số khác lại phát triển tốt hơn và có khả năng thuê thêm nhiều nhân công.

Hiện nay, số lượng các doanh nghiệp đang hoạt động nhưng gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động cao. Số doanh nghiệp thành lập mới nhưng chiếm tỷ trọng thấp. Quy mô thu hút lao động thấp chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Chẳng hạn, 8 tháng đầu năm, cả nước có 47.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong khi có tới 44.500 doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động.

Năng suất lao động của Việt Nam đang ở mức thấp nhất châu Á trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam lại thấp nhất thế giới? Ông lý giải sao về điều này?

Năng suất lao động của Việt Nam thấp nhưng chưa đến mức rất thấp. Tuy nhiên, năng suất lao động thấp và tỷ lệ thất nghiệp giảm là mâu thuẫn lớn. Chất lượng nguồn lao động, theo mục tiêu phấn đấu trong năm 2014 là đạt 52% lực lượng lao động được qua đào tạo, đến giờ đã đạt 49% nhưng vấn đề đáng quan tâm  là tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề (từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ) mới đạt gần 19% dẫn đến năng suất lao động thấp trong khu vực. Điều đó cũng lý giải thêm về con số thất nghiệp của Việt Nam hiện nay.

Theo ông, Việt Nam cần có những giải pháp gì để nâng cao sức cạnh tranh của đội ngũ lao động hiện nay?

Để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế tạo động lực tăng năng suất lao động cần thiết phải nâng cao chất lượng phù hợp với cơ cấu ngành nghề và nhu cấu sử dụng, gắn đào tạo với sử dụng; đổi mới công nghệ; chuyển dịch lao động từ khu vực nông nghiệp, phi chính thức vào khu vực có quan hệ lao động khu vực công nghiệp, dịch vụ có năng suất lao động cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu (thực hiện) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN