Vì sao thời tiết Hà Nội nóng hơn so với dự báo?

Miền Bắc vừa trải qua đợt nắng nóng gay gắt, có thời điểm tại trạm Láng, Hà Nội, cơ quan khí tượng dự báo nhiệt độ lên đến 40,3 độ C. Tuy nhiên, nhiều người dân lại cảm nhận nhiệt độ thực tế cao hơn từ 2-3 độ so với so với cơ quan khí tượng dự báo.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng Phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa hạn dài, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương giải thích, nhiệt độ Trung tâm thông tin tới người dân căn cứ vào số liệu đo được bên trong lều khí tượng, đặt cách mặt đất khoảng 2m. Do đó, nếu đo ở ngoài trời, đặc biệt là các khu đô thị, nơi có nhiều bê tông sắt thép thì nhiệt độ sẽ cao hơn so với đo trong lều khí tượng khoảng 2-3 độ C.

Hiện tại, người dân ở khu vực miền Bắc, miền Trung đang phải chống chọi với cái nắng gay của mùa hè. Đặc biệt, vào cuối tháng 5 vừa qua, có thời điểm nhiệt độ đo được tại trạm Láng (Hà Nội) là 40,3 độ C. Đây được coi là chuỗi nhiệt độ kỷ lục kể từ năm 1971 tới nay.

Vì sao thời tiết Hà Nội nóng hơn so với dự báo? - 1

Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó trưởng Phòng Dự báo Khí tượng hạn vừa hạn dài, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương

Ông Hòa cho hay, nguyên nhân dẫn đến mùa hè năm nay nắng nóng như vậy là do áp thấp nóng phía tây hoạt động mạnh. Thêm nữa, năm nay  hiện tượng El Nino đang diễn ra khiến nhiệt độ mặt nước biển ở Thái Bình Dương ấm lên, gây ra thời tiết nóng nực, khô hạn khắp châu Á. Thời tiết có xu hướng, vào mùa đông lạnh thì rất lạnh; mùa hè nóng rất nóng. Hiện tượng giông lốc cũng xảy ra nhiều hơn.

“Trong tháng 6 nắng nóng tiếp tục diễn ra ở miền Bắc, miền Trung, với nền nhiệt phổ biến từ 36-39 độ C. Một số địa phương vùng núi như huyện Tương Dương (Nghệ An); Tĩnh Gia (Thanh Hóa); Hương Sơn (Hà Tĩnh) nhiệt độ có thể lên trên 40 độ C. Tại Hà Nội, có thể xảy ra một số đợt nắng nóng gay gắt giống đợt nắng vào cuối tháng 5 vừa qua. Mức nhiệt có thể lên đến 40 độ C”, ông Hòa nói.

Ông Hòa cho biết thêm, theo quy luật, vào tháng 6,7 hằng năm, nền nhiệt độ sẽ ở mức cao nhất vì vậy sẽ xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài. Dự báo, nền nhiệt trong hai tháng này cao hơn từ 1-2 độ so với nhiệt độ trung bình nhiều năm.

Ông Hòa cho hay, theo nhận định, khu vực Bắc Bộ, từ ngày 4-14.6, nắng nóng có xu hướng giảm bớt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 34-36 độ C, có nơi trên 37 độ C. 

Khu vực Trung Bộ: Trong 10 ngày tới nắng nóng tiếp tục duy trì, nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, vùng núi xấp xỉ 40-41 độ C. Riêng khu vực phía bắc khả năng giảm nắng nóng trong ngày 13, ngày 14.6.

Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ: Thời tiết mát hơn, nhiệt độ cao nhất ngày dao động trong khoảng từ 32 – 34 độ C, một vài nơi ở miền Đông Nam Bộ đạt 35 độ C.

Trong ngày 3.6, một số nơi ở miền Bắc và miền Trung đã có nắng nóng gay gắt. Nhiệt độ cao nhất trong ngày đo được tại một số điểm nắng nóng gay gắt như sau: Con Cuông (Nghệ An) 40,3 độ C; Đồng Hới (Quảng Bình) 38,9 độ C; Đông Hà (Quảng Trị) 39,4 độ C; Hòa Bình 38.0 độ C; Lào Cai 37.5 độ C; Bắc Mê (Hà Giang) 38.1 độ C; Láng (Hà Nội) 37.4 độ C; Hưng Yên và Phủ Ký (Hà Nam) 37.3 độ C; Nho Quan (Ninh Bình) 38.4 độ C.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN