Vì sao bằng cấp càng cao càng dễ thất nghiệp?

Cả nước có hơn 1 triệu người thất nghiệp, trong đó chiếm tỉ lệ cao nhất là lao động có trình độ đại học và trên đại học với gần 178.000 người. Trong khi, số lượng đối tượng này càng ngày càng tăng.

Bằng đại học không phải là thước đo để xin việc

Tỉ lệ thất nghiệp cao nhất trong quý I.2015 là nhóm có trình độ đại học và trên đại học với gần 178.000 người trong tổng số hơn 1 triệu người thất nghiệp. Số liệu này vừa được Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội và Tổng cục Thống kê công bố trên Bản tin thị trường lao động số 5 (tháng 7.2015).

Trước thông tin trên, ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách kinh tế - Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho rằng, nhiều trường đại học, ngành học mới được thành lập nên số sinh viên ra trường tăng cao.

Vì sao bằng cấp càng cao càng dễ thất nghiệp? - 1

Theo Trưởng ban Chính sách kinh tế Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sinh viên ra trường thường thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, nên cần tìm công việc, chỗ làm tương xứng năng lực của mình (Ảnh: Hạ Nhiên)

Theo thống kê, hiện nay cả nước có gần 12 triệu lao động có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó có 4,3 triệu người có trình độ đại học chiếm tỷ lệ cao nhất 36,39%.

Trong quý I.2015, Việt Nam có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng gần 115.000 người so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó nhóm có trình độ đại học và trên đại học chiếm tỉ lệ thất nghiệp cao nhất gần 178.000 người, tăng 12.100 người so với quý IV.2014.

“Doanh nghiệp chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông, qua các trường đào tạo nghề và phần lớn các doanh nghiệp muốn sử dụng lao động giá rẻ của Việt Nam để giảm chi phí giá thành. Nên lao động có trình độ đại học và trên đại học khó tìm được việc”, ông Điều nhận định.

Cùng phân tích nguyên nhân, ông Mai Kim Hoàng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư tài chính dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chia sẻ, nhiều sinh viên mới ra trường chưa có kinh nghiệm, học lý thuyết nhiều hơn thực hành.

Trong khi các doanh nghiệp muốn tìm người có kinh nghiệm, có thể sử dụng ngay thay vì đào tạo lại. “Doanh nghiệp quan tâm người lao động đã làm việc ở đâu, làm được bao năm và qua những công ty nào hơn việc người lao động học cái gì, bằng cấp nào”, ông Hoàng nói.

Ông Hoàng cũng nhận định, tình hình khủng hoảng kinh tế từ năm 2008 đã khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, các công ty cắt bớt nhân sự. Trong khi số lượng đào tạo vẫn liên tục tăng.

Bà Nguyễn Thu Hương, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Công ty Tìm việc nhanh đưa ra nguyên nhân: “Chính bản thân sinh viên khi ra trường đặt kỳ vọng quá cao về bản thân. Tâm lý thanh niên “sính” bằng cấp và nghĩ rằng công việc này không phù hợp hoặc không đáp ứng với bằng cấp đã được đào tạo”.

Vì sao bằng cấp càng cao càng dễ thất nghiệp? - 2

Ảnh 2: Nhiều lao động có trình độ đại học và trên đại học phải làm những công việc bán hàng, công nhân… do không tìm được việc làm (Ảnh: Trần Đáng)

Nên làm gì để tránh thất nghiệp?

Ông Đặng Quang Điều, Trưởng ban Chính sách kinh tế Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, giải quyết vấn đề thất nghiệp ở những người có bằng đại học và trên đại học là bài toán khó. Con số trên do Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đưa ra, tuy nhiên Bộ chưa có hướng giải quyết cho vấn đề này.

Ông Điều chia sẻ, sinh viên ra trường thường thiếu kinh nghiệm và kỹ năng làm việc, nên cần tìm công việc, chỗ làm tương xứng năng lực của mình, như vậy tỉ lệ xin được việc sẽ cao hơn.

“Không nên chọn phương án học thạc sĩ, khi chính họ không có mục tiêu rõ ràng”, ông Điều nói.

Ông Mai Kim Hoàng, Phó giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý quỹ đầu tư tài chính dầu khí đưa ra ý kiến, ngành giáo dục cần có sự thay đổi, đào tạo những sinh viên ra trường có chất lượng và phải phản ánh đúng tấm bằng họ cầm trên tay.

Theo ông Hoàng, nhà trường nên tạo môi trường cho sinh viên được cọ xát. Vì học phải đi đôi với hành thì mới thành công.

Bà Nguyễn Thu Hương, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Công ty Tìm việc nhanh đưa ra lời khuyên, bản thân sinh viên ngay khi ngồi trên ghế nhà trường cần năng động, tự trau dồi kinh nghiệm cho bản thân. Họ cần có định hướng rõ ràng về công việc: Xác định cần gì và làm gì khi ra trường.

Bà Nguyễn Thu Hương, Trưởng đại diện Văn phòng Hà Nội của Công ty Tìm việc nhanh đưa ra lời khuyên về những điều lao động cần có để tránh tình trạng thất nghiệp khi ra trường.

Xác định rõ mục tiêu: Ngắn hạn và dài hạn. Mục tiêu ngắn hạn là hãy làm nghề hợp pháp mà có tiền sống. Mục tiêu dài hạn là bạn đi theo đam mê của mình. Nó phải được xác định dựa trên sở thích, phong cách, kỹ năng, trình độ cũng như hoàn cảnh cụ thể mỗi người.

Tìm hiểu thông tin trước về nhà tuyển dụng: Đây là sự chuẩn bị quan trọng cho buổi phỏng vấn thành công. Càng có nhiều thông tin thì việc lựa chọn việc làm thêm chính xác, việc soạn thảo hồ sơ xin việc cũng thuận lợi hơn.

So sánh nhu cầu nhà tuyển dụng với khả năng của bản thân: Từ những yêu cầu của nhà tuyển dụng để so sánh với những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân về sở thích, trình độ, kỹ năng, sức khỏe…

Chuẩn bị kỹ cho buổi phỏng vấn: Hồ sơ xin việc rõ ràng, tác phong đứng đắn, thái độ nghiêm túc… thường được đánh giá cao ngay từ phút đầu tiên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Chiêm ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN