Tướng Hồ Sỹ Tiến lên tiếng về việc dân “tự xử” người nghi bắt cóc trẻ em

Thiếu tướng Tiến cho rằng, việc đánh đập người nghi bắt cóc trẻ em tương tự các vụ đánh đập người trộm chó trước đây, đều trái pháp luật.

Tướng Hồ Sỹ Tiến lên tiếng về việc dân “tự xử” người nghi bắt cóc trẻ em - 1

Bà Bảy và bà Phúc bị người dân ở Sóc Sơn hành hung vì nghi bắt cóc trẻ con. (Ảnh chụp màn hình)

“Tự xử” là phạm pháp

Thời gian vừa qua liên tục xuất hiện các vụ việc người dân bắt giữ, đánh đập, hủy hoại tài sản của người họ nghi ngờ là bắt cóc trẻ em.

Gần đây nhất, ngày 22.7, hai phụ nữ trên đường đi bán tăm gây quỹ từ thiện tại địa bàn huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã bị người dân đánh đập dã man vì nghi bắt cóc trẻ em.

Trước đó 2 ngày, tại xã Hồng Lạc (huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương), cũng vì nghi ngờ anh Trịnh Mạnh Hải (Giám đốc kinh doanh một công ty thức ăn chăn nuôi) thôi miên chủ nhà, bắt cóc trẻ em, người dẫn đã bắt giữ, đốt xe ô tô đắt tiền của anh Hải.

Tuy nhiên, sau khi điều tra, công an đều kết luận, hai người phụ nữ bán tăm và anh Hải không có hành vi bắt cóc trẻ em. Việc nhiều người bị đánh oan vì nghi bắt cóc trẻ em khiến nhiều người lo lắng.

Trao đổi với PV, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C45, Bộ Công an) khẳng định, hành vi đánh đập người phụ nữ bán tăm hay đốt xe ô tô vì nghi ngờ bắt cóc trẻ em đều là hành vi trái pháp luật.

Tướng Hồ Sỹ Tiến lên tiếng về việc dân “tự xử” người nghi bắt cóc trẻ em - 2

Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến khuyến cáo người dân không được “tự xử” người nghi bắt cóc.

“Người dân có quyền trình báo, bắt giữ người tình nghi bắt cóc trẻ em giao cho công an nhưng không được tự ý sử dụng vũ lực đánh người khác. Người bị tình nghi nếu phạm tội đã có pháp luật xử lý.

Hành vi “tự xử” của người dân là trái pháp luật, để lại hậu quả rất nghiêm trọng và có thể bị xử lý về tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự nơi công cộng…”, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến nói.

Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, việc đánh đập người nghi bắt cóc trẻ em tương tự như các vụ đánh đập người trộm chó trước đây. Những người đánh nghi phạm bị thương, hoặc đánh chết nghi phạm đều bị xử lý nghiêm.

Tướng Hồ Sỹ Tiến lên tiếng về việc dân “tự xử” người nghi bắt cóc trẻ em - 3

Việc người dân bị đánh oan vì nghi bắt cóc tren em khiến nhiều người lo lắng. (Ảnh Facebook)

Người dùng mạng xã hội cần chia sẻ có trách nhiệm

Trao đổi với PV về thông tin bắt cóc trẻ em liên tục xuất hiện thời gian gần đây, Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến một lần nữa khẳng định, phần lớn các thông tin bắt cóc trẻ em trên mạng xã hội là không chính xác. Cơ quan điều tra sẽ xử lý nghiêm các đối tượng tung tin thất thiệt gây hoang mang dư luận.

Thượng tá Hà Thị Hằng – Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PC50), Công an TP.Hà Nội cho biết, thời gian qua, Phòng PC50 phát hiện nhiều vụ việc tung tin thất thiệt lên mạng xã hội, trong đó có thông tin bắt cóc trẻ em.

Tuy nhiên, khi vào cuộc điều tra, Phòng PC50 đều phát hiện thông tin bắt cóc trên mạng xã hội đều là tin thất thiệt, không đúng sự thật.

“Mục đích những người tung tin thất thiệt là đưa thông tin giật gân nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng”, Thượng tá Hằng nói.

Tướng Hồ Sỹ Tiến lên tiếng về việc dân “tự xử” người nghi bắt cóc trẻ em - 4

Thượng tá Hà Thị Hằng cho rằng người dùng mạng xã hội cần có trách nhiệm hơn trong việc chia sẻ thông tin.

Thượng tá Hằng đánh giá, ý thức với xã hội, với cộng đồng của nhiều người dùng mạng xã hội chưa nghiêm túc.

“Nhiều người dùng mạng xã hội cứ nghĩ rằng trang cá nhân của mình, mình thích nói gì thì nói mà không ý thức được mức độ lan tỏa thông tin trên mạng xã hội hiện nay rất lớn và gây ảnh hưởng xấu tới xã hội”, Thượng tá Hằng nói.

Phó trưởng Phòng PC50 Công an Hà Nội cho biết, theo quy định, cá nhân sử dụng mạng xã hội đăng tải thông tin sai sự thật sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng. Mức phạt này sẽ tăng lên gấp đôi đối với tổ chức có hành vi tương tự.

Thượng tá Hằng khuyến cáo, người dùng mạng xã hội cần nâng cao trách nhiệm hơn trong việc chia sẻ thông tin tới công đồng để không làm ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội và tránh vi phạm pháp luật.

“Khi sử dụng mạng xã hội như Facebook, người dùng không nên chia sẻ thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được cơ quan có thẩm quyền xác minh, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng”, Thượng tá Hằng khuyến cáo.

Những người hành hung 2 phụ nữ bán tăm sẽ bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV, luật sư Lê Văn Kiên (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, những người đánh đập 2 người phụ nữ bán tăm vì nghi bắt cóc trẻ em có dấu hiệu của tội "Cố ý gây thương tích". Người phạm tội này có thể bị phạt tù 6 tháng tới chung thân, tùy theo mức độ vi phạm.

Về vụ đốt xe ô tô Fortuner của anh Trịnh Mạnh Hải, luật sư Kiên cho rằng, đối tượng đốt xe có dấu hiệu phạm tội “Hủy hoại tài sản”. Người phạm tội này có thể bị phạt tù với mức cao nhất lên đến chung thân, tùy thuộc vào giá trị tài sản bị hủy hoại.

Khi được hỏi, nếu việc hành hung nghi phạm hay đốt xe ô tô không phải do một cá nhân gây ra mà do rất nhiều người gây ra thì xử lý thế nào? Luật sư Kiên cho biết, cơ quan công an sẽ điều tra làm rõ những người tham gia hành hung, đốt xe để xử lý.

“Không phải cứ đánh hội đồng là tránh được việc bị xử lý. Thậm chí nếu có thêm tình tiết phạm tội có tổ chức, người vi phạm còn bị phạt còn nặng hơn”, luật sư Kiên nói.

Đánh bầm dập, đốt xe vì nghi bắt cóc trẻ em có thể bị xử lý như thế nào?

Việc người dân “tự xử” những người nghi ngờ bắt cóc trẻ con đang bùng phát và gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN