Từ Nguyễn Bá Thanh đến bản lĩnh "quan"

Đôi khi, người dân cảm thấy mất hết niềm tin vì có rất nhiều vụ việc xảy ra mà dường như đằng sau nó có một bức tường che chắn vững chắc nào đó.

Đó là trăn trở của GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi trao đổi với PV xung quanh vấn đề phẩm chất và trình độ của người đứng đầu cơ quan công quyền, nhân câu chuyện Bí thư, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh truy trách nhiệm của cán bộ tại kỳ họp HĐND TP giữa tuần qua. GS Nguyễn Minh Thuyết nói:

Đà Nẵng hiện trở thành đô thị kiểu mẫu của cả nước, đường phố ngay ngắn, quy hoạch tốt, trật tự xã hội đảm bảo, công tác giải phóng mặt bằng dù không kém các thành phố khác, nhưng không có những vụ ồn ào. Nếu có, lãnh đạo thành phố đứng ra đối thoại trực tiếp với người dân nên vụ việc được giải quyết công khai, minh bạch. Đặc biệt, qua phiên chất vấn tại kỳ họp của HĐND TP.Đà Nẵng vừa qua, người ta thấy rõ lãnh đạo thành phố nắm chắc công việc, thậm chí hơn cả cấp tham mưu, không ngần ngại đụng độ, không che giấu yếu kém của cấp dưới. Tất nhiên, qua việc đó, cũng có những điều cần suy nghĩ, đó là cấp tham mưu và yếu hơn cả cấp trên, đó cũng là trách nhiệm của cấp trên, của thành phố. Thứ hai, mong muốn của người dân là hiệu quả công việc. Nhiều diễn đàn chất vấn khác, kết luận rất hoành tráng, nhưng chỉ kết luận rồi để đó, thì việc ở Đà Nẵng khiến người dân rất đồng tình.

Từ Nguyễn Bá Thanh đến bản lĩnh "quan" - 1

GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Ảnh: Khampha.vn)

“Người dân cần là bản lĩnh của người lãnh đạo, phải dám bộc lộ chính kiến, chứ không khải chăm chăm giữ ghế hoặc sợ cấp dưới đánh giá thế nọ thế kia, vì người có bản lĩnh thì không sợ”, GS Nguyễn Minh Thuyết.

- Từ trường hợp này, ông nghĩ gì về bản lĩnh, trình độ của người đứng đầu cơ quan công quyền?

- Người đứng đầu bao giờ cũng đóng vai trò rất quan trọng, nếu họ có tầm suy nghĩ mới, vạch ra được chiến lược phát triển cho đơn vị, địa phương, ngành mà người đó phụ trách. Thứ hai, cũng đòi hỏi cái tâm của người lãnh đạo, phải hiểu bức xúc của người dân, có quyết tâm để sửa chữa, để làm việc tốt hơn. Người dân cần là bản lĩnh của người lãnh đạo, phải dám bộc lộ chính kiến, chứ không khải chăm chăm giữ ghế hoặc sợ cấp dưới đánh giá thế nọ thế kia, vì người có bản lĩnh thì không sợ. Thêm nữa, phải dám bộc lộ khuyết điểm của cấp dưới để sửa chữa, có yêu cầu cấp dưới tổ chức công việc một cách rốt ráo. Tất nhiên, một người “thanh, sạch”- có cái tâm là một chuyện, nhưng cũng cần cái “tầm”.

- Nhưng thực tế không ít cơ quan đơn vị, việc bao che của cấp trên đối với cấp dưới dường như đã trở thành phổ biến đến mức người dân cảm thấy điều đó là bình thường?

- Đúng vậy, đôi khi người dân cảm thấy mất hết niềm tin vì có rất nhiều vụ việc xảy ra nhưng dường như có một bức tường che chắn giữa người dân với người chịu trách nhiệm trong chính quyền, kể cả người đứng đầu. Thứ hai, họ cũng nghi ngờ động cơ “che chắn” đó, không phải chỉ để giấu giếm khuyết điểm của ngành, của địa phương mà việc che chắn quyết liệt như thế thì có chuyện gì không. Người dân mong muốn người lãnh đạo phải có tâm, vì có tâm mới quan trọng, phải biết nghe lời nói phải, nếu không có tâm thì chỉ nghe lời xu nịnh. Người có tâm thì lo việc của dân, còn không có tâm chỉ lo những việc có lợi cho mình.

- Theo ông, tại sao yêu cầu đi sâu, đi sát giải quyết công việc, nắm bắt bức xúc của người dân luôn được đặt ra, nhưng việc thực hiện yêu cầu đó rất hạn chế?

- Đó là do người ta không có tâm nên cảm thấy không cần đi sâu đi sát bức xúc của người dân. Những người như thế họ vẫn không bị làm sao, vẫn giữ được vị trí. Trong hoàn cảnh chúng ta hiện nay, mọi việc vẫn do cấp ủy quyết định, do vậy, người đứng đầu hết sức quan trọng. Nếu ở các nước khác, người dân có thể bãi nhiệm được ngay, nhưng nước ta công tác tổ chức do Đảng phụ trách nên phụ thuộc người đứng đấu rất nhiều, nên anh phải có biện pháp kiên quyết với cấp dưới và sâu sát với thực tế mới có thể chọn được người tài, đưa ra những giải pháp và thực hiện những giải pháp đó sao cho có lợi cho dân, cho nước.

- Nhưng để đặt ra được yêu cầu với cấp dưới thì chính người đứng đầu cũng phải có “tầm” thế nào đó?

- Đúng vậy, anh muốn yêu cầu cấp dưới thì bản thân anh phải gương mẫu, phải có tâm, sâu sát với thực tế, phải có năng lực thì cấp dưới mới phục và làm cho tốt. Còn bản thân ông không gương mẫu, “dính” vào đủ các chuyện sai hoặc thực hiện công việc cho “qua ngày, đoạn tháng” thì làm sao đòi hỏi cấp dưới sốt sắng với công việc. Thậm chí ở nước ta có những trường hợp cấp dưới sốt sắng quá có khi nguy hiểm, gặp tai nạn nghề nghiệp…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mạnh Đồng (Đất Việt)
Ông Nguyễn Bá Thanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN