Trung Quốc định "gài bẫy" UNESCO để cướp Biển Đông

“Họ đã lợi dụng vấn đề văn hóa, di sản, lịch sử để định “gài bẫy” UNESCO, rồi quay sang khẳng định UNESCO công nhận như vậy thì họ có chủ quyền. Đó là âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc mà chúng ta cần hết sức lưu ý”.

Ngay khi nhận được thông tin Trung Quốc đòi đăng ký "Con đường tơ lụa trên biển" và những cổ vật ở khu vực Hoàng Sa là “di sản cổ vật” với UNESCO, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với TS Trần Công Trục, Nguyên Trưởng Ban biên giới Chính phủ về vấn đề này. Dưới đây là chia sẻ của ông.

Trước hết, việc các nhà khảo cổ Trung Quốc đã đào bới, tìm ra các cổ vật tại khu vực quần đảo Hoàng Sa không phải là lần đầu tiên. Từ lâu, họ đã nói, họ đã đào được đồng tiền như đồng tiền Vĩnh Lạc thời nhà Minh, di vật tàu đắm... Trong quá trình nghiên cứu của tôi, nghe họ nói nhiều. Vấn đề ở đây, chúng ta đều biết quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là những nơi có đảo đá, bãi cạn đây là khu vực rất nguy hiểm, tàu thuyền đi ngang qua nếu không nắm được rất dễ mắc cạn và đắm... Đặc biệt thế kỷ trước đây, khi nền hàng hải mới phát triển, việc đi lại tàu thuyền ở đây rất hay bị đắm.

Ví dụ vào thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 19, khi hai tàu Bellona và Umeji Maru bị đắm ở Hoàng Sa và bị ngư dân Trung Quốc cướp tài sản, nhà cầm quyền Trung Quốc tại Quảng Đông đã lập luận rằng quần đảo Hoàng Sa là lãnh thổ bị bỏ rơi, không thuộc về Trung Quốc nên họ không chịu trách nhiệm.... Nên chuyện có những chiếc tàu bị đắm ở dưới này là có. Những tàu thuyền của người Trung Quốc đi qua đây, do xác định đường đi lối lại không được tốt, nên việc bị đắm là chuyện bình thường. Do đó tôi nghĩ dưới đáy biển khu vực này luôn ẩn chứa những cổ vật, di tích của những con tàu bị đắm là có.

Trung Quốc định "gài bẫy" UNESCO để cướp Biển Đông - 1

 Trung Quốc khảo cổ bất hợp pháp tại khu vực Hoàng Sa

Trước đây, Trung Quốc đã thông tin nhiều lần về vấn đề này. Vấn đề ở đây là chuyện tàu đắm ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nếu như nó nằm trong vùng biển được tính thuộc các đảo quần đảo này, chẳng hạn như lãnh hải 12 hải lý, như vậy toàn bộ cổ vật tàu bị đắm sẽ thuộc quốc gia có chủ quyền. Không ai được phép đòi hỏi hoặc tìm kiếm để phục vụ cho lợi ích của mình. Điều này là đương nhiên nghiêm cấm.

Vấn đề thứ 2, việc Trung Quốc tiến hành khảo sát tìm ra các di vật, vào trong vùng biển đó để tìm kiếm, là vi phạm chủ quyền của Việt Nam. Đây một lần nữa thể hiện sự vi phạm của họ, ngoài những hành động vi phạm chủ quyền khác như dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, từ năm 1974 trở về trước. Sau đó họ tiến hành xây dựng khu vực này như chúng ta đã biết. Việc họ tiến hành khảo cổ cũng là một hành động vi phạm chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam.

Vấn đề thứ 3, tại sao Trung Quốc thường xuyên công bố cái gọi là “di vật khảo cổ” để tìm ra di vật có liên quan đến hoạt động của người Trung Quốc. Điều này nằm trong âm mưu, chủ trương của họ, phục vụ cho quan điểm pháp lý của họ như họ đã công bố về những quần đảo mà họ gọi là Nam Sa, Trung Sa, Tây Sa. Họ cho rằng người Trung Quốc đã phát hiện ra, đặt tên và vẽ bản đồ... từ 2.000 năm nay.

Như vậy, việc có tàu đắm của nước ngoài tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam không có nghĩa rằng khu vực đó thuộc chủ quyền của nước có tàu bị đắm. Nếu dùng cách chứng minh này của Trung Quốc thì có thể tìm thấy hài cốt binh lính Pháp ở Matxcova (Nga), còn ở Đống Đa của chúng ta có nhiều xương cốt di vật của người Trung Quốc (thời kỳ Mãn Thanh)...

Việc họ cố tình tìm ra các cổ vật, rồi “quàng xiên” dấu tích đó thể hiện người Trung Quốc đã xuống đây. Để họ bảo vệ quyền thụ đắc lãnh thổ theo quan điểm “danh nghĩa lịch sử, chủ quyền lịch sử”. Chuyện họ khảo sát để chứng minh lập luận này là một thủ đoạn, chủ trương họ đã làm. Lần này họ tiếp tục làm để khẳng định điều đó. Họ muốn khẳng định dư luận trong nước, dư luận quốc tế rằng người Trung Quốc xuống đây, làm ăn ở đây.

Câu hỏi đặt ra việc làm này có giá trị pháp lý hay không? Tôi khẳng định rằng nó không có ý nghĩa gì về mặt pháp lý. Vì việc tìm ra mảnh bát, con tàu bị đắm là chuyện hết sức bình thường trên khu vực này mà tàu thuyền của các nước qua lại rất nhiều. Không chỉ có tàu bè Trung Quốc và tàu Việt Nam mà còn có các tàu của các cường quốc hàng hải quốc tế và khu vực trước đây đều đi qua khu vực này... có nhiều con tàu bị đắm. 

Như vậy, việc có tàu đắm của nước ngoài tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam không có nghĩa rằng khu vực đó thuộc chủ quyền của nước có tàu bị đắm. Nếu dùng cách chứng minh này thì người ta có thể tìm thấy hài cốt binh lính Pháp ở Matxcova (Nga), còn ở Đống Đa của chúng ta có nhiều xương cốt di vật của người Trung Quốc (thời kỳ Mãn Thanh) hay gần đây khu vực như Chợ Lớn, có rất nhiều Hoa kiều ở....

Trên cơ sở di vật họ đào được để công nhận di sản “cổ vật” con đường “tơ lụa trên Biển Đông”, Trung Quốc đang muốn tổ chức UNESCO công nhận di sản cổ vật này.

Có thể tổ chức UNESCO căn cứ vào các dấu hiệu có giá trị của di sản mà công nhận. Nhưng cái Trung Quốc muốn qua sự công nhận đó, họ khẳng định rằng “họ là chủ”, làm chủ vùng này nên họ có chủ quyền với khu vực này. Vấn đề là “mưu đồ” của họ là như thế...

Họ đã lợi dụng vấn đề văn hóa, di sản, lịch sử “gài bẫy” UNESCO, rồi quay sang khẳng định UNESCO công nhận như vậy thì họ có chủ quyền. Đó là âm mưu, thủ đoạn của Trung Quốc mà chúng ta cần hết sức lưu ý.

Điều này họ đã từng làm với các tổ chức khoa học khác như: khí tượng, địa chất..., chứ không riêng gì UNESCO. Đấy là những cách mà họ đã dùng như lợi dụng công việc, nghiên cứu khoa học có liên quan để từng bước “nói không thành có”.

Sự kiện này, tôi cũng không lấy làm lạ, trước đây họ cũng đã làm nhiều chuyện tương tự và chúng ta cũng có phản ứng kịp thời. Tôi nghĩ chúng ta phải luôn cảnh giác, khi tham gia các hội nghị khoa học, nếu thấy những chuyện tương tự, chúng ta phải có tiếng nói phản đối ngay.  Nếu chúng ta không lên tiếng phản đối, bảo lưu chủ quyền quốc gia của chúng ta, thì họ sẽ nói rằng: “Chúng tôi đưa ra nhưng các đại biểu Việt Nam không có phản đối gì”.

Đến thời điểm này, chưa thể nói là UNESCO có bác bỏ đòi hỏi của Trung Quốc hay không, điều này hoàn toàn nằm trong quy chế, điều lệ của UNESCO. Do đó, trách nhiệm là ở chúng ta là cần phải chủ động có những bảo lưu cần thiết để khi tổ chức UNESCO cân nhắc đưa ra quyết định sẽ phải tính toán, để tránh đi những mưu đồ của Trung Quốc trong việc gián tiếp thừa nhận chủ quyền không phải của Trung Quốc. Nếu chúng ta không có bảo lưu, phản đối cần thiết, rất có thể UNESCO sẽ có quyết định...

Tôi nhắc lại, trách nhiệm của Việt Nam là phải đưa ra những phân tích, phản đối kịp thời để UNESCO không ra một quyết định vội vàng và tránh đi hậu quả xấu từ âm mưu thủ đoạn của Trung Quốc.

 (Ghi theo lời TS Trần Công Trục)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Chuyên (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN