Triều Tiên cử phái viên đặc biệt sang TQ

Triều Tiên hôm nay (22/5) bổ nhiệm trong một quan chức quân đội cao cấp bậc nhất của nước này làm trưởng phái đoàn đặc biệt tới Bắc Kinh, dường như để nỗ lực hàn gắn quan hệ đã nhạt với đồng minh quan trọng nhất của mình.

Phái đoàn của ông Choe Ryong-hae, phó chủ tịch cơ quan quân sự cao nhất của Triều Tiên, là phái đoàn cao cấp nhất từng sang thăm Trung Quốc kể từ khi ông Jang Song-thaek, chú của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, sang thăm vào tháng 8/2012.

Quan hệ giữa Bình Nhưỡng và Bắc Kinh xấu đi nghiêm trọng sau vụ thử hạt nhân lần thứ ba của Triều Tiên vào tháng 2 năm nay. Sau sự việc này, Trung Quốc đồng ý với nghị quyết thắt chặt trừng phạt của Liên Hợp Quốc và bắt đầu đóng băng các ngân hàng của Triều Tiên.

Hãng thông tấn KCNA nói rằng đại sứ Trung Quốc tại Bình Nhưỡng - người thân cận với chính quyền của ông Kim Jong-un hơn hẳn các phái đoàn nước ngoài khác – đã ra tiễn đoàn ở sân bay.

Nhân vật mà Choe gặp đầu tiên ở Bắc kinh là ông Wang Jiarui, giám đốc quan hệ quốc tế của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hãng thông tấn Tân Hoa Xã thông báo, nhưng không cho biết chi tiết.

Triều Tiên cử phái viên đặc biệt sang TQ - 1

Từ khi khu công nghiệp chung Kaesong bị đóng cửa, Triều Tiên phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhiên liệu và thực phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc

Chuyến thăm của phái đoàn Triều Tiên diễn ra sau chuyến thăm của đại diện Nhật Bản tới Bình Nhưỡng tuần trước, trong bối cảnh Thủ tướng Shinzo Abe đang nỗ lực giải cứu công dân Nhật được cho là bị Triều Tiên bắc cóc.

Ông Cheo là một trong những quan chức thân cận nhất của ông Kim Jong-un, người vừa lên lãnh đạo kế nhiệm cha mình được hơn 1 năm.

Nhân vật này đột ngột được bổ nhiệm làm phó thống chế quân đội từ năm ngoái, cho dù không xuất thân từ quân đội.

Chuyến đi của ông Jang từ năm 2012 nhằm thu hút đầu tư của Trung Quốc cho nền kinh tế còn quá nhiều khó khăn, nhưng có vẻ nỗ lực này đã thất bại. Jang được coi là quan chức có quyền lực bậc nhất Triều Tiên, chỉ sau nhà lãnh đạo Kim.

Ông Jin Canrong, phó hiệu trưởng Trường quốc tế học thuộc ĐH Nhân dân ở Bắc Kinh, cho rằng Bắc Kinh sẽ một lần nữa thúc giục Bình Nhưỡng trở lại tiến trình đàm phán 6 bên để tiến tới phi hạt nhân hóa.

Các cuộc đàm phán với sự tham gia của Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga bị dừng lại từ năm 2009 khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân lần thứ hai.

“Người Trung Quốc rất tức giận với các hành động khiêu khích của Triều Tiên. Rõ ràng là một trong các yêu cầu của Trung Quốc đối với Triều Tiên là phải chấm dứt điều này”, ông Jin nói.

Không chỉ cho thử hạt nhân lần thứ ba, nhà lãnh đạo Kim Jong-un còn cho phóng hai tên lửa tầm xa mà Mỹ và các đồng minh lo ngại là Triều Tiên đang phát triển lên lửa tầm xa.

Triều Tiên hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm từ Trung Quốc từ khi Bình Nhưỡng đóng khu công nghiệp chung với Hàn Quốc.

Triều Tiên có vẻ đang sẵn sàng thỏa thuận với Nhật Bản trước sự khó chịu của Seoul và Washington khi thân tín của ông Abe đến thăm Bình Nhưỡng tuần trước.

Ông Yoshihide Suga, thư ký nội các của ông Abe, phát biểu tại một cuộc họp báo hôm nay rằng Nhật Bản muốn nối lại các cuộc đàm phán với Triều Tiên để giải quyết vấn đề người bị bắt cóc.

Nhật Bản và Triều Tiên lần cuối cùng tổ chức đàm phán cấp chính phủ vào tháng 11/2012, trước vụ phóng tên lửa tầm xa và thử hạt nhân gần đây nhất của Triều Tiên.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng về vụ thử hạt nhân vào tháng 2, có vẻ chuyến đi của ông Choe khó gặt hái kết quả gì ý nghĩa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trúc Quỳnh (theo Reuters) ([Tên nguồn])
Triều Tiên tuyên bố tình trạng chiến tranh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN