Trạm thu phí BOT lắm tai tiếng: Minh bạch để sửa sai

Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thanh tra Chính phủ đề nghị cần phải công khai trong lựa chọn nhà thầu; minh bạch các thông tin về dự án BOT để người dân giám sát.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của QH - cho rằng việc đầu tư làm đường người dân luôn ủng hộ. Tuy nhiên, chính tình trạng nhiều nhà đầu tư chỉ làm một đoạn đường mới, thậm chí chỉ tráng nhựa đường cũ rồi đặt trạm thu tiền, đã gây ra bất bình cao độ của người dân trong thời gian vừa qua.

Phải bỏ chỉ định thầu

Với 80%-90% vốn đầu tư dự án xây dựng hạ tầng giao thông hiện nay là vốn vay ngân hàng (NH), các nhà đầu tư BOT tận dụng tối đa quyền khai thác thu phí để hoàn vốn. Từ đó xuất hiện hiện tượng trạm BOT đặt sai chỗ, thu phí cao.

Chính kiểu làm "tay không bắt giặc" của các ông chủ BOT cũng dần lộ rõ những lỗ hổng, bất cập trong quản lý. Vì vậy, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị phải làm rõ trách nhiệm cụ thể của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT). "Bộ này phải trả lời trước Chính phủ, trước công luận về việc này. Nếu không, vào kỳ họp tháng 10 tới đây, ĐBQH sẽ chất vấn, tôi cũng sẽ đặt vấn đề này ra QH" - ĐB Hòa nói.

Trạm thu phí BOT lắm tai tiếng: Minh bạch để sửa sai - 1

Trạm thu phí BOT tuyến tránh TP Biên Hòa (Đồng Nai) bị người dân phản đối do đặt ở vị trí bất hợp lý Ảnh: XUÂN HOÀNG

Trong báo cáo mới đây, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đánh giá việc triển khai các dự án phát triển kết cấu hạ tầng theo mô hình hợp tác công tư (PPP) trong đó có BOT là chủ trương đúng đắn nhưng quá trình thực hiện xuất hiện nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, trình QH ban hành Luật Đối tác công tư nhằm khắc phục các hạn chế, vướng mắc của hệ thống pháp luật hiện hành. Bên cạnh đó, Chính phủ sớm tổng kết đánh giá quy định pháp luật và việc thực hiện các mô hình đối tác công - tư (PPP); kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm.

Đáng chú ý, đoàn giám sát của UBTVQH đề nghị phải hạn chế tối đa hình thức chỉ định thầu như hiện nay, thay vào đó áp dụng đấu thầu cạnh tranh công khai, minh bạch, lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực thực sự. Hợp đồng BOT cũng phải quy định rõ trách nhiệm bảo đảm chất lượng công trình khi vận hành và khi bàn giao cho nhà nước, tránh tình trạng chất lượng công trình kém, nhanh xuống cấp nhưng người dân, doanh nghiệp (DN) vẫn phải trả phí, hoặc khi bàn giao cho nhà nước phải đầu tư khôi phục mới có thể tiếp tục sử dụng.

Phải lấy ý kiến người dân

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga cho rằng trong việc thực hiện các dự án BOT, vấn đề quan trọng nhất chính là việc cân bằng lợi ích của các bên: nhà nước, nhà đầu tư, DN trực tiếp thực hiện, các ban quản lý dự án và người dân - đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án. "Lâu nay người dân bức xúc về việc xây dựng các con đường không có sự lựa chọn, khi không đi đường BOT thì không còn con đường nào khác. Điều này cho thấy chúng ta còn thiếu một quy hoạch tổng thể để tạo ra sự lựa chọn cho dân. Cần tổng rà soát để có quy hoạch" - bà Nga nhấn mạnh.

Về việc này, đoàn giám sát của UBTVQH kiến nghị cần lựa chọn thứ tự ưu tiên các dự án giao thông đầu tư theo hình thức PPP, dựa trên lợi thế, đặc điểm của từng vùng cũng như tính cấp thiết, liên thông trong cả quy hoạch hệ thống giao thông. Bộ GTVT và các địa phương cần rà soát quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông, căn cứ các tiêu chí rõ ràng để xác định tuyến đường nào có thể đầu tư theo hình thức PPP, tuyến đường nào phải đầu tư bằng vốn ngân sách hoặc kết hợp nhiều hình thức đầu tư. "Không đầu tư các dự án nâng cấp, cải tạo các đường độc đạo hiện hữu theo hình thức hợp đồng BOT có thu phí người sử dụng, trường hợp cấp thiết phải tiến hành quy trình tham vấn các đối tượng liên quan, đặc biệt là ý kiến của người dân địa phương tuyến đường đi qua" - đoàn giám sát lưu ý.

Đặc biệt, đối với việc tùy tiện đặt trạm và thu phí diễn ra nhiều ở các dự án BOT thời gian qua, đoàn giám sát đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo rà soát để có giải pháp đồng bộ, kịp thời. "Trước khi thành lập trạm cần tham vấn ý kiến của cộng đồng, các tổ chức, DN trên địa bàn, bảo đảm tính công bằng" - báo cáo giám sát nêu rõ.

Bộ GTVT và Bộ Tài chính phải chịu trách nhiệm

Qua thanh tra 7 dự án BOT, BT, Thanh tra Chính phủ cho rằng Bộ GTVT chịu trách nhiệm chung, toàn diện đối với những nội dung theo quy định thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong đó lưu ý những nội dung: thực hiện chưa đúng quy định về xây dựng và công bố danh mục dự án đầu tư; quyết định đầu tư dự án, phương án thu phí giao thông còn có điểm bất hợp lý; phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán, ký kết hợp đồng còn thiếu chặt chẽ, quyết toán dự án chậm.

Các cơ quan liên quan thuộc Bộ GTVT chịu trách nhiệm trong công tác tham mưu tương ứng những nội dung thuộc trách nhiệm của Bộ GTVT; các nhà đầu tư chịu trách nhiệm về việc phê duyệt thiết kế, dự toán không đúng và các nội dung kết luận vi phạm khác theo từng dự án.

Bộ Tài chính chịu trách nhiệm liên quan đến việc ban hành thông tư thu phí chưa hợp lý về giá thu phí, thỏa thuận vị trí đặt trạm thu phí chưa bảo đảm nguyên tắc và quy trình giám sát thu phí còn thiếu chặt chẽ.

Đề nghị siết điều kiện cho vay vốn làm BOT

Tại hội thảo về chủ đề cắt giảm chi phí cho DN do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) tổ chức ngày 24-8, nhóm nghiên cứu của CIEM cho biết DN đang oằn vai gánh nhiều chi phí, nhất là chi phí vận tải đường bộ, đường BOT ngày càng tăng. Một trong những nguyên nhân là do quy định hiện hành cho phép DN có dự án BOT được vay vốn quá nhiều (đến 90%) và không buộc đấu thầu chọn nhà thầu thi công. Bên cạnh đó, Bộ GTVT và Bộ Tài chính cho phép DN làm BOT lãi 11% trên tổng dự toán đầu tư khi chưa có kết quả quyết toán và kiểm toán công trình. Thậm chí, có dự án BOT còn được thu phí trước để tạo nguồn cho giai đoạn sau.

Để khắc phục, ông Đặng Quang Vinh, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh CIEM, đề xuất cần sửa Nghị định 15/2015/NĐ-CP theo hướng bắt buộc đấu thầu xây dựng dự án BOT. Về năng lực tài chính, chỉ chấp nhận DN được vay vốn tối đa 70%, vốn sở hữu phải có nguồn gốc rõ ràng.

T.HÀ

Có dự án là có tất cả (!)

Có lẽ ít người biết dự án Cầu Cỏ May (thuộc dự án Quốc lộ 51, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Công ty TNHH Hải Châu làm chủ đầu tư được ví như một "viên đá dò đường" cho sự nở rộ dự án BOT ở Việt Nam.

Ngay từ dự án BOT đầu tiên này đã có sự can thiệp sâu của Bộ GTVT, khi cho phép nhà đầu tư được liệt kê tất cả chi phí, bao gồm cả tiền lãi vay ngân hàng để thu hoàn vốn cũng như kéo dài thời gian thu phí. Sau hơn 2 năm thu phí, trạm BOT cầu Cỏ May đã dừng hoạt động vào ngày 2-8-2011.

Sau "viên đá dò đường" này, các DN "đánh hơi" những đặc quyền, đặc lợi từ hình thức đầu tư BOT rất dễ sinh lời, cho lợi nhuận một cách… bền vững và an toàn hơn cả đầu tư bất động sản. Đó là lý do mà giai đoạn từ 2011-2015 trở thành thời kỳ nở rộ của hàng loạt dự án BOT giao thông. Nhiều nhà đầu tư thay nhau nhảy vào làm dự án BOT chỉ với 1 điều kiện: bằng tác động nào đó để có được dự án, bởi có được giấy phép dự án là coi như có tất cả.

Sự thật là với những cơ chế ưu đãi đặc thù cho các dự án BOT giao thông, với sự mong muốn đẩy nhanh quá trình giao thông hóa của địa phương và với một cơ chế quản lý lỏng lẻo, dễ dãi, BOT đã thực sự biến thành một "con gà đẻ trứng vàng" cho nhà đầu tư "tay không bắt giặc" (hầu hết sử dụng vốn ngân hàng) và các bên có liên quan.

Từ trạm BOT cầu Cỏ May đến gần 90 trạm BOT trên cả nước hiện nay được ví như một chiếc bánh ngon mà không phải bất kỳ DN nào muốn cũng có phần. Chuyện chuyển giao quản lý, khai thác dự án và cả những chuyện hợp thức hóa nơi đặt trạm, điều chỉnh mức phí, thời gian thu thêm phí… đều không khó thực hiện và thường được các bộ - ngành chấp thuận, dù trên lý thuyết thì "quy trình rất chặt chẽ". Ngồi một chỗ thu phí, sinh lợi bền vững, ít rủi ro đầu tư là ở chỗ đó!

Đã đến lúc nhà nước cần một "liều thuốc" để có thể chữa trị dứt điểm "căn bệnh" BOT biến tướng. Chính phủ cần chỉ đạo nghiên cứu, soạn thảo để sớm trình Quốc hội ban hành một luật về hợp tác đầu tư công - tư nhằm bịt kín lỗ hổng, vướng mắc của pháp luật hiện hành.

Trên hết, cần phải đặt lợi ích của người dân, cộng đồng lên trên hết. Có như vậy thì mô hình hợp tác công tư mới có thể tồn tại và phát triển, các dự án BOT giao thông mới đem lại lợi ích lâu dài cho quốc gia và người dân, tránh vấp phải sự phản đối quyết liệt như thời gian vừa qua.

Đoàn Quang Huy

Trạm thu phí BOT lắm tai tiếng: Làm dối, ăn thật

Nhiều dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1, đường liên tỉnh sau thời gian ngắn sử dụng đã xuống...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Duẩn (Người lao động)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN