TP.HCM: “Muối mặt” đi xin nước xả sạch nơi tè bậy

Bị phát hiện tiểu tiện nơi công cộng, nhiều người dân TP.HCM đã phải khắc phục hậu quả bằng cách đi xin nước để xả sạch nơi vừa tè bậy.

Ngày 10.2, đội quản lý trật tự đô thị Q.1 đã triển khai lực lượng tuần tra trên các tuyến phố lớn ở trung tâm thành phố để nhắc nhở, lập biên bản và yêu cầu khắc phục hậu quả đối với những trường hợp xả rác, tiểu tiện nơi công cộng. Theo chân các thành viên thuộc Tổ 5 - Đội quản lý trật tự đô thị Q.1, PV đã thực tế ghi nhận nhiều kiểu phản ứng đối lập giữa những người vi phạm.

TP.HCM: “Muối mặt” đi xin nước xả sạch nơi tè bậy - 1

Một người chở dầu đang tè bậy

TP.HCM: “Muối mặt” đi xin nước xả sạch nơi tè bậy - 2

Bị nhắc nhở và yêu cầu khắc phục hậu quả

TP.HCM: “Muối mặt” đi xin nước xả sạch nơi tè bậy - 3

Đi hỏi nhà dân để xin nước

TP.HCM: “Muối mặt” đi xin nước xả sạch nơi tè bậy - 4

Xả nước ở vị trí vừa tè bậy

TP.HCM: “Muối mặt” đi xin nước xả sạch nơi tè bậy - 5

Ký cam kết không tái phạm

Xin xỏ đủ đường

Sau khi di chuyển qua các tuyến đường Lê Duẩn, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phạm Ngũ Lão,... đội quản lý trật tự đô thị dừng chân gần một khu tập kết rác thải ở bùng binh Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1). Khoảng một giờ quan sát, đã có gần chục trường hợp dừng xe, tè bậy ở khu vực này.

Người đầu tiên bị lập biên bản là ông V.Q.V (ngụ Q.1). Khi thấy bóng dáng lực lượng chức năng tiến về phía mình, ông V. vừa kéo khóa quần vừa tỏ ra chưa hiểu chuyện gì sắp xảy ra.

TP.HCM: “Muối mặt” đi xin nước xả sạch nơi tè bậy - 6

Ông V.Q.V đang bị lập biên bản

Sau khi nghe thông báo lỗi vi phạm, ông V. nhận sai và xin được bỏ qua vì không biết, đồng thời đưa ra nhiều lý do. Đầu tiên, ông V. giải thích: “Đang chạy xe mà đau bụng quá nên tấp đại vào đây giải quyết chứ đâu có muốn tiểu tiện nơi công cộng như vậy”.

Thấy không thoát được, ông V. tiếp tục trình bằng lái xe cùng chứng minh nhân dân ghi địa chỉ cư trú trên đường Trần Hưng Đạo, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1 và nói: “Nhà tôi gần đây cũng ở phường Nguyễn Cư Trinh thôi. Tôi về nhà đi vệ sinh cũng được nhưng đang trên đường, phải chạy về nhà thì bất tiện quá!”. Chưa dừng lại ở đó, ông V. nói thêm: “Tôi già rồi, tuổi già sức yếu sáng giờ chạy xe được có 25.000 đồng, mong các anh bỏ qua cho. Tôi thề là từ nay không dám tái phạm nữa!”.

Mặc dù ông V. đã dùng nhiều lý do để biện minh cho hành động vi phạm của mình, lực lượng chức năng vẫn quyết định lập biên bản vụ việc. Ngoài bị lập biên bản, ông V. còn phải đi xin nước ở các nhà dân gần đó để xả sạch nơi vừa tè bậy.

Sau khoảng 5 phút hỏi xin ở một số hàng quán đối diện nơi vừa làm bậy, ông V. mang về nửa can nước để xối. “Tôi đi xin nước mà quê gì đâu, nhưng mình làm bậy thì phải khắc phục hậu quả. Tôi tởn tới già, không bao giờ dám tái phạm nữa đâu!”, ông V. nói.

Cự cãi gay gắt

Xử lý xong trường hợp của ông V., đội quản lý trật tự đô thị vừa di chuyển qua bên kia đường thì lại phát hiện một tài xế taxi có dấu hiệu đáng ngờ. Lúc này, một thành viên của đội được trang bị camera giám sát đã tới trực tiếp kiểm tra và ghi nhận đúng lái xe đang tè bậy. Đây là trường hợp của ông V.X.U (44 tuổi).

TP.HCM: “Muối mặt” đi xin nước xả sạch nơi tè bậy - 7

Tài xế V.X.U bị phạt vì lỗi tiểu tiện nơi công cộng

Khác với những lời năn nỉ nhỏ nhẹ như ông V., ông U. tỏ ra rất khó chịu khi bị nhắc nhở. Đợi ông U. giải quyết xong “bầu tâm sự”, đại diện Đội quản lý trật tự đô thị Q.1 chào ông U. và cho biết ông vừa vi phạm lỗi đi vệ sinh nơi công cộng. Nhanh chóng hiểu ra vấn đề, ông U. đáp lại ngay: “Gì mà phạt nữa?! Tôi mắc tiểu quá, không có chỗ để đi nên phải chạy lẹ vào đây, chứ không không tôi xin đi nhờ ở nhà dân thì ai cho đi?”.

TP.HCM: “Muối mặt” đi xin nước xả sạch nơi tè bậy - 8

Tài xế U. cự cãi với lực lượng quản lý đô thị

Một lần nữa, lực lượng chức năng phải hết lời giải thích với người vi phạm. Tuy nhiên, không đồng ý với lực lượng chức năng, ông U. bắt đầu nặng giọng hơn: “Tôi hỏi anh chứ, các anh phải xây dựng được nhà vệ sinh công cộng cho người ta rồi mới phạt được. Chứ đằng này chỗ vệ sinh không có mà lại đi phạt, rất vô lý! Trước giờ tôi đi tiểu ở đây hoài mà có sao đâu”.

“Anh nói không có nhà vệ sinh công cộng là không đúng rồi. Anh lái taxi chắc biết rõ khu vực công viên 23/9, Tao Đàn, đường Nguyễn Thị Minh Khai,... không thiếu nhà vệ sinh. Với lại cho dù có biết quy định xử phạt hay không thì ai mà không biết việc đi tiểu tiện nơi công cộng là không đúng, gây ô nhiễm môi trường”, lực lượng chức năng nhẹ nhàng giải thích.

Khi được yêu cầu ký vào biên bản vi phạm, ông U. càng gắt gỏng hơn bằng đủ lý lẽ, chẳng hạn: “Tôi vừa xuống xe, định đi tiểu chứ chưa kéo khóa quần ra nữa”. Song bằng nghiệp vụ và những bằng chứng xác thực từ camera giám sát, các thành viên đội trật tự đô thị đã thuyết phục được ông U. nhận sai về hành vi tiểu tiện nơi công cộng và ký vào biên bản vi phạm.

Theo Đội quản lý trật tự đô thị Q.1, đối với hành vi tiểu tiện nơi công cộng, đội sẽ tham mưu UBND quận ra quyết định xử phạt ở mức trung bình, tức khoảng 2 triệu đồng so với khung 1 - 3 triệu đồng nêu trong Nghị định 155.

TP.HCM: “Muối mặt” đi xin nước xả sạch nơi tè bậy - 9

Tất cả các trường hợp đều được giải thích rõ lỗi vi phạm

TP.HCM: “Muối mặt” đi xin nước xả sạch nơi tè bậy - 10

Và phải khắc phục hậu quả

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Tin nóng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN