Thụy Sĩ cấm bán đồ trượt tuyết tới Triều Tiên

Giấc mơ về khu trượt tuyết đẳng cấp thế giới của ông Kim Jong-un lại gặp khó khăn khi bị Thụy Sĩ cấm vận các trang bị hiện đại.

Ngày 18/8, các quan chức Thụy Sĩ cho biết nước này vừa quyết định cấm các công ty trong nước bán thiết bị cho khu trượt tuyết “đẳng cấp thế giới” của Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trước đây đã từng du học ở Thụy Sĩ dưới cái tên giả, và người ta tin rằng ông Kim đã có những chuyến đi trượt tuyết do nhà trường tổ chức tới núi Alps. Và giờ đây, ông Kim đang muốn thúc đẩy hoạt động giải trí cho du khách và người dân Triều Tiên bằng cách xây dựng một khu trượt tuyết thật hoành tráng tại nước này.

Thụy Sĩ cấm bán đồ trượt tuyết tới Triều Tiên - 1

Ông Kim Jong-un chỉ đạo xây dựng khu trượt tuyết đẳng cấp thế giới

Triều Tiên đã liên hệ với một số công ty của Thụy Sĩ như Bartholet Maschinenbau để mua hệ thống cáp treo để trang bị cho khu trượt tuyết Masik của mình.

Tuy nhiên khi các công ty này liên hệ với chính quyền Thụy Sĩ để xin giấy phép xuất khẩu, Bộ Kinh tế nước này đã bổ sung các thiết bị thể thao đắt tiền vào danh sách hàng hóa bị cấm cung cấp cho Triều Tiên theo lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.

Danh sách hàng hóa cấm vận của Thụy Sĩ đối với Triều Tiên còn có các thiết bị để chơi golf, cưỡi ngựa, các môn thể thao dưới nước, billiard và sòng bạc cũng như các xa xỉ phẩm khác.

Một nhà ngoại giao Triều Tiên ở Geneva nói rằng Triều Tiên đã biết được quyết định của Thụy Sĩ, tuy nhiên ông này vẫn chưa có thông tin gì khác.

Thụy Sĩ cấm bán đồ trượt tuyết tới Triều Tiên - 2

Một hệ thống cáp treo của Thụy Sĩ

Tháng trước, ông So Se Pyong, đại diện ngoại giao của Triều Tiên ở Thụy Sĩ cho biết việc phát triển kinh tế “để tăng cường đời sống nhân dân” là một ưu tiên của Bình Nhưỡng dưới thời ông Kim Jong-un.

Ông So nói: “Chúng tôi đã xây dựng nhiều công trình như các công viên nước cho người dân bất chấp hoàn cảnh khó khăn. Và hiện nay chúng tôi đang xây dựng một khu trượt tuyết cho địa điểm du lịch ở Wonsan. Đây là công trình dành cho nhân dân.”

Các lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc đối với các mặt hàng xa xỉ phẩm đưa vào Triều Tiên được áp dụng từ năm 2006, tuy nhiên các nghị quyết này lại không liệt kê cụ thể các mặt hàng bị cấm vận mà tùy vào quyết định của từng quốc gia. Năm 2009, Áo và Ý đã giữ lại 2 du thuyền sang trọng được bán cho Triều Tiên.

Theo số liệu của Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc, hiện khoảng 1/3 trẻ em ở Triều Tiên bị suy dinh dưỡng, trong khi người dân nước này đang phải chịu nạn thiếu đói trầm trọng vì thiên tai bão lụt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bảo Thành (Theo Guardian) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN