Thâm nhập "hang hùm" tại gia

“Nhà” của hổ, cá sấu, beo, tê giác... lẽ ra là thiên nhiên hoang dã, nhưng bây giờ đã chuyển về sống chung nhà với người. Mở đầu loạt bài “Nuôi thú dữ tại gia”, PV đến với xã Đô Thành (H. Yên Thành, Nghệ An).

Đây là nơi mà có người đã nói vui: Ở đây nuôi hổ như nuôi lợn!

Một số làng ở Nghệ An coi việc nuôi và buôn bán hổ là nghề phát đạt. Chuyện này diễn ra từ lâu, nhưng giới chức địa phương vẫn còn rất “lơ mơ”.

Anh bạn dẫn đường là tài xế xe khách, thường chở người dân xứ Nghệ sang Lào làm ăn, dẫn tôi đến gặp ông T. ở xóm Vách Bắc (xã Đô Thành, Yên Thành). Theo anh này, ông T. là người có thể “vẽ được sơ đồ làng nuôi hổ”, dù chuyện nuôi hổ được tổ chức rất bí mật và không mấy ai có thể trực tiếp chứng kiến.

Làng nuôi hổ

Qua vài câu chào hỏi, ông T. xem tôi như một “khách chơi dễ chịu”. Sau khi trò chuyện về sự hiệu nghiệm của loại thần dược cao hổ cốt, biết tôi muốn nhìn thấy con hổ đang nuôi trong chuồng, ông T. lắc đầu ngay: “Ở các xóm Vách Bắc, Phú Xuân, Thọ Vực của xã Đô Thành này không thiếu người nuôi hổ, nhưng chủ yếu họ bán hổ qua biên giới cho dân buôn Trung Quốc”. Tôi khơi gợi: “Nuôi hổ làm sao giấu kín được, nhất là nó gầm gừ ghê lắm”. Ông T. hé lộ: “Vì thế nên ở đây có nhà phải nuôi hổ dưới tầng hầm, có nhà nuôi trên gác, ai biết được. Chuồng trại cỡ 15-20m2, tường phải chắc chắn, trên tường được vây lưới thép mắt cáo hoặc hàn những ống tuýp sắt rất vững. Với lại, chỉ khi gặp người lạ hoặc lúc đau ốm hổ mới gầm gừ gây sự. Lúc đó người nuôi mở to cassette, tivi để át tiếng hổ là êm”. Thấy tôi cứ xoay quanh chuyện nuôi hổ, ông T. lại lắc mái đầu đốm bạc: “Nhà nuôi hổ hễ nghe nói người lạ vào là họ hết sức cảnh giác”.

Thâm nhập "hang hùm" tại gia - 1

Trong căn phòng nhỏ được cách âm không thua vũ trường, ba chú hổ được nuôi như lợn! Ba cặp mắt của chúng sáng rực như đèn pha bởi ánh đèn máy ảnh - Ảnh: Linh Linh

Để chứng minh lý do vì sao những nhà nuôi hổ lại sợ người lạ, ông T. kể hai vụ điển hình. Vụ thứ nhất, do chủ hổ mất tỉnh táo nên bị mắc bẫy hai cán bộ từ Hà Nội giả vờ đi mua hổ làm quà cho sếp. Khi chủ hổ đang giao hàng thì công an bất ngờ xuất hiện, đọc lệnh bắt luôn. Vụ thứ hai là một người nuôi ba con hổ, bị người khác “ghen ăn tức ở” báo công an, khiến ông này phải chạy chọt tả tơi mới thoát nạn.

Chiều 16/10, chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Xuân Trọng, ở ngay đầu cầu Vách Bắc. Ông Trọng là người ông T. kể bị công an đến nhà đòi bắt ba con hổ. Hỏi về chuyện này, anh Nguyễn Xuân Lành, con trai ông Trọng, không giấu giếm: “Ngày 22-6, một đoàn công an đến kiểm tra nhà. Thấy ba con hổ đang nuôi trong chuồng, công an đọc lệnh khám nhà. Do bố tôi vừa mất nên chúng tôi không giải thích được nguồn gốc ba con hổ đang nuôi. Rất may mọi chuyện cũng qua. Vả lại họ cũng chẳng dễ đưa hổ ra khỏi làng, dân ở đây dữ lắm”.

Theo lời ông T., xã Đô Thành có hàng trăm người luôn sang Lào làm ăn, một thời trở thành cái “rốn” buôn bán gỗ lậu và động vật hoang dã. Nuôi hổ cũng là một trong những nghề du nhập từ Lào. “Muốn hổ nhanh lớn phải biết cách nuôi. Các chủ hổ thường chọn thịt trâu vì thịt trâu chẳng khác gì thịt bò nhưng giá rẻ hơn. Sau thịt trâu là đầu gà. Riêng rau muống và rau cải, phải dùng máy xay sinh tố quay thật nhuyễn hổ mới ăn” - ông T. giải thích.

Nói về chuyện lời lãi, ông T. tính toán: “Giá thị trường 20-21 triệu đồng/lượng cao. Nếu ai bán giá thấp hơn là cao đểu. Một đôi hổ giống 3-4 kg mua từ Thái Lan hoặc Lào có giá 350 triệu đồng, cộng với “phí” dọc đường nữa khoảng 370 triệu đồng. Sau một năm, mỗi con được một tạ, tổng tiền giống và tiền thức ăn của hai con hổ (không tính công chăm nuôi) tốn trên 400 triệu đồng. Hiện hổ đang có giá 5 triệu đồng/kg. Như vậy, hai tạ hổ sẽ lãi gần 600 triệu đồng. Nông dân làm gì ra chừng ấy tiền trong một năm nên nhiều người trong xã này nuôi trộm hổ là vì thế”.

Thâm nhập "hang hùm" tại gia - 2

Con hổ của Q. nuôi ở xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, Nghệ An - Ảnh: V.Toàn

“Trùm” nấu cao

Cách xóm Vách Bắc chưa đầy một cây số, chúng tôi đến xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu. Anh bạn dẫn đường nói: “Một đại gia đang nấu cao hổ cốt. Vào vô tư”.

Dưới trời đêm, khi nghe tiếng còi xe máy ngoài cổng, chủ nhà tên Q. mặc quần cộc niềm nở bắt tay chúng tôi. Chỉ vào nồi cao, Q. bảo: “Mới đỏ lửa gần hai ngày. Con hổ rừng 2,7 tạ”. Quanh nồi cao là ba con hổ nhồi bông đứng chầu ba bên. Q. giới thiệu đây là những con hổ được hóa kiếp vào những nồi cao trước, nay đứng làm cảnh trước nhà cùng với gấu, sơn dương và hai chiếc ôtô con bóng loáng. Ngoảnh vào phía ngôi nhà ngang, nơi đầu con hổ đang há miệng trên thềm gạch, Q. cho biết đó là đầu con hổ đang nấu cao. Rời cái đầu hổ, Q. còn dẫn chúng tôi đến xem đống da vừa lột xong đang để trên nền ximăng.

Ngồi nhìn nồi cao, Q. phàn nàn: “Vừa đưa con hổ này vào nồi thì con hổ giống mới mua về bị chết. Khí hậu ở đây không so được với trong rừng tự nhiên, mất tiêu 170 triệu đồng”. Thấy tôi chụp ảnh Q. chỉ cười. Tôi hỏi nấu cao hổ công khai mà không sợ ai “nhòm ngó” à? Q. bảo: “Quên đi”. Thấy Q. cởi mở, tôi hỏi chuyện nuôi cao hổ bên xã Đô Thành. Q. cười: “Nhiều đấy”. Nhưng hỏi nhiều là bao nhiêu thì Q. lắc đầu không trả lời.

Q. là thợ nấu cao có tiếng ở xã Đô Thành. Xương hổ mà Q. dùng nấu cao phải là xương hổ nuôi nhưng có gốc gác hẳn hoi, hoặc mua hổ rừng về giết thịt lấy xương. Theo Q., cao hổ rừng tốt và lãi hơn hổ nuôi. Q. sành sỏi: “Xương hổ nuôi đã ngắn lại mỏng. Xương hổ rừng dài và dày hơn nhiều. Một số người xã Đô Thành vẫn nuôi hổ để bán là do người mua không mấy ai biết lời lỗ và chất lượng”. Q. khẳng định chỉ cần nhìn nanh, vuốt là biết hổ rừng hay hổ nuôi. Hổ nuôi móng cùn, răng nhỏ do ít hoạt động. Còn hổ rừng răng to, móng vuốt nhọn để thích nghi việc săn bắt mồi trong rừng.

Đứng cạnh nồi cao đang bốc khói, Q. khoe: “Nồi cao 1 tỉ đồng của tôi đấy. Cao của tôi là cao hổ cốt chứ không phải cao hổ chung chung toàn xương tạp nham. Có khách đặt hàng cả rồi. Họ rất tin tôi. Cứ có cao là họ cho người đến lấy, không chút phân vân”. Theo lời Q., hai xã Diễn Tháp, Đô Thành có nhiều “lò” nấu cao nhưng trước khi nấu đều đến nhờ Q. kiểm tra xương.

Thâm nhập "hang hùm" tại gia - 3

Q. đang thu dọn đống da hổ vừa giết thịt - Ảnh: V.T.

Tận mắt thấy “ông cọp”

Sau một hồi chuyện trò, nổi hứng Q. hỏi: “Muốn đi xem hổ không. Hổ “găm” để chờ nấu cao”. Tôi đồng ý nhưng Q. lại thận trọng: “Xem cũng được, tha hồ chụp ảnh nhưng phải chờ đến tối, đi giờ nguy hiểm lắm, người khác thấy khách lạ xuất hiện là mệt lắm”.

Y hẹn, buổi tối Q. lái ôtô chở tôi đi vòng vèo qua cánh đồng rồi rẽ vào đường làng. Tại đây có chiếc xe máy dựng sẵn, Q. lấy xe máy chở tôi đi tiếp trên đường làng nhỏ, quanh co một lúc rồi vào ngôi nhà cấp bốn. Thấy Q. đến, chủ nhà chạy ra ôm nhau như hai người bạn tri kỷ lâu ngày gặp lại. Chào hỏi xong, Q. dẫn tôi vòng ra lối sau, nghiêng người lách qua khung cửa hẹp của một ô nhà lợp ngói lờ mờ ánh điện. Chỉ tay vào hai con hổ đang lừ lừ nhìn ra, Q. nói: “Người lạ đừng lại gần. Nó có thể xọc chân ra ngoài đấy”. Tôi rỉ tai Q.: “Nhà dân ở chỉ cách mấy bụi chuối, hổ mà gầm thì hỏng hết nhỉ”. Q. cầm súng gây mê dựng nơi góc chuồng, cười: “Tường cách âm hơn cả vũ trường đấy ông ạ. Với lại nếu nó kêu to quá thì dùng súng gây mê bắn ngay”.

Chiều 17/10, như mọi ngày, đoạn đường 205 nối hai xã Đô Thành và Diễn Tháp náo nhiệt bởi những xe khách đi Vientiane (Lào). Q. bảo dân hai xã này chủ yếu sang Lào làm ăn. Hiện có khoảng 20 xe khách liên tục thay nhau chở người và hàng đi về. Đó là chưa kể xe đông lạnh chở hổ lậu. Q. kể: “Trước khi đưa hổ từ Lào về phải bắn thuốc mê. Đến gần cửa khẩu phải tiêm thêm mấy liều nữa cho an toàn. Rồi cứ “làm luật” mà qua. Khi nào kẹt thì vận chuyển bằng thuyền qua sông suối”. Cao hứng, Q. còn nói có thể chở hổ đông lạnh bằng đường hàng không. Tôi không tin, Q. khẳng định: “Chuyện gì cũng làm được hết”.

Muốn nuôi hổ phải được cấp phép

Trao đổi về việc người dân có được phép nuôi hổ hay không, nếu được thì trách nhiệm người nuôi hổ phải như thế nào, ông Nguyễn Văn Bính - trưởng phòng pháp chế Chi cục Kiểm lâm Nghệ An - cho biết: “Cá nhân được phép nuôi hổ nhưng phải tuân theo những quy định rất nghiêm ngặt của pháp luật”.

Theo ông Bính, hổ thuộc nhóm 1, động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm. Nếu người dân có đầy đủ thủ tục, hồ sơ hợp pháp, cam kết bảo vệ môi trường... được chi cục kiểm lâm thẩm định, xét cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì được phép nuôi. Trong một số trường hợp, chi cục kiểm lâm gửi hồ sơ đã thẩm định cho Cơ quan quản lý CITES VN (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) xem xét và đề nghị cấp giấy phép kinh doanh.

Đối với hổ, ngoài chuồng nuôi phù hợp với đặc tính hung dữ của hổ, người nuôi phải có hàng rào kiên cố, không để hổ thoát ra ngoài đe dọa tính mạng người nuôi và dân trong vùng. Trong trường hợp di chuyển, hổ phải được nhốt trong các loại lồng, chuồng chuyên dùng làm bằng vật liệu chắc chắn. Nếu cá nhân nào bị phát hiện sai phạm thì bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Rất khó tiếp cận


Ngày 17/10, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Xuyên - phó chủ tịch UBND xã Đô Thành - nói: “Tôi chưa biết có ai nuôi hổ trong làng. Nếu có, họ nuôi bí mật lắm. Nuôi thì phải bán. Đây là một dạng buôn bán lậu trái pháp luật nên phải giấu kín chứ, thậm chí bố mẹ phải giấu cả con cái”.

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Yên Thành Nguyễn Trọng Thực cho biết: “Đã cử cán bộ luân phiên 24/24 giờ tại Đô Thành với nhiệm vụ đi vào các ngóc ngách khả nghi để phát hiện tung tích các loại chuồng hổ. Khổ nỗi nhiều nhà kín cửa cao tường nên rất khó tiếp cận. Không có công an huyện, cảnh sát môi trường, công an kinh tế cùng vào cuộc thì chỉ có nước bó tay”.

Trong khi đó, đại tá Lê Xuân Điệp - trưởng Công an huyện Yên Thành - cho biết có nghe dư luận về chuyện nuôi hổ ở xã Đô Thành nhưng hiện chưa khẳng định được, “nếu có thì khi nghe động là họ tẩu tán rồi”. Còn đại tá Trần Hồng - trưởng Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an Nghệ An - nói: “Qua công tác nghiệp vụ, chúng tôi có nắm được một số hộ nuôi hổ nhưng rất khó tiếp cận. Muốn vào phải thật chắc chắn mới hiệu quả và không gây ra “điểm nóng”. Trước đây, kiểm lâm chỉ bám theo chiếc container gỗ lậu vào đến xã Đô Thành là bị hàng trăm người dân kéo đến vây, phải mấy ngày sau kiểm lâm mới ra được”.

(Còn tiếp)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vũ Toàn (Tuổi Trẻ)
Nuôi thú dữ tại gia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN