Thai phụ ở TP.HCM đã mắc virus Zika như thế nào?

Sáng 5/4, thông tin với báo chí, Bộ Y tế thông báo đã phát hiện 2 ca dương tính nhiễm Zika tại TP.HCM và Khánh Hoà, trong đó có một phụ nữ mang thai 8 tuần.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, đây là bệnh nhân nữ, 33 tuổi, cư trú tại Thạch Mỹ Lợi, Quận 2, TP HCM.

Bệnh nhân khởi phát ngày 29/3 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi, đến khám tại Bệnh viện Đa khoa quận 2 TP HCM do lo ngại bị bệnh rubella. Nhập viện, kết quả xét nghiệm ngày 31/3 và 1/4 tại Viện Pasteur TP HCM cho thấy dương tính với virus Zika.

Sau đó kết quả xét nghiệm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 2/4 và của trường Đại học Nagasaki đặt tại Viện ngày 4/4 cũng cho kết quả dương tính với virus Zika.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, bệnh nhân này có chồng đang làm việc ở Malaysia, trước khi bệnh nhân phát bệnh, người chồng có về nước 4 ngày nhưng trong thời gian ở trong nước chồng bệnh nhân không có triệu chứng gì.

Bệnh nhân có một con gái 2 tuổi, trước đó bé bị sốt nhưng xét nghiệm không phải nhiễm Zika mà là sốt xuất huyết.

Thai phụ ở TP.HCM đã mắc virus Zika như thế nào? - 1

Không phải trường hợp thai phụ mắc virus Zika, thai nhi đều mắc hội chứng đầu nhỏ. Ảnh: TL

Hiện ngành Y tế đã tiến hành giám sát các trường hợp trong gia đình, nơi làm việc của bệnh nhân này nhưng chưa phát hiện thêm ca nhiễm.

Nói thêm về các trường hợp mang thai nhiễm virus Zika và sự liên quan đến hội chứng đầu nhỏ (teo não), PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho hay:

Hội chứng đầu nhỏ không phổ biến trong sản khoa. Trong hội chứng đầu nhỏ có khoảng 20% không tìm được nguyên nhân. Còn các nguyên nhân khác gây hội chứng này gồm: nhiễm trùng (trong đó có rubella), đột biến nhiễm sắc thể về gene, nhiễm độc do chiếu xạ, hóa chất.

Mới đây nhất, Tổ chức Y tế thế giới đang có nhiều nghiên cứu chứng minh sự liên quan giữa hội chứng đầu nhỏ và virus Zika. Tuy nhiên việc chứng minh nó là nguyên nhân thực sự của hội chứng đầu nhỏ hay không thì chưa được khẳng định.

Thai phụ ở TP.HCM đã mắc virus Zika như thế nào? - 2

Siêu âm đo chu vi vòng đầu để xác định chẩn đoán thai nhi có mắc hội chứng đầu nhỏ hay không. Ảnh: TL

Trao đổi bên lề cuộc họp, PGS Cường cho hay, việc sàng lọc và chẩn đoán bằng chứng hội chứng não bé hiện nay hữu hiệu nhất là đo kích thước đầu thai nhi, khi siêu âm thai. PGS Cường cũng khẳng định với hệ thống sàng lọc và chẩn đoán trước sinh được trang bị tới tận tuyến huyện, xã như hiện nay cùng kỹ thuật được đào tạo liên tục, các nhà siêu âm đều có thể thực hiện được kỹ thuật này.

Kỹ thuật này theo PGS Cường đơn giản nhưng quan trọng nhất để phát hiện ra hội chứng não bé là đo đường kính lưỡng đỉnh và chu vi đầu. Khi đo và nghi ngờ mắc hội chứng đầu nhỏ, các bác sĩ sẽ so sánh với chuẩn chu vi đầu theo tuổi thai, từ đó sẽ phát hiện tốc độ phát triển của chu vi đầu.

Trả lời câu hỏi thai phụ nhiễm virus Zika thì tỷ lệ mắc đầu nhỏ có cao không, PGS Cường cho hay, đây là bệnh hiếm gặp, đến nay cũng chỉ mới nghi ngờ sự liên quan giữa hội chứng đầu nhỏ và bà mẹ mang thai nhiễm virus Zika.

Tuy nhiên, virus Zika lại truyền qua muỗi, ở nước ta lại là nước có muỗi rất nhiều, việc phòng và phát hiện hội chứng đầu bé ở phụ nữ mắc virus Zika là rất cần thiết.

Vậy nếu phát hiện sự liên quan giữa virus Zika mà bà mẹ mắc phải và hội chứng đầu nhỏ của thai nhi thì phải xử trí như thế nào? Nên tiếp tục cho em bé phát triển để chờ sinh hay đình chỉ thai nghén? PGS.TS Trần Danh Cường cho biết, di chứng của hội chứng đầu bé rất nặng nề về thần kinh, vận động, phát triển của em bé. Việc đình chỉ thai nghén hay không còn tùy theo tôn giáo. Một số nước không cho đình chỉ thai nghén nhưng ở nước ta thì được.

“Khi đã khẳng định thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ do bất kỳ nguyên nhân gì thì đều được khuyến cáo là nên dừng thai nghén. Việc ngừng thai nghén tùy thuộc theo tuổi thai, nếu phát hiện trước 22 tuần thai thì việc quyết định ngừng thai nghén rất dễ, nhưng nếu muộn hơn 32 tuần thì việc ngừng là khó khăn” – PGS.TS Trần Danh Cường nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo, người dân không nên lo lắng quá mức về hội chứng não nhỏ. Tới thời điểm hiện tại, Brazil là nước đã ghi nhận nhiều trường hợp mắc chứng bệnh này thì trong hơn 6.776 ca mắc bệnh đầu nhỏ thì chỉ có hơn 900 trường hợp nghi có nhiễm virus Zika. Tức là không phải các trường hợp mắc virus Zika đều liên quan đến hội chứng não nhỏ. Hiện WHO vẫn đang nghiên cứu để tìm ra những biện pháp xác thực mà cho rằng có nguy cơ, mối tương quan lớn của não nhỏ tới Zika.

Tới thời điểm hiện nay, không có vaccine và thuốc điều trị đặc hiệu đối với virus zika, cũng chưa ghi nhận trường hợp nào tử vong do virus zika. Với các bà mẹ mang thai trong 3 tháng đầu sống trong vùng dịch (bán kính 200m so với điểm khởi dịch), nếu có các biểu hiện như sổ mũi, sốt, phát ban, có triệu chứng viêm kết mạc thì lập tức đến cơ sở y tế để được theo dõi. Nếu phát hiện dương tính với virus Zika nên siêu âm 2 tuần/ lần, bên cạnh việc siêu âm thai kỳ bình thường.

(Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long)

Nếu phụ nữ mang thai dương tính với virus Zika, không có chỉ định bắt buộc họ bỏ thai vì hệ thống y tế hoàn toàn có thể giám sát được. Thai phụ được tiếp tục siêu âm theo dõi để khi nào khẳng định chắc chắn thai nhi mắc hội chứng đầu bé thì mới có kế hoạch xử trí, còn không thì thôi.

(PGS.TS Trần Danh Cường)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Võ Thu (Báo Gia đình & Xã hội)
Virus zika ở Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN