Thách thức nào chờ tân tổng thống Hàn Quốc?

Theo đánh giá của giới quan sát, nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc Park Geun Hye sẽ phải đối diện với những thách thức đầy khó khăn trong việc thúc đẩy cải cách chính trị và kinh tế trước viễn cảnh tăng trưởng chậm chạp và chia rẽ đảng phái sâu sắc.

An ninh và đối ngoại

Trong đối ngoại, nhà lãnh đạo tiếp theo của Hàn Quốc phải đối mặt với một loạt các vấn đề gai góc vẫn thường gây phức tạp cho mối quan hệ của nước này với các đối tác khu vực. Tổng thống Hàn Quốc mới cũng sẽ phải lãnh trách nhiệm mở rộng vai trò của Seoul trong các vấn đề thế giới phù hợp với vị thế của một cường quốc trung bình.

Trong suốt chiến dịch tranh cử bị chi phối bởi các vấn đề kinh tế và phúc lợi, đối ngoại và an ninh tạm thời được đặt lại phía sau. Tuy nhiên, đứng trước bối cảnh an ninh Đông Bắc Á hiện nay, tân tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Hàn Quốc sẽ phải chịu áp lực chứng tỏ vai trò lãnh đạo của mình ở các vấn đề đối ngoại. Một trong những nhiệm vụ hàng đầu là làm thế nào để kiềm chế các tham vọng và mối đe dọa từ Triều Tiên.

Thách thức nào chờ tân tổng thống Hàn Quốc? - 1

Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Park Geun Hye thắp hương trong chuyến thăm Nghĩa trang quốc gia ở Seoul ngày 20/12, một ngày sau khi bà giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2012

Lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vừa qua là một động thái khiêu khích, bà Park tuyên bố sẽ không dao động bất chấp Triều Tiên liên tục lặp lại các hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Hàn Quốc. “Nhân dân Hàn Quốc sẽ không dao động dù chỉ một phân mặc cho miền Bắc có nỗ lực phóng tên lửa và can thiệp vào cuộc bầu cử đến đâu”, bà Park phát biểu tại một địa điểm tranh cử ở Ulsan tuần trước.

Bà Park luôn tự hào về mối quan hệ cá nhân của mình với các lãnh đạo thế giới như Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình hay Thủ tướng Đức Angela Merkel, cũng như khả năng kiểm soát các vấn đề an ninh ngoại giao. Thế nhưng, tổng thống mới của Hàn Quốc tới đây có thể sẽ gặp khó khăn để hiện thực hóa các cam kết của mình trong việc hàn gắn quan hệ liên Triều trước bối cảnh quốc tế đang không ngừng kêu gọi trừng phạt mạnh mẽ hơn hành động phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. 

Trong khi đó, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt giành vị trí thống trị khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ buộc bà phải đưa ra những chiến lược thông minh. Với Seoul, Washington vẫn là chỗ dựa chính về an ninh quốc gia và khả năng răn đe đối với miền Bắc. Còn Bắc Kinh lại là một trong những đối tác hàng đầu về thương mại, du lịch và đầu tư, đồng thời cũng là thành viên chủ chốt trong các cuộc đàm phán đa phương để giải giáp vũ trang Triều Tiên.

“Hàn Quốc vừa phải kiểm soát an ninh đất nước vốn là nền tảng cho liên minh Mỹ - Hàn và vừa phải duy trì sự thịnh vượng của nền kinh tế đang phụ thuộc vào đối tác hợp tác chiến lược Hàn Quốc – Trung Quốc”, giáo sư Han Suk-hee thuộc Trường nghiên cứu quốc tế  Đại học Yonsei gần đây đã viết như vậy.

Một vấn đề lớn nữa đó là làm thế nào để cải thiện mối quan hệ đang rạn nứt với quốc gia láng giềng Nhật Bản. Những lo ngại đang nổi lên khi chính phủ mới của ông Shinzo Abe, một người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa đang chờ nhậm chức thủ tướng sẽ thúc đẩy đường lối cánh hữu ở Nhật Bản và quan điểm cứng rắn về các tranh cãi lịch sử, lãnh thổ với Hàn Quốc.

Kinh tế và phúc lợi xã hội

Một cam kết chủ chốt khác của bà Park là “dân chủ hóa nền kinh tế” khi những chênh lệch lớn về thu nhập và quyền lực khổng lồ của các tập đoàn hàng đầu đã dẫn đến nhiều kêu gọi đòi công bằng và bình đẳng hơn trong thị trường.

Với quan điểm tập trung nhiều vào “thị trường công bằng” hơn là “cải cách các chaebol”, bà Park cam kết bảo vệ sự tổn thương của nền kinh tế, ngăn cản các tập đoàn lạm dụng quyền lực và tăng cường bảo vệ người tiêu dùng.

Hàng chục giải pháp được bà Park đưa ra đều hướng tới thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ và kiềm chế sự lạm dụng quyền lực của các tập đoàn gia đình trị. Bà Park cũng nhấn mạnh, vai trò tích cực của các tập đoàn lớn trong việc kích thích tăng trưởng và tạo việc làm cần phải được tối đa hóa. Tuy nhiên, chính sách dân chủ hóa kinh tế của bà đang phải đối diện với một núi rào cản trước viễn cảnh ảm đạm trong năm tới.

Tốc độ tăng trưởng trong Quý III năm nay của Hàn Quốc gần như bằng 0%, trong khi tỷ lệ tăng trưởng hai năm qua chỉ dao động ở mức 2-3%. Năm 2013, nhiều tổ chức lớn dự báo tỷ lệ này sẽ là 2% khi tính tới những lo ngại nảy sinh từ hệ lụy của cuộc khủng hoảng khu vực Eurozone. Kinh tế nội địa phải đối mặt với điều kiện việc làm đang trở nên tồi tệ, nợ hộ gia đình cao, giá nhà đất sụt giảm và chi phí giáo dục tư gia tăng.

Phúc lợi xã hội đã trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu đối với tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc. Chiến dịch tranh cử của bà Park luôn bám sát các biện pháp giải quyết tình trạng tỷ lệ sinh giảm sút và bất bình đẳng kinh tế tăng cao. Trong chưa tới một nửa thế kỷ, Hàn Quốc từ một trong những nước nghèo nhất đã trỗi dậy trở thành một trong những quốc gia giàu nhất thế giới. Thế nhưng, phép màu kinh tế lại kéo theo khoảng cách thu nhập mở rộng, dân số già nua và tỷ lệ sinh giảm. Tệ hơn nữa, một lượng lớn những người được giáo dục tốt lại không có việc làm. Theo báo cáo của OECD, khoảng 15% người Hàn Quốc kiếm được ít hơn 50% thu nhập trung bình. Cứ 5 sinh viên tốt nghiệp đại học thì một người vẫn đang phải tìm kiếm việc làm. Hàn Quốc là một trong những nước có tỷ lệ người cao niên nghèo đói lớn nhất thế giới trong khi tỷ lệ phụ nữ tham gia làm việc thấp hơn nhiều so với mức trung bình của các nước giàu.

Thách thức nào chờ tân tổng thống Hàn Quốc? - 2

Bà Park Geun-Hye diễn thuyết tại một cuộc vận động tranh cử ở Seoul tháng 7/2012

Là nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc, bà Park sẽ phải đối diện với những đòi hỏi của công chúng về một xã hội công bằng hơn và an sinh xã hội phải được cải thiện hơn, phù hợp với sự thịnh vượng kinh tế của đất nước. Trong suốt chiến dịch tranh cử, bà Park đã đưa ra nhiều cam kết như đưa ra các chương trình phúc lợi xã hội cho mọi nhóm tuổi, mở rộng chăm sóc y tế cho người già và trẻ em, miễn học phí cho học sinh trung học…

“Những cam kết của bà Park nhìn có vẻ sẽ tốn kém ít ngân sách hơn so với ông Moon nhưng với nhiều chính sách khác nhau như vậy, nếu thực hiện mà không có một cơ sở hạ tầng phúc lợi rộng lớn thì sẽ thất bại và sẽ dẫn tới lãng phí tiền bạc”, nhà nghiên cứu Hong Yong-joon thuộc Đại học Sangmyung nhận xét.

Ngoài ra, bà Park cũng cần phải thiết lập được một hệ thống kiểm soát để điều phối hiệu quả các chương trình giữa nhiều bộ ngành liên quan và biến những cam kết phúc lợi thành chính sách thực tiễn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Phạm (Theo China Daily) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN