TP.HCM: Tài xế “sợ”... người đi bộ

Sự kiện: Tin TP Hồ Chí Minh

Nguyên nhân khiến TNGT liên quan đến người đi bộ tăng chóng mặt được xác định chủ yếu do ý thức chủ quan của người đi bộ. Dù vậy, việc xử lý của lực lượng chức năng gần như vẫn bị “bỏ ngỏ”.

TP.HCM: Tài xế “sợ”... người đi bộ - 1

Người đi bộ ngồi vắt vẻo trên con lươn để chờ qua đường đoạn Xa lộ Hà Nội

“Sợ” nhất người đi bộ sang đường tùy tiện

Anh Nguyễn Nhật Cường, một tài xế xe khách lâu năm chạy tuyến Hà Nội - TP HCM cho biết, mỗi chuyến hành trình, anh thường phải đối mặt với rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn TNGT. Nhưng điều anh Cường sợ nhất là người đi bộ sang đường tùy tiện.

Cũng theo anh Cường, mỗi khi đi trên Xa lộ Hà Nội, các đoạn gần nút giao Tân Vạn và Khu du lịch Suối Tiên (QL1, quận 9), cánh tài xế thường phải tập trung cao độ để né tránh người đi bộ sang đường bất ngờ. “Không riêng đoạn này, gần cổng Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh), cánh tài xế chúng tôi cũng đề cao cảnh giác vì nhiều lúc người đi bộ ồ ạt sang đường không đúng quy định”, anh Cường nói.

Theo quan sát của PV, tại các khu vực trên còn xuất hiện nhiều người bán hàng rong, bán báo dạo… “Đội quân” này núp sẵn lề đường tranh thủ xe dừng chờ đèn đỏ hoặc bị ùn ứ là lao ra giữa đường, bon chen, lấn làn, cắt mặt phương tiện để mưu sinh. Tài xế xe tải Lê Văn Tài (Q 9) bức xúc: “Chính tôi đã từng là “nạn nhân và cũng là thủ phạm” gây ra vụ TNGT cho người đi bộ. Gia đình tôi phải bồi thường gần 100 triệu đồng”.

Theo lời anh Tài, trước đó trong lúc anh điều khiển xe tải nặng chạy chậm qua Suối Tiên do ùn ứ, một người bán nước dạo băng ngang qua đầu xe. Dù anh thắng kịp nhưng bánh trước vẫn cán lên mấy ngón chân người bán nước này. Mặc dù mình không có lỗi nhưng anh và gia đình phải chạy vạy mượn 100 triệu đồng để trị thương cho người đi bộ không đúng luật này.

Anh Phạm Văn Tuyên, tài xế xe tải thường xuyên chạy tuyến TP HCM - Tây Ninh, dọc hành trình (trên tuyến QL1, QL22 qua địa bàn TP HCM) kể, anh rất hay gặp khách bộ hành đi tắt sang đường tại Khu chế xuất Linh Trung, cầu vượt Gò Dưa (Thủ Đức), chân cầu vượt Ngã tư Ga (phường Thạnh Lộc, quận 12) và trên QL22. “Cánh tài xế chúng tôi sợ nhất là người đi bộ trèo dải phân cách, vượt các khúc đường vắng. Cách đây vài tháng, khi xe tôi đến cách cầu vượt Ngã tư Ga gần trăm mét (hướng từ Ngã tư An Sương về nút giao Thủ Đức), tôi cũng suýt gây ra TNGT. Hôm đó, trời đã nhá nhem tối, xe đang bon bon, bất chợt một phụ nữ trèo dải phân cách cao đến 1,5m để băng qua đường. Tôi đạp phanh dúi dụi rồi đánh lái và né kịp khi xe chỉ còn cách người này vài tấc”, anh Tuyên rùng mình nhớ lại.

Ông Nguyễn Văn Bé, một người chạy xe ôm gần Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân) cho hay, tại khu vực này đã từng xảy ra nhiều vụ TNGT giữa xe máy, ôtô với người đi bộ, trong đó có những trường hợp tử vong. Mặc dù vậy, ngày nào ông cũng chứng kiến hàng trăm công nhân băng qua đường trái luật, nhưng chưa một lần thấy họ bị CSGT thổi phạt.

Có chế tài nhưng chưa xử lý “mạnh”

Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho rằng, thời gian qua, người đi bộ sang đường gây TNGT đã và đang có dấu hiệu gia tăng nhưng lực lượng chức năng xử phạt chưa nhiều. Nếu trường hợp người đi bộ là nguyên nhân dẫn đến TNGT với người điều khiển phương tiện xe máy, ôtô không may bị tử vong thì vụ án có thể đã khép lại. Còn khi người đi bộ gây ra TNGT và làm phương hại đến người khác về tính mạng cũng như tài sản, nhưng họ lại không hề hấn gì hoặc chỉ bị thương nhẹ, theo quy định, CSGT sẽ xử phạt người đi bộ, thậm chí bị khởi tố.

“Hiện nay, tình trạng sang đường sai quy định rất đáng báo động, tuy nhiên việc xử phạt còn đang bị “bỏ ngỏ”. Dường như CSGT chỉ tập trung xử phạt người điều khiển phương tiện xe máy, ôtô vì họ có đăng ký xe, có bằng lái… lập biên bản sẽ dễ dàng. Trong khi đó, người đi bộ thì không có phương tiện, giấy tờ tùy thân đôi khi cũng không có nên gây khó khăn cho lực lượng chức năng”, ông Tường cho biết thêm.

Trao đổi với Báo Giao thông, nhiều chiến sỹ CSGT ở TP HCM cùng có chung nhận định rất khó xử lý những người đi bộ tùy tiện băng qua đường. Bởi việc này xảy ra quá nhiều nên CSGT lập biên bản không xuể. Bên cạnh đó là hành vi vi phạm diễn ra quá nhanh. Khi có CSGT đứng làm nhiệm vụ thì họ tuân thủ nhưng khi không có CSGT, lại ào ạt băng qua đường.

Người đi bộ bị khởi tố vì gây TNGT

Trên địa bàn TP HCM đã từng có một trường hợp người đi bộ gây TNGT bị khởi tố. Đây là vụ án hy hữu được truyền thông ghi nhận là phiên tòa xét xử về tội “Cản trở giao thông đường bộ”. Người bị khởi tố là Ngô Thị Mỹ Yên (SN 1979, trú tại quận 4, TP HCM).

Cụ thể, tháng 9/2004, TAND quận 1 đã đưa ra xét xử vụ bị cáo Yên băng qua đường không đúng qui định dẫn đến cái chết của một người chạy xe gắn máy (sau nhiều lần hoãn phiên tòa để điều tra bổ sung). Theo hồ sơ vụ án, khoảng 21h ngày 17/7/2003, Ngô Thị Mỹ Yên đi bộ từ dưới dốc lên mặt đường cầu Ông Lãnh. Sau đó, Yên tiếp tục đi bộ băng qua đường trên mặt cầu, nơi có dải phân cách. Lúc này, anh Phạm Văn Vân (SN 1974, thường trú tỉnh Tiền Giang) chạy xe gắn máy lưu thông đến đây thì đụng vào người Yên làm cả hai ngã xuống đường. Vụ TNGT khiến anh Vân bị chấn thương sọ não và tử vong trên đường đi cấp cứu, Yên bị xây xát nhẹ.

Sau khi khám nghiệm hiện trường, CSGT xác định, Yên đã qua đường không đúng nơi quy định. Hơn nữa, lại là phía dốc lên cầu, nên càng nguy hiểm hơn. Cũng vì Yên băng qua đường bất ngờ nên anh Vân đã phải thắng gấp và xảy ra TNGT. TAND quận 1 đã tuyên phạt Ngô Thị Mỹ Yên 9 tháng cải tạo không giam giữ, buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại 7,5 triệu đồng.

Mai Huyên

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Huyên - Đỗ Loan (Báo Giao thông)
Tin TP Hồ Chí Minh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN