“Soi” kinh tế Triều Tiên qua vệ tinh

Đối với một nước bí ẩn như Triều Tiên thì việc hiểu được điều gì đang thực sự xảy ra đòi hỏi phải cực kỳ sáng tạo. Các nhà nghiên cứu biết cách thu được thông tin đáng giá về nền kinh tế Triều Tiên thông qua các bức ảnh vệ tinh dễ dàng được tìm thấy trên mạng.

Phân tích Triều Tiên bằng cách đến thăm đất nước này là cực kỳ khó khăn vì người nước ngoài luôn bị giám sát chặt chẽ. Những sự kiện không thể lường trước có thể khiến mọi thứ đảo lộn hết cả, nhưng lý do chủ yếu vẫn là du khách khó có thể tiếp cận với những hoạt động của người dân Triều Tiên. Phân tích Triều Tiên qua số liệu công bố lại càng khó hơn, vì nước này không công khai ngân sách và hiếm khi tiết lộ số liệu kinh tế xã hội nào có ý nghĩa.

“Soi” kinh tế Triều Tiên qua vệ tinh - 1

Phân tích kinh tế Triều Tiên đòi hỏi phải cực kỳ sáng tạo

Khi Trung Quốc và Nga chấm dứt bao cấp cho Triều Tiên vào những năm 1990, nền kinh tế chính thức sụp đổ, nạn đói hoành hành và thị trường truyền thống của nông dân mọc lên để bù lấp khoảng trống. Tầng lớp lãnh đạo của Triều Tiên vẫn khó chịu trước sự phát triển của những khu chợ này vì chúng hoạt động ngược lại với thể chế kinh tế của nhà nước, và hơn cả là do chợ phá vỡ sự độc quyền của chính phủ khi trở thành nơi lưu thông của hàng ngoại trái phép.

Tuy nhiên, chúng vẫn được phép tồn tại, vì đây là yếu tố kinh tế cần thiết cho người dân, và giờ đây còn làm nhiệm vụ tạo nguồn thu cho nhà nước.

Theo một cuộc khảo sát những người bỏ trốn khỏi Triều Tiên năm 2011, 69% người trả lời nói rằng quá nửa thu nhập của họ là từ buôn bán ở chợ, thay vì nhận lương từ chính phủ hay các công ty nhà nước. Chỉ có 4% người trả lời cho biết thu nhập của họ không liên quan gì đến chợ búa.

Tuy nhiên, đa số đối tượng được khảo sát là người tị nạn từ các tỉnh đông bắc Triều Tiên. Vậy, dân số còn lại của đất nước thì sao? Hình ảnh vệ tinh cho thấy kết quả khảo sát trên có thể đúng trên phạm vi toàn quốc.

“Soi” kinh tế Triều Tiên qua vệ tinh - 2

Ảnh vệ tinh cho thấy khu chợ Chaeha-dong ở Sinuiji, Triều Tiên, ngày càng rộng ra trong giai đoạn 2002-2011. Nhưng hình ảnh mới nhất vào tháng 10/2012 cho thấy khu chợ đã bị giải tỏa

Xương sống của nền kinh tế

Các nhà phân tích tìm ra hơn 300 khu chợ trên khắp Triều Tiên. Nhiều khu chợ có diện tích rộng hơn cả sân bóng đá. Ảnh chụp từ vệ tinh cũng cho thấy những khu chợ này đang ngày càng rộng ra.

Bằng cách phân tích cả những bức ảnh chụp trong quá khứ, có thể thấy rằng những khu chợ này hồi đầu năm 2000 vẫn còn nhỏ, nhưng ngày càng rộng ra xung quanh. Có thể ước tính số lượng người buôn bán tại một số khu chợ - từ đó ước tính tương đối quy mô của tầng lớp buôn bán địa phương.

Điều mà các chuyên gia phân tích nhìn ra là từ chỗ đứng ngoài lề của xã hội Triều Tiên hồi những năm 1990, chợ búa hiện nay đã trở thành xương sống của nền kinh tế tiêu dùng ở đất nước này. Phân tích ảnh vệ tinh cũng làm sáng tỏ khả năng áp dụng các quy tắc thị trường ở những khu vực ngoài thủ đô.

“Soi” kinh tế Triều Tiên qua vệ tinh - 3

Hình ảnh chợ Tongil ở Bình Nhưỡng chụp năm 2003

Trong nhiều trường hợp, khi Bình Nhưỡng ra lệnh đóng cửa khu chợ nào đó, có thể thấy hàng nghìn người đổ ra buôn bán tại các chợ tạm. Những khu chợ tự phát này cho thấy chính quyền thất bại đôi đường. Từ quan điểm ý thức hệ, người dân đang tham gia vào hoạt động mang tính tư bản tự định hướng. Từ quan điểm tài chính công, chợ tự phát cho thấy nhà nước đang mất đi một nguồn thu.

Bùng nổ ngành khai mỏ

Hình ảnh vệ tinh cũng làm sáng tỏ nền kinh tế Triều Tiên liên quan rất nhiều đến Trung Quốc.

Số liệu thống kê cho thấy thương mại của Trung Quốc với Triều Tiên đạt hơn 5,6 tỷ USD (tăng 284% so với năm 2007), và xuất khẩu của Triều Tiên sang Trung Quốc đạt gần 2,5 tỷ USD năm 2011 (tăng 424% so với năm 2007), đa phần là do xuất khẩu than và sắt.

“Soi” kinh tế Triều Tiên qua vệ tinh - 4

Các nhà phân tích cho rằng ít nhất 80 khu mỏ ở Triều Tiên được bắt đầu khai thác trong 7 năm qua

Hình ảnh vệ tinh về Triều Tiên không đầy đủ. Nhiều khu vực của đất nước không thể quan sát được và chỉ có hình ảnh cũ trước đây. Tuy nhiên, có thể phát hiện không dưới 80 dự án khai mỏ mới đang được triển khai ở Triều Tiên trong 7 năm qua. Những dự án này gồm cả mỏ được tiếp tục khai thác và mỏ mới được đào. Quy mô đầu tư vào các mỏ này đòi hỏi dòng vốn ngoại lớn, trong khi Triều Tiên thiếu tiềm lực tài chính và năng lực để tự khai thác các mỏ này. Hình ảnh vệ tinh còn là công cụ quan trọng để các tổ chức phi chính phủ và nhóm nhân quyền theo dõi thay đổi trong hệ thống nhà tù chính trị của Triều Tiên.

Năm 2003, Ủy ban Nhân quyền Triều Tiên là tổ chức đầu tiên xuất bản báo cáo toàn diện về các nhà tù chính trị ở Triều Tiên. Sự tồn tại của những trại giam này được tổng kết từ thông tin do người trốn khỏi Triều Tiên cung cấp kết hợp với bản đồ vẽ tay, ảnh vệ tinh của các khu vực liên quan.

Từ năm 2003, Triều Tiên đang thực hiện nhiều thay đổi đối với hệ thống nhà tù. Lời khai của người chạy trốn và hình ảnh vệ tinh xác nhận Triều Tiên đã đóng cửa trại giam 22 ở Hoeryong và trại giam 18 ở Pukchang. Nhưng không thể có thông tin để khẳng định điều xảy ra với những nhà tù cũ này.

Ảnh vệ tinh trở thành nguồn thông tin mới và dễ tiếp cận cho những người muốn phân tích Triều Tiên. Bất kỳ ai có máy tính kết nối mạng đều có thể quan sát những ngóc ngách xa xôi nhất hoặc theo dõi các dự án bí mật của đất nước bí ẩn nhất thế giới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hải Dương (Theo BBC) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN