Sợ thảm họa bão Linda lặp lại: Các tỉnh ĐBSCL cấm biển, “căng mình” ứng phó với ATNĐ

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã họp khẩn để ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang hướng vào khu vực biển phía nam mũi Cà Mau – nơi bão Linda đã gây ra thảm họa cách đây đúng 20 năm.

Sợ thảm họa bão Linda lặp lại: Các tỉnh ĐBSCL cấm biển, “căng mình” ứng phó với ATNĐ - 1

Các tỉnh ĐBSCL đã cấm các tàu thuyền ra khơi do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ảnh: báo Đất Mũi)

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), ngày 1.11, nhiều địa phương ĐBSCL đã họp khẩn triển khai công tác ứng phó với ATNĐ.

Tại Cà Mau, đến 16h chiều nay, toàn tỉnh đã có 3.695 phương tiện hoạt động trên biển với 17.282 người đã vào bờ tìm nơi neo đậu an toàn. Hiện trên biển còn 156 phương tiện với 1.007 người, đang giữ liên lạc thường xuyên với Bộ đội Biên phòng để được hướng dẫn vào nơi trú bão gần nhất.

Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Cà Mau đã chỉ đạo các đơn vị chủ động phối hợp địa phương và các lực lượng tại chỗ tuyên truyền, vận động người dân, nhất là ở những địa bàn ven biển có biện pháp di dời, đề phòng mưa dông, nước dâng, lốc xoáy; làm tốt công tác chuẩn bị và có phương án xử lý tốt các tình huống xấu xảy ra.

Sợ thảm họa bão Linda lặp lại: Các tỉnh ĐBSCL cấm biển, “căng mình” ứng phó với ATNĐ - 2

Cơ quan chức năng đi kiểm tra tình hình ứng phó với áp thấp nhiệt đới tại Sóc Trăng (ảnh: báo Sóc Trăng)

Để đảm bảo an toàn cho học sinh mầm non và tiểu học do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ sáng mai các học sinh của các huyện vùng ven biển Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân, Đầm Dơi, Trần Văn Thời, U Minh sẽ được nghỉ học. 

Tại huyện Đầm Dơi (Cà Mau) Ban Chỉ huy PCLB&TKCN huyện đã họp và triển khai công tác phòng chống thiên tai đến cấp xã. 

Theo thống kê, chiều 1.11, trên địa bàn huyện Đầm Dơi có 172 phương tiện, 722 ngư dân đã vào bờ trú ẩn an toàn và lệnh cấm không cho phương tiện ra khơi được ban hành. Đại úy Vũ Văn Tài, Phó đồn trưởng Đồn Biên phòng Khánh Tiến cho biết, hiện tất cả các tàu cá của huyện đã vào bờ an toàn.

Theo dự báo, ATNĐ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn và vùng biển Cà Mau, nước biển có thể dâng cao từ 1,6 - 2,2m.

Cách đây 20 năm, bão Linda đổ bộ vào tỉnh Cà Mau (ngày 2.11.1997) đã để lại những hậu quả nặng nề. Tỉnh Cà Mau cũng đã quyết định dời lễ tưởng niệm 20 năm các nạn nhân thiệt mạng vì bão Linda.

Tại Kiên Giang, ở khu vực các huyện, thị xã ven biển của tỉnh như: Phú Quốc, Kiên Lương, An Minh, thị xã Hà Tiên…lực lượng chức năng đã thông báo diễn biến của áp thấp nhiệt đới cho người dân biết, đặc biệt những hộ dân sống khu vực ven biển sẵn sàng di dời khi cần thiết.

Tại khu vực huyện Kiên Lương, trong ngày hôm nay chính quyền địa phương đã cấm biển, ngăn không cho tàu thuyền ra khơi để đảm bảo an toàn.

Tại Sóc Trăng, ông Nguyễn Đức Quang - Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cùng lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra thực tế tình hình chuẩn bị ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ và áp thấp nhiệt đới gần biển Đông.

Đoàn đã đến khảo sát cảng cá Trần Đề, nơi có nhiều tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản có trọng tải lớn.

Tại đây, đoàn đã gặp gỡ nhiều chủ phương tiện tàu thuyền đã trở về cập cảng khi biết thông tin ATNĐ. Theo các chủ tàu thuyền, bà con biết được thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như nguồn tin báo từ Bộ đội Biên phòng tỉnh nên các chủ tàu đã nhanh chóng di chuyển về cảng trú, tránh.

Sợ thảm họa bão Linda lặp lại: Các tỉnh ĐBSCL cấm biển, “căng mình” ứng phó với ATNĐ - 3

Vị trí và hướng di chuyển của 2 áp thấp nhiệt đới (ảnh: Trung tâm dự báo KTTVTƯ)

Ông Nguyễn Đức Quang đề nghị tỉnh Sóc Trăng cần đặc biệt quan tâm đến người dân sống ven đê biển và xem xét cẩn thận nhà dân tại khu vực trên có chịu nổi sức gió giật cấp 7, 8 hay không để có biện pháp di dời. Để phòng ATNĐ thành bão khi đó mưa lớn, nước biển dâng thì nên xem kỹ các công trình đê biển, đê sông nhằm đảm bảo an toàn tính mạng người dân, kể cả việc sản xuất nông nghiệp của bà con. 

Tại Trà Vinh, ngành chức năng cho biết, tỉnh có 1.216 tàu thuyền đánh cá với 4.865 ngư dân hành nghề. Thời điểm này tất cả tàu thuyền và ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn. Tỉnh đã có thông báo cấm tàu thuyền ra khơi.

 Tại Bến Tre, lực lượng chức năng địa phương nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi kể từ sáng nay cho đến khi có thông báo mới. 

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và thủy văn trung ương, chiều 1/11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới hình thành ở nam Biển Đông chỉ còn cách đất liền các tỉnh Bạc Liêu - Cà Mau khoảng 160 km về phía đông chếch nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm đạt cấp 6-7, giật cấp 9.

Trong đêm nay và ngày mai, ATNĐ di chuyển theo hướng tây chếch bắc, tốc độ khoảng 10-15 km/h. Chiều 2/11, tâm ATNĐ nằm trên vùng biển phía nam tỉnh Cà Mau - Kiên Giang.

Từ hôm nay (1/11) đến hết ngày 2/11, ở Nam Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100-150mm, có nơi trên 200mm.

Trong khi đó, một áp thấp nhiệt đới khác ở vùng biển Philippines vẫn đang tiếp tục di chuyển vào Điển Đông. Hồi 13 giờ chiều nay, vị trí tâm ATNĐ nằm trên khu vực phía Bắc đảo Pa-la-oan(Philippines). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, ATNĐ di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão.

Mưa ngập đường, cửa ngõ phía đông SG kẹt không lối thoát

Cơn mưa lớn khiến nhiều tuyến đường ở phía đông Sài Gòn bị ngập nước, giao thông “tê liệt” hàng giờ, hàng ngàn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đông Thịnh ([Tên nguồn])
Áp thấp nhiệt đới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN