Sinh viên bán hàng đa cấp: Chỉ vì không thể quay đầu

Sự kiện: Kinh doanh đa cấp

Vì mong muốn đạt chỉ tiêu, chiến thắng, không được bỏ cuộc nên sinh viên nằm trong thế không thể quay đầu.

Vừa qua, một đoạn clip được cho là quay lại cảnh một nhóm người bán hàng đa cấp tràn xuống phố đi bộ Nguyễn Huệ (Q.1, TP.HCM) đã được cộng đồng mạng chia sẻ với tốc độ “chóng mặt”. Đoạn clip cho thấy, rất đông người tập trung thành một vòng tròn và từng người bước lên dõng dạc hô lời chào, tự giới thiệu bản thân cũng như mục tiêu tương lai. Trong đó, có người tự giới thiệu bản thân hiện đang là sinh viên, đặt mục tiêu sang năm 2016 sẽ trở thành triệu phú đô la.

Sinh viên túng thế khi vướng vào đa cấp

Sinh viên bán hàng đa cấp: Chỉ vì không thể quay đầu - 1

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, vì mong muốn đạt chỉ tiêu, chiến thắng, không được bỏ cuộc nên sinh viên nằm trong tình thế không thể quay đầu

Sau khi xem clip, ông Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia có 15 năm kinh nghiệm về lĩnh vực văn hóa - Trung tâm Chăm sóc tinh thần Viet Idea, cho biết, việc các nhân vật ăn mặc sang trọng, phát ngôn dõng dạc... cho thấy đó là một chiến lược rất cụ thể mang tính khơi gợi và lôi cuốn.

“Cũng chính bầu không khí rất kích thích tâm lý người nghe đã lôi kéo và dần dần mê hoặc cảm xúc và cả lý trí của sinh viên. Khi đó, sinh viên sẽ có suy nghĩ nên làm hết mình, nên tham gia thử sức, và tự khắc bản thân sinh viên dễ bị kích động. Hay nói cách khác, sinh viên sẽ không muốn bỏ lỡ cơ hội để đạt được mục tiêu thật nhanh, rằng phải tìm mọi cách tận dụng cơ hội này nếu như không muốn thua cuộc”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, thực tế, nhiều người nhìn vào clip có thể dễ dàng nhận ra là lừa đảo và né tránh, nhưng ở các tình huống tương tự đã có rất nhiều sinh viên bị dính bẫy. Sau đó, họ lại tiếp tục đi tìm “con hàng” là bạn bè, người thân. Về khía cạnh tâm lý, dễ hiểu hành động tiếp tục lôi kéo bạn bè, người thân là tình huống túng thế của sinh viên.

Từ đó, ông Tuấn đánh giá: “Vì mong muốn đạt chỉ tiêu, chiến thắng, không được bỏ cuộc nên sinh viên nằm trong thế không thể quay đầu. Thế là họ tận dụng mọi mối quan hệ thân tình, lôi kéo chính những người thân để đạt được chỉ tiêu, hướng đến một giấc mơ dù không biết có thật hay không”.

Theo ông Tuấn, giải pháp để sinh viên tránh được đòn tâm lý từ các huấn luyện viên đa cấp, đó là hãy thật bình tĩnh và từ chối ngay từ đầu với những lời mời mọc hay những định hướng thiếu cơ sở. “Trong cuộc sống, cần phải có mục tiêu đúng đắn, có chiến lược hợp lý để học tập thay vì mơ mộng”, ông Tuấn nhấn mạnh.

“Ngoài ra, cần nhận thức rằng không có nghề nghiệp hay công việc nào nhàn hạ, lương cao mà hợp pháp hay an toàn tuyệt đối. Nếu công việc đó tồn tại, chắc hẳn không chờ tới lượt bạn. Nếu đã dính vào bán hàng đa cấp, cần thoát ra thật nhanh chóng bằng nhiều cách thay vì cứ cố đu đưa theo. Sự kéo dài khi không đáp ứng được sẽ làm cho chính những sinh viên trong cuộc là người mất tất cả”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Bán hàng đa cấp không cần đặt cọc

Bình luận về vấn đề bán hàng đa cấp, luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói: “Loại hình kinh doanh bán hàng đa cấp đã bị biến tướng rất nhiều nhằm né tránh các quy định của pháp luật cũng như đánh lừa những người mới bắt đầu tham gia vào mạng lưới này”.

Sinh viên bán hàng đa cấp: Chỉ vì không thể quay đầu - 2

Luật sư Nguyễn Thạch Thảo - Đoàn Luật sư TP.HCM

Theo luật sư Thảo, hiện nay, pháp luật Việt Nam quy định “kinh doanh theo phương thức đa cấp là hình thức kinh doanh thông qua mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh khác nhau”. Trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế khác từ hoạt động kinh doanh của mình và của mạng lưới do mình xây dựng.

Luật sư Thảo cho biết thêm, để quản lý hoạt động này đã có Nghị định 42/2014/NĐ-CP. Tuy nhiên, các doanh nghiệp bán hàng đa cấp ngày càng có sự biến tướng tinh vi hơn, đặc biệt đánh vào lòng tham của người khác. Chính vì lý do đó mà điều 5 Nghị định 42/2014/ NĐ-CP đã nghiêm cấm các trường hợp người tham gia bán hàng đa cấp “yêu cầu người muốn tham gia bán hàng đa cấp phải trả một khoản tiền nhất định, nộp tiền đặt cọc hoặc phải mua một lượng hàng hóa nhất định dưới bất kỳ hình thức nào để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp”.

Ngoài ra, còn có các hành vi bị nghiêm cấm, như: cung cấp thông tin sai lệch hoặc gây nhầm lẫn về lợi ích của người tham gia bán hàng đa cấp, tính chất, công dụng của hàng hóa, hoạt động của doanh nghiệp bán hàng đa cấp để dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp; các doanh nghiệp bán hàng đa cấp cho người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng hoặc các lợi ích kinh tế khác.

“Trong trường hợp bị các doanh nghiệp bán hàng đa cấp lừa, người tham gia có thể làm đơn khiếu nại gửi tới cơ quan Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công thương hoặc Sở Công thương tỉnh, thành phố nơi doanh nghiệp đó có trụ sở. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, hành vi cụ thể của đối tượng kinh doanh đa cấp hoặc doanh nghiệp bất chính đó, mà nhẹ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc nặng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự”, luật sư Thảo thông tin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Kinh doanh đa cấp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN