“Siêu chiến đấu cơ” J-31 của Trung Quốc bị chê tơi tả

Luồng khói đen kịt chứng tỏ động cơ của J-31 có hiệu năng đốt cháy nhiên liệu rất thấp.

Trong triển lãm hàng không Chu Hải được tổ chức ở tỉnh Quảng Đông hồi tuần trước, Trung Quốc đã trình làng chiếc “siêu chiến đấu cơ” tàng hình thế hệ thứ năm mang tên J-31 được quảng bá là có thể cạnh tranh ngang ngửa với F-35 của Mỹ trên thị trường xuất khẩu vũ khí.

“Siêu chiến đấu cơ” J-31 của Trung Quốc bị chê tơi tả - 1

Trung Quốc quảng bá J-31 có thể cạnh tranh ngang ngửa với F-35 của Mỹ

Thế nhưng, sau khi biểu diễn bay thử tại triển lãm hàng không này, J-31 đã nhận được những lời nhận xét không mấy tốt đẹp từ các khách hàng nước ngoài, những người quan tâm đến tính năng và sức mạnh của chiếc “siêu chiến đấu cơ” này.

J-31 bị chê tơi tả vì nhiều nhược điểm mà nó bộc lộ ngay trong lần bay biểu diễn đầu tiên, trong đó điểm đáng chú ý nhất là luồng khói đen kịt xả ra từ động cơ máy bay chứng tỏ động cơ của chiếc J-31 này có hiệu năng đốt cháy nhiên liệu rất thấp.

Chiến đấu cơ tàng hình J-31 sử dụng hai loại động cơ, một là động cơ RD-93 được sử dụng trên máy bay Mig-29 của Nga dành cho phiên bản xuất khẩu ra nước ngoài, trong khi J-31 trang bị cho không quân Trung Quốc sẽ sử dụng động cơ WS-13 được phát triển từ nguyên mẫu RD-93.

Hiện vẫn chưa rõ chiếc chiến đấu cơ J-31 bay biểu diễn trong triển lãm Chu Hải sử dụng loại động cơ nào.

Hôm 17/11, Phó Đô đốc hải quân Trung Quốc Zhang Zhaozhong cho rằng công nghệ đảo ngược (tháo dỡ máy móc để tìm hiểu nguyên lý hoạt động – PV) của Trung Quốc vẫn còn nhiều hạn chế, thế nên quân đội nước này sẽ phải mất nhiều năm nữa mới có thể đạt được bước đột phát trong chế tạo động cơ, nhất là động cơ máy bay.

“Siêu chiến đấu cơ” J-31 của Trung Quốc bị chê tơi tả - 2

J-31 bị chê là có hiệu suất đốt cháy nhiên liệu quá thấp

Ông Zhang nói rằng trên thế giới người ta chế tạo động cơ máy bay có cơ chế điều khiển bằng điện tử hoặc cơ khí, và việc chế tạo động cơ cơ khí dễ dàng hơn rất nhiều, mặc dù hiệu năng của nó không thể so sánh với động cơ điện tử.

Viên tướng này nhận định: “Việc chế tạo động cơ điện tử với Trung Quốc hiện nay là quá khó khăn và không thể đạt được thành công trong ngày một ngày hai”.

Tướng Zhang cũng cho rằng máy bay J-31 vẫn còn quá nặng, mặc dù nó có kích thước nhỏ hơn và thân phẳng hơn so với đối thủ cạnh tranh F-35 của Mỹ, nên việc triển khai J-31 trên tàu sân bay sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, chuyên gia phân tích Richard Aboulafia cho rằng triển vọng của “siêu chiến đấu cơ” J-31 trên thị trường xuất khẩu quốc tế sẽ không được tươi sáng như Trung Quốc kỳ vọng.

Ông Aboulafia nói rằng những nước chấp nhận mua vũ khí, trang bị giá rẻ của Trung Quốc hiện nay chủ yếu là các quốc gia đang phát triển, trong đó Pakistan là khách hàng lớn nhất, thế nên Trung Quốc sẽ phải tìm những khách hàng mới tiềm năng hơn để bán loại chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm này.

“Siêu chiến đấu cơ” J-31 của Trung Quốc bị chê tơi tả - 3

Chiến đấu cơ tàng hình F-35 của Mỹ

Theo chuyên gia này, những khách hàng tiềm năng nhất của Trung Quốc đối với chiếc J-31 này là các nước láng giềng như Ấn Độ hay Nhật Bản, nhưng khả năng các nước này mua J-31 là rất thấp bởi quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh trong thời gian vừa qua.

Ngoài ra, việc Trung Quốc trình làng chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ năm này có thể là quá muộn, khi không quân và hải quân Mỹ đã bắt đầu kế hoạch triển khai chiến đấu cơ thế hệ tiếp theo để thay thế cho máy bay F-22 và F/A-18E/F hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trí Dũng (Theo CNA) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN