Quất Lâm được nâng cấp lên thị xã

Theo quy hoạch, thành phố Nam Định sẽ được định hướng phát triển trở thành trung tâm của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, thị trấn Quất Lâm được nâng cấp lên thị xã.

Ngày 2/12, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nam Định đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Theo quy hoạch, thành phố Nam Định sẽ được định hướng phát triển trở thành trung tâm của vùng Nam Đồng bằng sông Hồng.

Quyết định nêu: “Nâng cấp thị trấn Quất Lâm lên thị xã giai đoạn 2013-2015, thị trấn Thịnh Long lên thị xã trong giai đoạn 2016-2020 và tiến tới thành lập thành phố Thịnh Long”.

Đẩy mạnh tốc độ đô thị hoá của tỉnh, mở rộng các đô thị hiện có và xây dựng đô thị mới, khu đô thị mới gắn với phát triển các khu công nghiệp, đầu mối giao thông, các trung tâm thương mại, dịch vụ.

Theo trang thông tin điện tử của UBND huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, Thị trấn Quất Lâm, trước đây là xã Giao Lâm, là một trong 9 xã ven biển của huyện Giao Thuỷ. Thị trấn Quất Lâm chính thức được thành lập vào ngày 14/11/2003. Thị trấn có diện tích đất tự nhiên là 794,41ha, 9.800 nhân khẩu.

Quất Lâm được nâng cấp lên thị xã - 1

Thị trấn Quất Lâm hôm nay (Nguồn ảnh: giaothuy.namdinh.gov.vn)

Phần lớn cư dân địa phương làm nghề sản xuất muối và nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản. Năm 2010, diện tích sản xuất muối toàn thị trấn là 137,89 ha, tổng sản lượng muối ước đạt 7.840 tấn; nghề đánh bắt và nuôi trồng thuỷ hải sản được duy trì và phát triển tốt với sản lượng bình quân ước đạt 7.290 tấn.

Với lợi thế về vị trí địa lý và địa hình, ngoài sản xuất muối và thủy sản, Quất Lâm còn đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch. Khu du lịch nghỉ mát- tắm biển Quất Lâm được hình thành từ năm 1997, đến nay khu du lịch có: 41 nhà nghỉ, khách sạn; 110 ki-ôt với 897 phòng nghỉ đạt tiêu chuẩn, số lượng khách du lịch bình quân đạt khoảng 130.000 lượt người, doanh thu từ du lịch bình quân ước đạt 30 tỷ đồng/năm.

Cũng tại Quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Nam Định, đến năm 2020, Nam Định có trình độ phát triển ở mức trung bình khá và đến năm 2030 đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân thời kỳ 2011-2020 khoảng 13,3%/năm, trong đó giai đoạn 2011-2015 là 13%/năm.

Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế các ngành nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tương ứng là 26,0%, 39,5% và 34,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 39-40 triệu đồng. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 86 triệu đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN