"Quan tài bay đêm": Ai xử lý?

Sau khi có loạt bài viết “Quan tài bay đêm” phản ánh tình trạng mất an toàn của xe khách chạy ban đêm, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

Xe khách chạy đêm đang khiến nhiều người lo ngại về việc mất an toàn. Ông đánh giá thế nào?

Trước hết, phải khẳng định lượng khách đi ban ngày nhiều hơn ban đêm. Ban đêm chủ yếu là xe chạy đường dài khoảng 300 km trở lên.

Thống kê Uỷ ban ATGT Quốc gia, năm 2012, tai nan giao thông diễn ra chủ yếu từ 18h đến 24h. Trong đó, một số địa phương tai nạn xảy ra từ 21h cho đến 3h sáng. Tai nạn ban đêm chủ yếu rơi vào ô tô. Bởi ban đêm ô tô lưu thông nhiều.

Theo quy định, xe chạy ban đêm tối thiểu phải có hai lái xe. Nhưng nhiều xe khách, chỉ một tài xế có bằng E, tài xế còn lại thì không. Từ đó, người lái chuẩn không phải lúc nào cũng cầm lái.

Lái xe phải đảm bảo đổi lái 3,5 tiếng một lần. Một ngày, mỗi lái xe không cầm lái quá 10 tiếng. Vậy nhưng nhiều doanh nghiệp vận tải đang không tuân thủ quy định này.

"Quan tài bay đêm": Ai xử lý? - 1

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, tại cuộc họp báo (Ảnh: Internet)

Xe khách chạy đêm đang được quản lý thế nào?

Hiện không có quy định cấm xe khách chạy đêm. Nhưng gần đây, có nhiều ý kiến khác nhau về quản lý xe khách chạy đêm như: quy định giờ xuất bến không được sau 21h; tốc độ không quá 60km/h.

Tuy nhiên, những ý kiến đó bị doanh nghiệp vận tải phản ứng dữ dội. Họ cho rằng xe chạy ban đêm đường vắng hơn, thoáng hơn. Hành khách đi xe ban đêm có thể tiết kiệm thời gian. Trên những tuyến 300 đến 400 km, họ có thể ngủ.

Hiện, Bộ GTVT đang giao Tổng cục đường bộ xây dựng đề án quản lý đối với các doanh nghiệp vận tải bằng xe khách.

Trong cuộc khảo sát vừa qua với một số tuyến xe khách, chúng tôi thấy lực lượng cảnh giao thông làm nhiệm vụ trên đường rất ít. Ông nghĩ sao?

Đúng là hiện nay cảnh sát giao thông ít tuần tra kiểm tra ban đêm hơn ban ngày. Tuy nhiên, có một thực tế trong năm 2012, mỗi tháng, mỗi CSGT chỉ được nghỉ một ngày. Mỗi ngày phải làm 12, 13 tiếng. Những lúc cao điểm đã dồn hết tất cả lực lượng ra rồi, khó đòi hỏi cao hơn nữa.

Theo ông, đề án quản lý xe khách đang được xây dựng sẽ giải quyết vấn đề gì?

Đề án sẽ quy định cho phép doanh nghiệp mở tuyến đường dài hay đường ngắn tùy theo quy mô, chất lượng. Không phải như hiện nay, có doanh nghiệp chỉ 1 xe cũng được chạy từ Cà Mau đến Lạng Sơn.

Hiện nay xe khách đều được lắp thiết bị giám sát hành trình. Nhưng chỉ doanh nghiệp vận tải đó mới giám sát được. Đề án này sẽ đưa ra giải pháp để các cơ quan chức năng có thể giám sát, phát hiện vi phạm bất cứ lúc nào để xử phạt. Nếu doanh nghiệp vận tải nào vi phạm nhiều, có thể bị rút giấy phép kinh doanh.

"Hiện nay rất nhiều hành khách thích đi đêm. Xe khách chạy đêm cũng xuất phát từ nhu cầu của khách. Có cầu thì mới có cung. Bến xe của tôi phục vụ gần như đến 12h đêm.

Xe khách chạy đêm phát huy được nhiều ưu điểm. Nó khiến mật độ phương tiện ban ngày giảm xuống. Hành khách đỡ mệt. Chỉ một vấn đề cơ bản với tài xế xe khách đêm là giấc ngủ. Nhiều vụ tai nạn xảy ra lâu nay là do buồn ngủ.

Hiện nhiều doanh nghiệp chưa có trách nhiệm với lái xe, chưa tạo sự gắn bó của lái xe với mình, cũng chưa quan tâm đến bồi dưỡng ý thức cho họ. Có lần đi nước ngoài tôi thấy, trên xe khách, người ta treo cả ảnh gia đình, người thân của lái xe. Việc này để nhắc nhở lái xe rằng, vợ con luôn chờ họ ở nhà."

(Ông Nguyễn Văn Lập, Giám đốc Bến xe Nước Ngầm)

"Trong một cuộc đánh giá của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Hoa Kỳ cách đây không lâu, số xe khách tai nạn ban đêm ở nước này lớn gấp 3 lần ban ngày. Còn ở Việt Nam, tai nạn ban đêm chiếm khoảng một nửa số vụ tai nạn. Đây là con số đáng sợ. Bởi mật độ phương tiện lưu thông trên đường ban đêm thấp hơn ban ngày rất nhiều.

Có nhiều nguyên nhân khiến xe khách đêm thiếu an toàn: Thường chạy tốc độ cao; lái xe thiếu tỉnh táo hơn ban ngày; tầm nhìn bị hạn chế. Đã vậy ban đêm, công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, lực lượng CSGT kiểm soát ban đêm vắng hơn ban ngày.

Một lực lượng khác là thanh tra giao thông. Họ là lực lượng kiểm tra, đảm bảo chất lượng cơ sở hạ tầng, phương tiện, thiết bị giao thông vận tải. Vậy nhưng, trong các vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua, tôi chỉ thấy đài báo nhắc đến ngành y tế huy động nhân viên, hàng trăm cảnh sát phối hợp với nhân dân. Còn thanh tra giao thông, ít khi tôi nghe thấy trách nhiệm của họ."

(Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Đức - Cảnh Kiên (thực hiện) ([Tên nguồn])
Những “cỗ quan tài” bay đêm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN