Phòng chống tài xế ngủ gật: Nói cho vui?

Ngủ vạ vật trên xe, xuống bến, chợp mắt vài tiếng lại hành nghề. Đang lái mà buồn ngủ, tạt vào vệ đường chợp mắt 10 phút, rồi lại tiếp tục đạp ga, vuốt vô lăng…

Phòng chống tài xế ngủ gật: Nói cho vui? - 1

Ngủ không đủ giấc, lái xe khó ứng phó các tình huống giao thông phức tạp. Ảnh: Như ý.

“Ngủ 10 phút lại lái ngon”

Một lái xe tên T. (lái cho hãng Hải Vân, tuyến Hà Nội - Lai Châu) kể: 15-16 giờ, lái xe ra bến xếp khách, 18 giờ khởi hành. Trên đường đi (kéo dài 13-14 giờ liên tục), hai lái xe đảo ca, thay nhau ngủ. Khách trống thì nằm, không còn chỗ thì ngồi hay ngủ gục dưới sàn.

Lên đến Lai Châu, trả khách, trả hàng, ăn uống xong xuôi, tài xế lăn ra ngủ tại văn phòng. Ngủ được khoảng 4 giờ, chiều lại đánh xe ra bến đón khách. “Một ngày 24 giờ, lái xe có 18-20 giờ trên xe. Ngủ thì vô chừng, khi nào mệt thì ngủ. Ai khó ngủ, không thể làm nghề”, lái xe này nói.

Dù lương tốt (8 triệu đồng/tháng), nhưng cả tháng không nghỉ phép, nhà ngay Hà Nội cũng khó về thăm vợ con, lái xe này đành giải nghệ. Nhiều bạn bè của anh cũng chỉ lái xe khách một thời gian ngắn để lấy kinh nghiệm dùng để làm hồ sơ xin lái xe du lịch, nhường chỗ cho lái trẻ.

Ông Nguyễn Văn Lập, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội cho rằng, biện pháp sử dụng hộp đen tốt nhất là để hành khách trên xe kiểm soát. Nếu xe chạy quá tốc độ, lái xe chạy quá giờ, hộp đen phải báo hiệu để hành khách nhắc nhở lái xe báo cho công ty vận tải hoặc cơ quan chức năng ngăn chặn ngay.

Các chuyến xe chạy đêm từ Vinh (Nghệ An) ra Hà Nội chỉ khoảng 3-4 tiếng lại quay về. Vì thế, đằng sau những cánh cửa xe khách đóng im ỉm trong các bãi gửi xe, lái phụ xe ngủ vùi trên ghế, dậy khi mắt còn kèm nhèm để ra bến đón khách cho kịp chuyến quay về.

Ông Bùi Danh Liên, Chủ nhiệm Hợp tác xã Vận tải Thăng Long (có xe chạy Vinh - Hà Nội), nói: “Ở các nước, sau từng chặng, lái xe được xuống ngủ ở trạm dừng nghỉ. Nhưng ở ta, điều kiện khó khăn, lái xe ngủ vật vờ dọc đường, tất nhiên ảnh hưởng đến an toàn”.

Thất kinh nhất là những chuyến xe đêm nhưng chỉ có một tài xế đảm nhận mà PV Tiền Phong từng được “nếm mùi”. Trên một vài chuyến xe lên Tây Bắc hay vào miền Trung, giữa đêm, xe bỗng dưng tạt vào vệ đường. Đến gần quan sát mới thấy, lái xe gục trên vô lăng. Khoảng 10 phút sau, lái xe choàng tỉnh, vã ít nước vào mặt rồi lái tiếp. Phía sau, hàng chục hành khách vẫn ngủ thiếp, không hề hay biết. Sáng ra, hỏi, tài xế nói tỉnh bơ: “Cái nghề nó rèn cho như vậy, ngủ 10 phút lại lái ngon”.

Ngủ vật vờ nhất phải tính đến giới “vặn” vô lăng xe tải đường trường. Thường thì một xe container chạy Bắc - Nam có hai tài xế; nhưng trường hợp một tài xế không hiếm. Trên đường Nguyễn Văn Linh (Gia Lâm - Hà Nội), một lái xe tên Phúc đánh trần, ăn bữa tối ngay trên cabin xe kể với PV Tiền Phong, một mình lái từ Cần Thơ ra, mệt, tạt vào nhà hàng hoặc cây xăng để ngủ. Vừa ngủ vừa phải để ý trộm hút mất dầu (có lần anh bị mất gần 20 triệu đồng tiền dầu). Không ít lái xe container nghiện ma tuý để tỉnh táo, liều mạng khi cầm vô lăng một phần là vì vậy.

Kiểm soát thời gian lái xe- tù mù!

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó chủ tịch Ủy ban An toàn Giao thông, đánh giá, xe quay vòng liên tục, lái xe mệt mỏi dẫn đến tai nạn là vấn đề đáng lo ngại, đặc biệt trong dịp Tết này. Vì thế, dịp Tết sắp đến, Ủy ban chỉ đạo tăng cường cấp lệnh cho các xe tăng cường, bổ sung.

Hiện nay, quy định lái xe không được điều khiển xe quá 4 giờ liên tục là giải pháp quan trọng để kiểm soát lái xe không gật gù, lơ mơ trên vô lăng. Để thực hiện quy định này, Bộ GTVT đang kiểm soát bằng hộp đen; việc thay đổi tài xế được thực hiện bằng nhắn tin đến số thuê bao của hộp đen.

Tuy nhiên, đại diện một doanh nghiệp chuyên sản xuất hộp đen nói: “Thật ra, giải pháp này cực kỳ thiếu chặt chẽ, chỉ nói cho hay. Bất cứ ai, bất cứ nơi nào cũng có thể nhắn tin để hợp thức hóa việc đổi lái xe”.

Ông Thân Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, nói rằng, đây là một lỗ hổng lớn trong chính sách. Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải, cho rằng, quy định này dễ bị lách. Tới đây, Bộ GTVT sẽ có các quy định để kiểm soát chặt chẽ hơn.

Một trong những giải pháp đang được tính đến là dùng thẻ quẹt (có thể tích hợp trong giấy phép lái xe mẫu mới). Tuy nhiên, để quẹt được thẻ, hộp đen sẽ phải lắp thêm một bộ phận nữa. Giải pháp này sẽ gây tốn kém, gây phiền hà cho doanh nghiệp (nhất là sau khi doanh nghiệp mới chấp hành chủ trương lắp hộp đen).

Ông Thân Văn Thanh cho rằng, ngay cả giải pháp quẹt thẻ cũng không thực sự chặt chẽ, lái xe hoàn toàn có thể mượn thẻ của nhau. Điều quan trọng là bản thân doanh nghiệp vận tải phải ý thức được việc này, lái xe ý thức đòi hỏi đủ quyền lợi về thời gian lái xe và ngủ nghỉ.

Hà Nội kiểm tra, xử lý xe container vi phạm

Từ nay đến hết tháng 12, liên ngành Thanh tra Sở GTVT - Công an thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý xe container vi phạm trật tự an toàn giao thông trên các tuyến quốc lộ, tuyến đường trọng điểm của thủ đô.

Các nội dung liên ngành tập trung xử lý gồm: Ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container không đăng ký kinh doanh, giấy phép kinh doanh vận tải; không gắn thiết bị giám sát hành trình hoặc có gắn nhưng không đạt chất lượng; hoạt động sai thời gian quy định, không đúng hành trình; lái xe vi phạm nồng độ cồn…

Anh Trọng

Xe khách gây tai nạn liên hoàn

Sáng 5/12, chiếc xe khách 30 chỗ chở đầy khách tông vào hàng loạt ô tô đang dừng đèn đỏ phía trước gây ùn tắc giao thông hơn 3 km trên quốc lộ 1A, đoạn qua quận 12, TPHCM.

Phòng chống tài xế ngủ gật: Nói cho vui? - 2

  Hiện trường vụ tai nạn.

Khoảng 8 giờ 40 phút, xe khách 70H-6446 chạy tuyến Tây Ninh - Vũng Tàu do tài xế Nguyễn Thanh Liêm (51 tuổi) điều khiển chạy theo hướng An Sương - Thủ Đức. Khi đến giao lộ Nguyễn Văn Quá, xe mất lái đâm mạnh vào ôtô tải loại 10 tấn đang chờ đèn đỏ phía trước. Chưa dừng lại, xe khách tiếp tục lạng sang trái tông vào xe đông lạnh bay lên lề rồi húc vào một ôtô 16 chỗ và một xe tải khác. Vụ tai nạn khiến 5 ô tô hư hỏng nặng.

Ngô Bình

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Sỹ Lực (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN