Phát hiện hóa thạch động vật cổ xưa nhất

Các nhà khoa học phát hiện hóa thạch của những dạng sống động vật lâu đời nhất từ trước tới nay dưới những lớp nham thạch núi lửa tại Canada. Các hóa thạch này có niên đại cách đây hơn 579 triệu năm.

Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Oxford và Cambridge (Anh), hợp tác với trường đại học Memorial (Canada), đã phát hiện hơn 100 hóa thạch được cho là của loài rangeomorph – một tổ chức giống hình lá lược của cây dương xỉ sống cách đây từ 550 triệu đến 580 triệu năm.

Hóa thạch rangeomorph, có hình dáng giống loài san hô lông ngỗng ngày nay, được các nhà khoa học phát hiện dưới các lớp đất đá trong khu vực bảo tồn sinh thái Mistaken Point ở Newfoundland, Canada.

Tiến sĩ Martin Brasier, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết rằng những hóa thạch phát hiện rất nhỏ với chiều dài dưới 3cm và phần lớn nhỏ hơn 6mm. Chúng mới chỉ ở thời kỳ phát triển đầu và khi trưởng thành chúng có thể đạt chiều dài lên tới 2m.

Phát hiện hóa thạch động vật cổ xưa nhất - 1

Các hóa thạch của loài rangeomorph mới được phát hiện có niên đại cách đây 579 triệu năm

Sau khi phân tích các mẫu hóa thạch, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy những bằng chứng cho thấy chúng là những tổ chức sống đa bào phức tạp lâu đời nhất trên Trái đất sống ở kỷ Ediacaran (cách đây khoảng  542-635 triệu năm).

“Đây là những hóa thạch động vật lâu đời nhất được phát hiện từ trước tới nay. Chúng tôi nghĩ rằng chúng có niên đại cách đây khoảng 579 năm. Chúng sống dưới đáy biển và sau đó bị chôn vùi dưới lớp nham thạch núi lửa trên một hòn đảo gần đó”, tiến sĩ Martin Brasier cho biết trên Daily Mail.

Phát hiện này giúp củng cố giả thuyết khoa học được đưa ra trước đây cho rằng dạng sống động vật đầu tiên xuất hiện trên Trái đất cách đây khoảng 580 triệu năm, với các tổ chức sống hình lá lược có chiều dài lên tới gần 2m.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hà Hương (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN