Ông Sự "cáo quan": “Biết dừng đúng lúc”

“Người cán bộ Nhà nước mà biết mình, biết người, biết dừng đúng lúc thì đáng trân trọng, đáng quý”.

Trường hợp "hiếm"

Sự việc ông Nguyễn Sự, Bí thư thành phố Hội An (Quảng Nam) xin từ chức, nghỉ hưu sớm hơn 2 năm (1.1.2018 mới đến tuổi hưu) gây chú ý dư luận.

Nói về sự việc này, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương gọi “ông Sự từ quan” là trường hợp cá biệt, ít xuất hiện và đáng khen ngợi.

Ông Sự không tham vọng quyền lực, không chủ nghĩa cá nhân, ông nghỉ trước tuổi nhường cho lớp trẻ, đó là cử chỉ cao đẹp, thái độ đúng đắn của người cán bộ chân chính.

Ông Sự "cáo quan": “Biết dừng đúng lúc” - 1

 Ông Nguyễn Sự cho rằng việc nghỉ hưu trước tuổi của ông là chuyện quá đỗi bình thường.   

Ông bày tỏ: “Bí thư Hội An nói mình không đủ sức, trong khi cán bộ trẻ sáng tạo, năng động hơn, làm lợi cho dân hơn nên ông từ chức. Điều đó cho thấy ông là người vì lợi ích của nhân dân, đáng phải trân trọng”.

Trong khi đó, công tác cán bộ thời gian qua cho thấy, nhiều người quá tuổi hưu, làm việc không tốt, không hiệu quả nhưng không có ai từ chức. Thậm chí, có rất nhiều vụ việc tham nhũng, thất thoát tài sản, quần chúng kêu ca, dư luận phản ứng nhưng ai cũng bám chức bám quyền.

TS Ngô Thành Can, Phó trưởng khoa Khoa tổ chức và quản lý nhân sự, Học viện Hành chính dẫn lại trường hợp cách đây nhiều năm, ông Vụ trưởng của Bộ GD&ĐT cũng từ chức vì không nhất trí với chương trình bậc tiểu học mà ông cho rằng không phù hợp.

“Những trường hợp từ chức như ông Vụ trưởng hay ông Bí thư Hội An, dù nhìn khía cạnh nào, điều đó cũng đáng quý, đáng trân trọng”, TS Ngô Thành Can đánh giá.

Trước một số ý kiến suy luận việc từ chức của Bí thư Hội An có thể do bất mãn hay hạ cánh an toàn, TS Ngô Thành Can cho rằng, đó có thể là cách nhìn ban đầu khó tránh khỏi của nhiều người.

Nhưng Phó trưởng khoa Khoa tổ chức và quản lý nhân sự không nhìn nhận sự việc trên ở khía cạnh tiêu cực. Hãy thử xem trong xã hội, có nhiều người không còn cơ hội nhưng họ vẫn tham quyền cố vị, không hề có ai xin “từ quan về hưu sớm”.

Nhấn mạnh đến ông Nguyễn Sự là bí thư của thành phố trực thuộc tỉnh, đang có uy tín, làm được việc xin từ chức, TS Ngô Thành Can cho rằng đây là hiện tượng lạ trong nền công vụ của Việt Nam.

Qua cách ông Nguyễn Sự nói lý do từ chức, có thể thấy ông nhìn ra trong số cán bộ trẻ có nhiều người năng động, nhiệt huyết, có tài, làm việc tốt nên ông nghỉ để nhường cơ hội cho người trẻ xứng đáng.

“Ông là người có tâm tốt, không tham quyền cố vị, biết dừng đúng lúc. Người cán bộ mà biết mình, biết người, biết dừng đúng lúc thì đáng quý lắm”, TS Ngô Thành Can bày tỏ.

Vì sao quan chức ít khí từ chức?

TS Ngô Thành Can cho rằng, ở một số quốc gia khác, cán bộ họ từ chức là chuyện thường, nhưng nước ta không có nhiều trường hợp như vậy.

Nguyên nhân có thể từ đặc trưng của văn hóa nước ta, thường coi trọng người có chức có quyền. Nếu giữa đường từ chức, ngay lập tức bị đặt câu hỏi “trục trặc gì, hay có vấn đề gì?”.

Một điểm quan trọng khác, xuất phát từ cơ chế điều hành không tập trung quyền lực, trách nhiệm của người đứng đầu. Thông thường, trong công việc chung, luôn có sự tham gia của nhiều người, nhiều tổ chức đoàn thể, lực lượng, thành phần khác nhau nên khi có lỗi hay thành công cũng “không của riêng một ai”.

Quyền lợi của người khi đang có chức quyền cũng rất khác biệt với khi thôi chức. Khi đương chức có thu nhập, bổng lộc cao hơn nhiều khi thôi chức. Do vậy cũng là một phần khiến cán bộ không muốn từ chức.

Hoặc cũng có thể, nhiều người hết động lực làm việc, nộp đơn từ chức nhưng lại được cấp trên động việc cố gắng tiếp tục làm. Vậy là tiếp tục làm.

Nhắc lại việc “ông Sự từ quan”, TS Ngô Thành Can bày tỏ: “Trong bối cảnh hiếm có ai từ chức, thậm chí có nhiều người còn làm mọi cách giảm tuổi, tránh nghỉ hưu... một người dám đứng ra từ chức thì đó là việc làm đáng quý”.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Ban tổ chức Trung ương cho rằng, nền công vụ nước ta “không có ai nói rằng tôi không làm tròn nhiệm vụ, tôi xin từ chức”. Chỉ có cơ quan quản lý cấp trên xét thấy cán bộ không làm được việc thì ra quyết định thay đổi hoặc bãi miễn, cách chức.

Nguyên nhân bởi họ sợ ảnh hưởng đến lợi ích, quyền lực, bổng lộc, cá nhân, gia đình, dòng họ... Phần nữa là cán bộ nể nang nhau, tránh né hoặc “anh chả ra gì thì sao lại cách chức tôi”.

Ông cho biết, thời ông làm Ban Tổ chức Trung ương, công tác quản lý cán bộ rất chặt chẽ, ai không làm được việc bị thay ngay. Nhiều cán bộ lãnh đạo bị cách chức, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN