Nữ thạc sĩ không xin được việc chỉ vì... nói ngọng

Sự kiện: Thời sự

“Cứ mỗi lần nghĩ đến việc mình nói ngọng là tôi lại đau đớn, buồn chán, thậm chí tôi chỉ muốn tự tử”.

BS Nguyễn Hoàng Oanh, Khoa Phục hình Hàm mặt, Viện Răng Hàm Mặt chia sẻ với phóng viên về rất nhiều trường hợp nói ngọng để lại những hệ lụy cho bản thân. Có người không xin được việc, có người không dám yêu hay chỉ muốn tự tử chỉ vì nói ngọng.

Đáng chú ý là trường hợp của Nguyễn Thị L. (Hà Nội). L. tốt nghiệp thạc sĩ tại một trường đại học có tiếng ở Hà Nội gần 3 năm nhưng không thể xin được việc.

L. đi phỏng vấn ở đâu cũng bị đánh trượt. Cuối cùng cô phải làm những công việc lương rất thấp, công việc của cô không được giao dịch với ai.

Nhận thấy khuyết điểm của bản thân, L. phải cầu cứu các chuyên gia y tế để “sửa lỗi”. Đến nay, tình trạng nói của L. đã được cải thiện đáng kể.

Bác sĩ Oanh cho biết, khi tìm đến bệnh viện có người chia sẻ với bác sĩ rằng họ rất mặc cảm về giao tiếp. Nhiều người luôn tìm cách né tránh những từ bị ngọng hay đôi khi là không muốn giao tiếp với người khác. Một số người còn trách “cuộc đời bất công đã sinh ra họ trên đời này, không cho họ lành lặn”.

Một trường hợp khác bị nói ngọng ngậm ngùi: “Tôi 20 tuổi, đang là sinh viên tại một trường đại học hàng đầu ở Hà Nội. Nhiều đêm nằm suy nghĩ về cuộc đời, tương lai, sự nghiệp của mình rồi sẽ đi về đâu? Tôi chỉ là một đứa nói ngọng, liệu có xin được việc không? Học trường danh tiếng cũng chẳng để làm gì khi không thể xin được việc. Tôi luôn sống trong cảnh đau khổ, tủi nhục. Cứ mỗi lần nghĩ đến việc mình nói ngọng là tôi lại đau đớn, buồn chán, thậm chí tôi chỉ muốn tự tử cho xong”.

Nữ thạc sĩ không xin được việc chỉ vì... nói ngọng - 1

Nhiều người phát âm n/l không chuẩn và được cho là nói ngọng.

Theo bác sĩ Oanh, nói ngọng một phần do ở khe vòm miệng do không được phát hiện và điều trị sớm. Trong một số trường hợp, khe hở vòm chưa được đóng kín hoàn toàn do còn một khe hở ở vòm cứng hay vòm mềm, cần đến khám bác sĩ phẫu thuật để đánh giá mức độ. Thời gian thích hợp nhất để đóng kín lỗ thông này là khoảng 4 - 5 tuổi, lứa tuổi trước khi trẻ đi học.

Trường hợp xấu nhất nếu tình trạng nói ngọng không cải thiện ngay cả khi đã theo các khóa luyện tập phát âm, cần đến bác sĩ tạo hình để kiểm tra và đánh giá tình trạng thiểu năng vòm hầu, nguyên nhân chính dẫn đến những rối loạn phát âm. Sau đó bác sĩ sẽ quyết định có nên phẫu thuật chỉnh lại vòm hầu hay không. Nguyên tắc của loại phẫu thuật này là làm thu nhỏ lỗ hầu mũi và giảm tình trạng thoát khí lên mũi khi phát âm.

Để khắc phục tật nói ngọng, theo các chuyên gia y tế, quan trọng nhất là sự luyện tập kiên trì đúng cách, bài bản. Tuy nhiên, một số ít trường hợp có sự kết hợp rối loạn phát âm với tình trạng thay đổi tâm lý, có nhiều người bị nói ngọng sẽ có những biểu hiện thay đổi tâm lý như mặc cảm, sợ đám đông, ngại giao tiếp với bạn bè, cảm giác sợ hãi khi phải nói chuyện…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu (Dân Việt)
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN