Những điểm đặc biệt của Chính phủ mới

Trong tổng số 19 Uỷ viên Bộ Chính trị, có tới 6 thành viên nằm trong Bộ máy Chính phủ mới vừa được Quốc hội bầu, phê chuẩn.

Những điểm đặc biệt của Chính phủ mới - 1

Các ông Vương Đình Huệ, Trương Hoà Bình, Trịnh Đình Dũng (từ trái qua) là 3 Phó Thủ tướng vừa được Quốc hội phê chuẩn

Sáng 9/4, với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã chính thức phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm 3 Phó thủ tướng, 18 bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ. Như vậy, Chính phủ được kiện toàn với tổng số 27 thành viên. 

3/5 Phó Thủ tướng là Uỷ viên Bộ Chính trị

Đứng đầu bộ máy Chính phủ mới là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 5 Phó thủ tướng, trong đó có 3 Phó thủ tướng mới được Quốc hội phê chuẩn là: ông Trương Hòa Bình, ông Vương Đình Huệ và ông Trịnh Đình Dũng (sẽ đảm nhiệm thay vị trí của ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Hoàng Trung Hải và ông Vũ Văn Ninh).

So với nội các thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, Chính phủ mới lần này có nhiều ủy viên Bộ Chính trị hơn (6 Uỷ viên Bộ chính trị, nhiệm kỳ của ông Nguyễn Tấn Dũng là 4 người). Ngoài Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Công an, có 3 Phó thủ tướng cũng là ủy viên Bộ Chính trị gồm: ông Trương Hòa Bình, ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Bình Minh. 

Trong 27 thành viên của bộ máy Chính phủ, có 5 người tiếp tục tại vị cho đến hết nhiệm kỳ 2011- 2016 là Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Còn lại là 22 người được Quốc hội bầu, bổ nhiệm, phê chuẩn mới.

Thành viên nữ duy nhất trong cơ cấu Chính phủ không phải Uỷ viên T.Ư

Danh sách Bộ trưởng, trưởng ngành mới được Quốc hội phê chuẩn cho thấy, hầu hết tân Bộ trưởng đều là các Thứ trưởng ở chính bộ đó.

Những điểm đặc biệt của Chính phủ mới - 2

 Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến là người duy nhất không phải Uỷ viên T.Ư, cũng là thành viên nữ duy nhất trong cơ cấu Chính phủ

Cụ thể, có 13 người được thăng cấp tại cơ quan cũ, bao gồm: Đại tướng Ngô Xuân Lịch (Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) giữ chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng thay ông Phùng Quang Thanh; Thượng tướng Tô Lâm (Thứ trưởng) giữ chức Bộ trưởng Công an thay ông Trần Đại Quang vừa đắc cử vị trí Chủ tịch nước; Ông Lê Vĩnh Tân (Thứ trưởng) giữ chức vụ Bộ trưởng Nội vụ thay ông Nguyễn Thái Bình; Ông Lê Thành Long (Thứ trưởng) giữ chức vụ Bộ trưởng Tư pháp thay ông Hà Hùng Cường; Ông Nguyễn Chí Dũng (Thứ trưởng) giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thay ông Bùi Quang Vinh; Ông Trần Tuấn Anh (Thứ trưởng) giữ chức Bộ trưởng Công Thương thay ông Vũ Huy Hoàng; Ông Phạm Hồng Hà (Thứ trưởng) giữ chức Bộ trưởng Xây dựng thay ông Trịnh Đình Dũng, Ông Trần Hồng Hà (Thứ trưởng) giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thay ông Nguyễn Minh Quang; Ông Trương Minh Tuấn (Thứ trưởng) giữ chức Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thay ông Nguyễn Bắc Son; Ông Nguyễn Ngọc Thiện (Thứ trưởng) giữ chức Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thay ông Hoàng Tuấn Anh; Ông Chu Ngọc Anh (Thứ trưởng) giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thay ông Nguyễn Quân; Ông Phùng Xuân Nhạ (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội) giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo thay ông Phạm Vũ Luận; Ông Đỗ Văn Chiến (Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm) giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc thay ông Giàng Seo Phử.

5 người thay đổi đơn vị công tác gồm: Ông Trương Quang Nghĩa (Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương) giữ chức Bộ trưởng GTVT thay ông Đinh La Thăng, người được giao vị trí Bí thư Thành ủy TP HCM; Ông Đào Ngọc Dung (Bí thư Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương) giữ chức Bộ trưởng LĐTB&XH thay bà Phạm Thị Hải Chuyền; Ông Mai Tiến Dũng (Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam) giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, thay ông Nguyễn Văn Nên; Ông Phan Văn Sáu (Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương) giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ thay ông Huỳnh Phong Tranh; Ông Lê Minh Hưng (Phó chánh Văn phòng Trung ương) giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thay ông Nguyễn Văn Bình, thành viên Ban bí thư đang chờ phân công nhiệm vụ.

Đặc biệt, bộ máy Chính phủ lần này có một người không phải là ủy viên Trung ương Đảng. Đó là Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Bà Tiến cũng là thành viên nữ duy nhất trong Chính phủ hiện tại. So với Chính phủ đầu nhiệm kỳ thì giảm một thành viên nữ (bà Phạm Thị Hải Chuyền, nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH).

Cao tuổi nhất là 62, trẻ tuổi nhất là 46

Những điểm đặc biệt của Chính phủ mới - 3

  Ông Lê Minh Hưng - 46 tuổi, người vừa được phê chuẩn vào vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là thành viên chính phủ trẻ nhất

Trong bộ máy Chính phủ hiện tại, có hai người cao tuổi nhất là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đại tướng Ngô Xuân Lịch – Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Còn người trẻ tuổi nhất ông Lê Minh Hưng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Ông Hưng được ghi nhận là Thống đốc Ngân hàng trẻ nhất trong lịch sử.

Thời nhiệm kỳ Chính phủ của ông Nguyễn Tấn Dũng, thành viên trẻ nhất là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam – 48 tuổi.

Phần lớn thành viên Chính phủ lần này đều đã được đào tạo cơ bản, có kiến thức về quản lý kinh tế, xây dựng pháp luật, trong đó nhiều người là giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ. Nhiều người dù còn trẻ nhưng đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau.

Hai Bộ trưởng của lực lượng vũ trang nhận được phiếu cao

Cũng trong nhóm các Bộ trưởng vừa được Quốc hội phê chuẩn, ngoài Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc nhận được số phiếu 463 phiếu tán thành, 2 Bộ trưởng của lực lượng vũ trang là 2 thành viên nhận được phiếu phê chuẩn cao, gồm Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) với 462 phiếu và Bộ trưởng Công an Tô Lâm (vừa trúng cử ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, hiện là Thứ trưởng Bộ Công an) nhận được 459 phiếu.

Người nhận được phê chuẩn thấp nhất là Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (hiện là Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan trung ương). Có 184 ý kiến không tán thành việc Quốc hội phê chuẩn ông Dung vào vị trí Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoài Vũ (Báo Giao thông)
Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN