Nhịp võng xe bò ngày sơ tán

Đạo diễn Việt Tùng, một trong những người hiếm hoi có cơ hội ghi lại được những khoảnh khắc lịch sử trong suốt 12 ngày đêm diễn ra cuộc ném bom Hà Nội, thường kể về những khoảnh khắc khó quên trong những ngày tàn khốc ấy.

Trong đó có câu chuyện một gia đình bốn thế hệ đi sơ tán khỏi Hà Nội trên chiếc xe bò kéo.

Bốn thế hệ trong chiếc xe bò

Đó là hình ảnh một người mẹ trẻ đang cho một em bé sơ sinh bú, là ông cụ già đội chiếc mũ bông đang đánh xe. Trong xe là lố nhố trẻ con cùng xoong nồi và chăn màn quần áo. Chiếc xe bò hướng từ Ngã Tư Sở xuống mạn Hà Đông. Đạo diễn Việt Tùng nói: “Hai ngày sau khi Hà Nội bị ném bom, các ngả đường Hà Nội ùn ùn người di tản. Tôi đã ghi lại hình ảnh những chuyến sơ tán rất trật tự của người Hà Nội. Chủ yếu bằng xe đạp và xe thô sơ thôi. Các ngả đường rời khỏi thành phố đều rất đông người nhưng không tắc ở đâu cả. Rất trật tự. Dù bom rơi đạn vãi trên đầu nhưng không thấy một sự hoảng sợ nào từ người Hà Nội. Họ đã chuẩn bị cho cuộc chiến và bình tĩnh đón nhận”.

Nhịp võng xe bò ngày sơ tán - 1 

Một cụ già được đưa đi sơ tán khỏi Hà Nội - Ảnh: N.N.T. chụp lại từ ảnh tư liệu

Đó là những hình ảnh của 40 năm về trước. Bây giờ đứa trẻ đang bú mẹ trên chiếc xe bò kéo đã 40 tuổi, con gái của chị đã học đại học năm thứ 3. Người phụ nữ lúc ấy chỉ là cô bé con giờ cũng đã lên bà... Nhưng hình ảnh về 12 ngày máy bay quần thảo trên bầu trời Hà Nội vẫn chưa nguôi phai trong tâm trí của mọi người.

“Hôm ấy là sáng 20/12, đã sang ngày thứ ba Hà Nội bị máy bay B52 giội bom. Tôi xách máy quay xuống Ngã Tư Sở ghi hình bà con đi sơ tán. Từng đoàn người ùn ùn rời thủ đô men theo quốc lộ 6. Hai bên đường chi chít hầm trú bom, nhất là đoạn Cao - Xà - Lá. Chẳng nơi nào đối diện với cuộc chiến và cái sống, cái chết như Việt Nam. Đến đứa trẻ sơ sinh đang bú mẹ cũng không thể nằm ngoài cuộc chiến. Nhìn dòng người đi sơ tán, thương lắm”. Đạo diễn Việt Tùng nói về khoảnh khắc ghi lại hình ảnh gia đình bà Nguyễn Thị Phương đi sơ tán trên chiếc xe bò trong bộ phim Hà Nội - Điện Biên Phủ của ông.

Về quê

Một buổi chiều cuối tháng 11/2012, bà Nguyễn Thị Dung (sinh năm 1957, nhà ở đường Trường Chinh, phường Ngã Tư Sở, Hà Nội) tay xách nách mang hoa quả bánh trái xuống Hà Đông. Không biết đi xe gắn máy nên bà gọi xe ôm chở đi: “Mỗi lần về Yên Nghĩa tôi vẫn gọi là về quê dù tôi không được sinh ra ở đó, cha mẹ cũng không ở đó, cũng chẳng có họ hàng nào ở đó nhưng nơi ấy có một gia đình từng là gia đình của tôi”.

Nơi mà bà Dung tìm đến là nhà cụ Đỗ Văn Khóa.

Cụ Khóa đã hơn 80 tuổi, vận bộ đồ màu nâu đang ngồi trên chiếc ghế bố giữa căn nhà to rộng mới xây dựng, mái tóc bạc trắng như cước. Thấy bà Dung đi vào, cụ móm mém cười hỏi: “Dung đấy à con? Sao lại về có một mình thế? Con Phương có khỏe không?”.

Bà Dung dựng túi xách vào chân tường, sà xuống cạnh ông Khóa: “Chị Phương đang được mời đi miền Nam nên không xuống thăm ông được, nhưng chị ấy gửi lời hỏi thăm ông và gửi cho ông ít quà”.

Trên nền đất cũ của ngôi nhà ba tầng này trước đây từng có một ngôi nhà cấp 4, ba gian và một dãy nhà ngang do bố mẹ ông cụ Khóa để lại. Ba gian nhà rộng rãi, có sập, phản, giường thờ được gia đình ông Khóa nhường lại cho gần chục người nhà bà Dung. “Lúc ấy chị Phương hơn 20 tuổi, vừa sinh con đầu lòng, chồng lại đi B nên chị Phương đi sơ tán cùng gia đình tôi. Kể cả ông bà nội, bố mẹ tôi cùng mấy chị em gần một chục người sống trong gian nhà trên. Tất cả những gì tốt nhất của nhà cụ Khóa, chúng tôi đều được ưu tiên sử dụng”.

Chiến tranh, mọi thứ đều thiếu thốn và khó khăn, nhất là những gia đình làm công ăn lương. “Nhà đông người nên chúng tôi phải ăn mì, ăn bo bo thay cơm là bình thường. Nhà cụ làm nông nghiệp nên vẫn được ăn cơm gạo mới. Thương chúng tôi đói nên mỗi bữa cụ nấu dư ra một bát, vun thật đầy rồi đưa sang cho chúng tôi ăn cho chặt dạ” - bà Dung nhớ lại.

Đã 40 năm trôi qua mà những hình ảnh về bà cụ chủ nhà mắt lòa không phai nhạt một chút nào trong trí nhớ của bà Dung cũng như những người trong gia đình bà.

Vẫn nguyên nếp làng

Bố mẹ bà Dung làm trong HTX xe bò kéo, hằng ngày ông bà cùng đôi bò rong ruổi trên nhiều nẻo đường để chở hàng hóa cho Nhà nước, chở vật liệu xây dựng để làm các công trình và phục vụ nhu cầu vận tải trong thành phố. “Bố mẹ đưa mấy ông cháu chúng tôi xuống Yên Nghĩa rồi các cụ trở lại thành phố làm việc. Không có bố mẹ nhưng chúng tôi vẫn được ăn uống đầy đủ và được chăm sóc chu đáo”.

Nhịp võng xe bò ngày sơ tán - 2

Từ trái qua: bà Nguyễn Thị Dung, chị Nguyễn Thị Hương và bà Nguyễn Thị Phương, những nhân vật đi sơ tán trên chiếc xe bò 40 năm trước - Ảnh: Hoàng Điệp

Để chuẩn bị đón những người đồng bào mới của mình từ thành phố về sơ tán, ông Khóa đã chặt tre, luồng để đào bốn chiếc hầm chữ A ngay phía sau nhà: “Chúng tôi chỉ nghĩ người thành phố đang sống sung sướng, đầy đủ nay phải về nông thôn thì khổ lắm. Vậy nên mình có thể thiếu thốn khổ cực được vì mình quen rồi, nhưng phải nhường những gì tốt nhất cho người ta”. Những gì tốt nhất cho người ta mà gia đình gần chục người nhà bà Dung được hưởng đó chính là ngôi nhà chính ba gian và khoảnh sân rộng, là những luống rau được trồng thêm ngoài bãi, những dây cà dây bí được giắt thêm vào hàng rào để đám trẻ nhỏ có thêm thức ăn cho mỗi bữa ăn đơn điệu hằng ngày từ những cọng rau héo úa mua từ cửa hàng thực phẩm.

40 năm đã trôi qua, chưa một cái tết nào mấy chị em bà Dung không thay nhau về thắp hương trên ban thờ gia tiên nhà cụ Khóa. Và dù là giỗ mọn hay cỗ lớn thì cũng chưa khi nào mấy chị em bà vắng mặt trong những sự kiện dù vui hay buồn của gia đình. “Chúng tôi không nhận cụ là bố mẹ nuôi, cụ cũng không phải là họ hàng, nhưng những gì gia đình cụ đã dành cho chúng tôi những ngày Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc khiến tôi không thể nào quên”.

Cũng trong suốt thời gian đi sơ tán ấy, cô bé Nguyễn Thị Dung chính là người đi về như con thoi hằng tuần để tiếp tế lương thực, thực phẩm cho gia đình. “Từ Yên Nghĩa tôi đi bộ, rồi đi xe điện để về cửa hàng thực phẩm mua gạo, đậu phụ và các mặt hàng thiết yếu khác ở cửa hàng lương thực Ngã Tư Sở. Không có xe đạp nên chỉ gánh bộ thôi. Có lần đang đi bộ gần sông Nhuệ thì bị bom. Tôi vẫn ôm chặt túi gạo trong tay lăn xuống hầm cá nhân. Bởi nhà đông người nên chuyện ăn uống thật sự rất quan trọng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Điệp - Tấn Đức (Tuổi Trẻ)
Hà Nội - Những tháng ngày sơ tán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN