Nhiều uẩn khúc vụ cúp điện nhưng vẫn bị điện giật chết

Có nhiều chi tiết cần làm rõ quanh sự việc công nhân sửa điện bị điện giật chết khi toàn bộ hệ thống điện đã bị cắt.

Con tôi chết, ai chịu trách nhiệm?

Sáng 18-4, không khí tang tóc bao trùm căn nhà nhỏ của gia đình anh Nguyễn Văn Chung (SN 1980) tại thôn Thạch Hưng (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) – người bị điện giật chết khi đã cúp điện vào chiều 17-4 (Báo Người Lao Động đã thông tin).

Ôm 2 đứa con vào lòng, chị Đỗ Thị Mộng Tuyền (vợ anh Chung) khóc không thành tiếng. Rất đông người dân ở địa phương nghe tin sự việc đã tập trung tại gia đình nạn nhân để giúp lo hậu sự. Ai cũng băn khoăn không hiểu vì sao điện đã cúp mà anh Chung vẫn bị giật chết.

Nhiều uẩn khúc vụ cúp điện nhưng vẫn bị điện giật chết - 1

Vợ anh Nguyễn Văn Chung khóc nghẹn trước cái chết bất ngờ của chồng

Ông Nguyễn Hùng (cha anh Chung) cho biết chiều 18-4, ông đang ở nhà thì nhận được tin báo anh Chung bị điện giật. Khi ông đến hiện trường thì thi thể anh Chung đã được các công nhân làm cùng đưa xuống khỏi trụ điện. “Cái chết của con tôi quá vô lý. Vì sao ngắt điện rồi mà vẫn có điện khiến con tôi phải chết, dòng điện này ở đâu?” – ông Hùng uất nghẹn.

Theo ông Hùng, anh Chung là lao động chính trong gia đình, anh đã có vợ và 2 con. Trong đó, đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ học lớp 4. Dù không qua các trường lớp đào tạo nhưng anh Chung có kinh nghiệm sửa điện khoảng 10 năm. Thời gian gần đây, anh Chung được ông Trần Thanh Lộc, một người dân địa phương gọi đi làm thuê cho Điện lực Tam Kỳ. Ông Lộc là người chỉ huy trưởng và là người nhận tiền từ Điện lực Tam Kỳ để trả cho anh Chung.

Sáng 18-4, ông Lộc và ông Phan Vũ Đông Quân, Giám đốc Điện lực Tam Kỳ (Công ty Điện lực Quảng Nam) cùng có mặt tại gia đình anh Chung thăm viếng và hỗ trợ một số tiền để gia đình lo hậu sự. Khi gia đình nạn nhân yêu cầu giải thích nguyên nhân vì sao anh Chung tử vong thì cả ông Lộc và ông Quân đều cho biết không rõ nguồn điện ở đâu. Quá bức xúc, gia đình nạn nhân yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của Điện lực cũng như đơn vị thi công.

“Dòng điện ở đâu vào trong lưới điện do các anh quản lý mà các anh nói không biết. Con tôi chết như vậy ai là người chịu trách nhiệm? Những lời giải thích như vậy làm sao mà chúng tôi thỏa mãn được” – ông Hùng bức xúc nói.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lộc kể, ngày 17-4, ông cùng nhóm thợ điện thực hiện nâng cấp đường dây từ sáng đến hơn 12 giờ 20 mới nghỉ ăn trưa. Khoảng 13 giờ 30 phút, các công nhân bắt đầu làm lại. Lúc này, ông đứng bên dưới còn một công nhân khác leo lên trụ điện cách nơi anh Chung gặp nạn vài chục mét. Khi công nhân leo lên trụ điện thì nghe nóng ở chân nên mới thông báo trên trụ có điện. Lúc này, ông mới gọi điện thông báo cho các công nhân đồng thời chạy tới trụ điện chỗ anh Chung thì thấy anh Chung đã bị điện giật chết.

“Sáng cùng ngày anh Chung cũng sửa trụ điện đó. Bao đồ nghề anh Chung vẫn còn treo trện trụ. Khi bị giật, anh Chung đã cài dây an toàn vào trụ điện” – ông Lộc thuật lại.

Thông báo cúp nhưng có điện!

Nhiều uẩn khúc vụ cúp điện nhưng vẫn bị điện giật chết - 2

Người nhà anh Nguyễn Văn Chung hết sức đau buồn trước sự việc

Theo người phụ nữ bán tạp hóa đối diện với trụ điện nơi anh Chung tử vong cho biết, dù ở đối diện nhưng thời điểm đó, gia đình bà không hề có điện, những nhà dân khác ở tổ 2 thôn Vĩnh Bình cũng không có điện. “Gia đình tôi thắp điện tại bàn thờ ông Địa, nếu có điện thì đèn sáng liền” – bà này cho biết.

Trong khi đó, nhiều người dân sống ở cùng thôn nhưng khác tổ như tổ 1, tổ 6 lại khẳng định điện lực thông báo cúp điện từ sáng đến chiều tối nhưng khoảng 13 giờ 30 thì bất ngờ có điện. Ông Châu Văn Hiến (SN 1955, ngụ tổ 6, thôn Vĩnh Bình), cho biết trước lúc anh Chung bị điện giật chết, gia đình ông bất ngờ có điện. “Điện mạnh lắm, gia đình tôi xem ti vi, bật quạt bình thường. Trời nóng quá nên để quạt vậy, khi quạt chạy thì biết là có điện” – ông Hiến nói và cho biết khoảng 10 phút sau khi có điện, ông nghe tin có người bị điện giật chết thì đi ra ngoài, lúc này cũng là lúc điện cúp lại cho đến chiều mới có.

Ông Châu Thanh Phong, Chủ tịch UBND xã Tam Thăng cũng khẳng định vào ngày 17-4, điện lực thông báo toàn xã bị mất điện từ sáng đến chiều tối. Tuy nhiên, không hiểu sao khoảng 13 giờ 30 phút thì ở nhà ông có điện. “Nhà tôi ở tổ 1 của thôn Vĩnh Bình thì có điện còn thôn 2 nơi anh Chung bị tử vong thì nhiều người cho biết không hề có điện. Vụ việc này khá kỳ lạ” – ông Phong băn khoăn.

Trước nghi vấn dòng điện từ máy phát của người dân như trả lời của ông Quân, người dân ở địa phương cho biết trong ngày 17-4, ở thôn Vĩnh Bình không có gia đình nào tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, ở quanh thôn có khá nhiều trại gà có sử dụng máy phát điện.

Chiều 18-4, trao đổi với chúng tôi, ông Quân cho biết vụ việc hiện vẫn phải chờ công an điều tra mới rõ được. Ông Quân khẳng định vào thời điểm xảy ra sự việc, toàn bộ khu vực trên đã bị cắt điện. Trả lời về việc tại sao Điện lực Tam Kỳ lại thuê người chưa có bằng cấp để làm việc, ông Quân cho biết chỉ thuê qua đơn vị trung gian rồi họ thuê người của ông Lộc chứ ông không biết.

“Tai nạn bình thường thôi”

Chiều 18-4, phóng viên Báo Người Lao Động liên lạc qua điện thoại với Công an TP Tam Kỳ hỏi có vào cuộc điều tra hay không thì một lãnh đạo Công an TP Tam Kỳ cho biết “công an có xuống nắm thông tin, chỉ là tai nạn bình thường thôi, có gì đâu”. Tuy nhiên, khi phóng viên nói sự việc có nhiều uẩn khúc thì ông này mới nói đang điều tra.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Thường (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN