Nhiều giáo viên tiếng Anh bỏ nghề vì vướng quy định

Sáng 23-2, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT TP về vấn đề tự chủ - xã hội hóa và định hướng phát triển ngành giáo dục đào tạo TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Nhiều giáo viên tiếng Anh bỏ nghề vì vướng quy định - 1

Tại buổi làm việc, Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo ngành giáo dục phải đẩy mạnh tự chủ và xã hội hóa để kêu gọi đầu tư của nhân dân cho sự phát triển của giáo dục. Tuy nhiên, tự chủ phải có lộ trình, công khai, minh bạch và tạo sự đồng thuận của phụ huynh.

Đồng thời Bí thư yêu cầu ngành giáo dục nghiên cứu cơ chế, chính sách trả lương cho giáo viên (GV), không cào bằng, đãi ngộ xứng đáng để thu hút được người giỏi. Ngành phải có lộ trình giảm tải chương trình cho học sinh (HS) vì hiện nay HS phải học và thi quá nhiều. “Chúng ta phải tạo điều kiện để HS được vui chơi, giải trí và rèn luyện thể dục thể thao, không để HS trở thành “nô lệ” của chương trình học. Ngành cũng phải tiến tới chấm dứt dạy thêm, học thêm tràn lan gây tiêu cực và trái quy định từ nay đến năm 2020. Còn việc phụ đạo HS yếu và bồi dưỡng HS giỏi là trách nhiệm của các trường phải làm” - Bí thư Thăng yêu cầu.

Theo Sở GD&ĐT, về tài chính hiện nay các trường chưa thể tự chủ 100% vì vướng nhiều quy định khiến các trường bị khống chế. Còn về nhân sự, TP đã có sự phân cấp tuyển dụng, các trường tự lực tuyển và cân đối một số vị trí như giám thị, nhân viên tư vấn tâm lý... Trong định biên chức danh không có nhưng vì nhu cầu thực tế buộc phải có nên các trường phải dùng kinh phí xã hội hóa để trả.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, nêu ví dụ TP phải thuê nhiều GV nước ngoài với mức lương 2.000 USD/tháng. Trong khi Việt Nam có rất nhiều GV tiếng Anh giỏi nhưng ta không thể trả lương cao như vậy được.

Theo ông Hiếu, TP đã đưa tiếng Anh vào giảng dạy ở bậc tiểu học hơn 20 năm nay. Trước đây TP chi trả cho GV tiếng Anh 80% học phí, còn lại chi trả các hoạt động khác nên GV rất hài lòng và việc tuyển chọn cũng rất tốt. Tuy nhiên, gần đây Bộ lại chỉ đạo là GV tiếng Anh ở tiểu học phải dạy nhiều môn như GV thường, tức là phải dạy 23 tiết/tuần mới được hưởng lương. Và tiết thứ 24 trở đi mới được tính phụ trội nên GV bỏ nghề rất nhiều, tuyển dụng càng khó khăn hơn.

Về vấn đề này, Bí thư Thăng cho rằng cách làm như thế không thể gọi là tự chủ. Tại sao với giám thị không có chức danh nghề nghiệp mà tuyển và có tiền trả được, còn GV tiếng Anh thì không? Tự chủ thì không thể 20 năm mà vẫn thu một mức học phí, rồi vẫn phải thu thêm từ nguồn phụ huynh. “Chúng ta phải vận dụng linh hoạt và mạnh dạn đề xuất thì mới đổi mới được. Nếu vướng quy định thì chúng ta phải đề xuất giải quyết hoặc xin thí điểm, miễn là trong khuôn khổ pháp luật. Quan trọng là chất lượng giáo dục tốt, tạo ra nhân lực đáp ứng được nhu cầu của xã hội và hội nhập” - ông Thăng nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phạm Anh (Pháp Luật TPHCM)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN