Nhật kí Hoàng Sa: Tổ quốc trên những con tàu

Sự kiện: Nhật kí Hoàng Sa

Sau mỗi đợt chạm trán với tàu Trung Quốc, các thuyền viên tàu Kiểm ngư HP 926 lại trèo lên boong thượng để chỉnh sửa lại lá cờ Tổ quốc bị gió giật, vòi rồng Trung Quốc phun cuộn tròn.

Thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy bảo, trên tàu cái gì có thể hư hỏng, nhàu cũ, riêng lá cờ phải phẳng phiu trước gió vì đó là hình ảnh Tổ quốc, là đồng bào của chúng ta đó. Con tàu chúng tôi đến với Hoàng Sa chở nặng tình yêu Tổ quốc…

Thượng cờ, kết nạp Đảng giữa Hoàng Sa

Sáng 12/5. Sau hồi chuông báo thức toàn tàu, trước khi tàu cơ động vào khu vực giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép, hai kiểm ngư viên Đường và Minh sửa soạn áo quần chỉnh tề rồi trèo lên boong thượng chỉnh sửa lá cờ Tổ quốc.

Hai anh Đường và Minh dùng tay gỡ từng nếp gấp lá cờ bị gió quấn vào dây từ những trận gió đêm qua. Sau khi gỡ từng nếp gấp, hai kiểm ngư viên dùng tay vuốt thẳng lá cờ đang căng gió.

Anh Đường bảo: “Đi biển, sáng nào trước khi tàu bắt đầu làm nhiệm vụ, anh em chúng tôi lên boong thượng để chỉnh sửa lại lá cờ Tổ quốc cho ngay ngắn, phẳng phiu, đảm bảo lá cờ phải căng gió. Giữa biển khơi, gió giật mạnh, cờ bị rối, có khi bị gió giật tơi rách, chúng tôi phải cho thay cờ ngay. Anh em chúng tôi tâm niệm, lá cờ là hình ảnh Tổ quốc, là đồng bào đang dõi theo chúng tôi hằng ngày và cũng là nguồn động viên lớn cho anh em thuyền viên chúng tôi vượt qua những khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

Nhật kí Hoàng Sa: Tổ quốc trên những con tàu - 1

Sau mỗi trận đối đầu với tàu Trung Quốc, các Kiểm ngư Việt Nam lại lên sửa lại cờ Tổ Quốc

Đúng như anh Đường kiểm ngư viên nói, anh em phóng viên chúng tôi cũng vậy, những ngày lênh đênh trên biển Hoàng Sa, mỗi khi thấy tàu Việt Nam với cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc tàu khiến có cảm giác gần gũi như gặp người thân nơi xa lạ. Những lúc như thế này, cờ Tổ quốc đã gợi nên những điều gần gũi, thân quen…

Ngày 14/5, chúng tôi chứng kiến một buổi lễ kết nạp Đảng cho kiểm ngư viên Lê Văn Bình đầy xúc động. Bình 27 tuổi, 9 năm tuổi nghề gắn liền với con tàu.

Mới đầu năm nay, Bình được chuyển biên chế vào lực lượng Kiểm ngư. Và hôm nay là ngày vinh dự nhất của Bình. Bình tâm sự: “Được đứng vào hàng ngũ của Đảng là niềm tự hào và vinh dự, nhưng em vinh dự và đặc biệt xúc động vì mình được Tổ chức kết nạp Đảng ngay giữa biển Hoàng Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Vào Đảng là vinh dự và trách nhiệm cũng sẽ cao hơn, nên em sẽ tiếp tục phấn đấu, rèn luyện hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, nhất là thời gian cùng với lực lượng chấp pháp bền bỉ đấu tranh buộc Trung Quốc phải dời giàn khoan Hải Dương-981 hạ đặt trái phép ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam".

Nhật kí Hoàng Sa: Tổ quốc trên những con tàu - 2

Đại diện Chi bộ Đảng tàu Kiểm ngư HP 926 trao quyết định kết nạp Đảng cho anh Lê Văn Bình 

Anh Đinh Kim Thảo, cán bộ tuyên truyền, đại diện chi Bộ HP 926, cho biết, Bình là người đầu tiên được kết nạp Đảng trên vùng biển Hoàng Sa của Tổ quốc. “Để có được sự kiện đáng nhớ này, kiểm ngư viên Lê Văn Bình đã không ngừng nỗ lực, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong suốt nhiều năm công tác. Và lần này, nhận nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Bình lên đường với tinh thần trách nhiệm cao và phấn khởi. Bình được kết nạp Đảng trên tàu không chỉ là niềm vinh dự cho bản thân mà còn là niềm vinh dự cho toàn bộ anh em trong biên đội chúng tôi”, anh Thảo nói.

Con chào đời lúc bố đi Hoàng Sa

Ngày tôi lên tàu ra Hoàng Sa khi con gái vừa chào đời 36 ngày tuổi. Lên tàu với đầy nỗi lo âu xen lẫn nỗi nhớ con. Chính vì thế, khi nghe câu chuyện về Nguyễn Xuân Tâm (32 tuổi) tôi thấu hiểu, chia sẻ với ông bố trẻ đang tạm gác chuyện gia đình, bám biển bảo vệ chủ quyền Tổ quốc.

Tâm quê Hoa Lư (Ninh Bình) và gần 10 năm gắn liền với biển cả, thời gian anh dành cho biển nhiều hơn rất nhiều lần dành cho gia đình. Tháng 4/2014, Tâm gia nhập vào lực lượng Kiểm ngư Việt Nam và cũng liên tiếp những ngày lênh đênh trên biển. Tâm bảo, người vợ thấu hiểu công việc của chồng và cậu con trai 4 tuổi kháu khỉnh đã trở thành niềm động viên lớn lao để Tâm bám biển.

Và nay, khi đang hành trình ra Hoàng Sa, đứa con thứ 2 của Tâm chào đời. Tâm kể, đầu tháng 5/2010, lúc vợ Tâm chỉ còn 5 ngày nữa sinh đứa con đầu lòng anh nhận nhiệm vụ lên đường đi Trường Sa. Thèm lắm được nhìn mặt con lúc chào đời, nhưng nhiệm vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, Tâm phải tạm gác lại hạnh phúc riêng tư để lo việc nước.

Và lần này, ngày 5/5, Tâm nhận nhiệm vụ đi Hoàng Sa cùng biên đội thẳng tiến Hoàng Sa, 3 ngày sau đó, vợ Tâm  sinh cháu thứ 2. Đến Đà Nẵng, Tâm tranh thủ gọi điện về hỏi thăm, động viên thăm hỏi vợ con rồi lên tàu ra khơi.

“Những lúc như thế, nhớ vợ con lắm anh ạ, nhưng vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì bảo vệ Trường Sa, Hoàng Sa là nhiệm vụ chính trị thiêng liêng của mỗi cán bộ trong lực lượng chấp pháp như chúng em”, Tâm tâm sự rồi Tâm bảo trong chuyến công tác này, anh sẽ nghĩ và đặt cho con gái cái tên thật đẹp, hợp với kỷ niệm trong chuyến hải trình đến với Hoàng Sa thiêng liêng.

Ba hồi còi chào Đại tướng

Những ngày tác nghiệp trên tàu HP 926, tôi tâm sự nhiều với thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy. Có lẽ do cùng tuổi nên tôi và thuyền trưởng Duy khá thân nhau trong thời gian ngắn.

Nhật kí Hoàng Sa: Tổ quốc trên những con tàu - 3

Thuyền trưởng tàu HP 926 Nguyễn Cao Duy đang chỉ huy tàu khi chạm trán tàu Trung Quốc

Sau những ngày tận mắt chứng kiến phong thái điềm tĩnh, quyết đoán khi điều khiển tàu trong thời khắc sinh-tử, cộng với những phút trải lòng, tôi biết Duy sẽ là một thuyền trưởng tài ba. Mái tóc húi cua, đôi mắt sáng quắc và dáng người thư sinh, ít ai nghĩ Duy là một thuyền trưởng rắn rỏi và quyết đoán với hơn 10 năm kinh nghiệm. Nhưng điều làm tôi thán phục ở Thuyền trưởng Duy là tấm lòng của anh.

Ngày trên đường đưa tàu từ Hải Phòng vào Đà Nẵng để chuẩn bị chuyến đi Hoàng Sa, sáng 7/5, khi đi ngang qua vùng biển Quảng Bình, Duy lệnh cho lái tàu hướng mũi vào Vũng Chùa - Đảo Yến, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ, kéo còi chào Đại tướng.

Trên đài chỉ huy, Duy thắp nén nhang cầu nguyện trước ảnh Bác Hồ và thầm hứa với Bác, với Đại tướng sẽ quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đấu tranh đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981, xứng đáng với truyền thống đánh ngoại xâm của cha ông.

Xong nghi lễ, Duy lại kéo ba hồi còi tạm biệt Đại tướng rồi quay mũi tàu thẳng hướng về Hoàng Sa. “Ngày còn nhỏ, học lịch sử Việt Nam với những trận đánh thần thánh, tôi rất ngưỡng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Nay, chúng tôi, tuổi trẻ của Tổ quốc đang thực thi luật pháp trên biển và đẩy đuổi giàn khoan Hải Dương-981 của Trung Quốc hạ đặt trái phép ở Hoàng Sa, tôi cảm thấy tự hào khi đóng góp chút công sức của mình cho cuộc tranh đấu. Tôi tin, Đại tướng sẽ cùng theo chúng tôi trong cuộc tranh đấu này và chúng ta sẽ chiến thắng”, thuyền trưởng Duy tâm sự.

Trong những ngày đấu tranh ở Hoàng Sa, trong những đợt áp sát giàn khoan để đấu tranh bị tàu Trung Quốc truy cản quyết liệt, dùng vòi rồng, súng bắn nước công suất lớn, áp lực cao tấn công phá hủy một số trang thiết bị trên tàu... nhưng Thuyền trưởng Duy đã lèo lái con tàu của mình tránh né không cho bắn vào đỉnh cột cờ, nơi lá cờ tổ quốc tung. Với Duy, đối mặt với Trung Quốc, tàu có thể bị móp méo, thiết bị có thể bị phá hủy nhưng lá cờ Tổ quốc là bất khả xâm phạm. Vì với Duy, “lá cờ là Tổ quốc, là đồng bào của chúng ta đó...”.

____________________________

Tàu Trung Quốc manh động, luôn tỏ thái độ khiêu khích, liều lĩnh đâm va, xịt vòi rồng, bắn súng nước vào các tàu chấp pháp của Việt Nam. Ngoài việc mưu trí, tránh mắc mưu khiêu khích của Trung Quốc, lực lượng kiểm ngư Việt Nam chấp pháp trên biển Hoàng Sa luôn tìm cách hạn chế thiệt hại bằng những sáng kiến độc đáo. Mỗi khi tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng, súng phun nước, lực lượng trên tàu kiểm ngư Việt Nam dùng chăn nệm chắn cửa kính để giảm áp lực nước hay những bữa ăn được ví như “tiệc buffer” giữa trùng khơi… là những hình ảnh khó quên của cánh phóng viên chúng tôi trong những ngày tác nghiệp trên biển Hoàng Sa.

Mời độc giả đón đọc kỳ cuối: “Nhật kí Hoàng Sa: Đấu trí giữa trùng khơi” vào 19h Chủ nhật, 25/4/2014.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thủy Tiên ([Tên nguồn])
Nhật kí Hoàng Sa Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN