Nguyên nhân nào dẫn tới thảm họa chìm phà Sewol?

Đã hơn hai tuần kể từ khi phà Sewol nặng 6,825 tấn bị chìm, 213 hành khách trên phà được xác nhận đã tử vong, 89 người vẫn còn mất tích. Vụ lật phà Sewol đã trở thành một trong những tai nạn thảm khốc nhất trong thời bình của Hàn Quốc. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới thảm họa kinh hoàng này?

Trước hết, xét đến yếu tố khách quan, phà Sewol rời Incheon lúc 6 giờ 30 phút chiều ngày 16/4 trong điều kiện thời tiết xấu. Trời tối cùng với sương mù dày đặc đã cản trở tầm nhìn của các thành viên trong thủy thủ đoàn. Các chuyên gia hàng hải cho biết, trong điều kiện thời tiết như thế, có khả năng phà bị đâm vào một tảng đá lớn nên nước tràn vào phà khiến nó chìm nhanh như vậy. Theo các hành khách sống sót, trước khi phà bị nghiêng, họ nghe thấy một tiếng động lớn. Các nhà điều tra không loại trừ khả năng đó là tiếng động do phà Sewol va vào đá tạo nên.

Tuy nhiên, nếu xét yếu tố chủ quan, có thể nói nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc phà bị lật là do một thành viên trong thủy thủ đoàn đã đổi hướng quá nhanh. Các nhà điều tra cho hay, vào lúc 8 giờ 48 phút ngày 16/4, con phà đột ngột chuyển hướng dẫn tới việc hàng hóa và hành khách trong phà bị dịch chuyển. Phà bị nghiêng ngay sau cú rẽ đột ngột, lật úp và chìm dần. Một số hành khách may mắn sống sót kể lại, trước khi phà bị nghiêng, họ nghe thấy một tiếng động lớn, tiếng động đó có thể là hàng hóa trên các cabin bị dịch chuyển đập mạnh vào thành phà.

Bên cạnh đó, lượng hàng hóa và hành khách trên phà quá tải cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến phà Sewol chìm.

Nguyên nhân nào dẫn tới thảm họa chìm phà Sewol? - 1

Một máy bay trực thăng của đội cứu hộ đang cố gắng tiếp cận chiếc phà Sewol

Phà Sewol được sản xuất tại xưởng đóng tàu Nhật Bản năm 1994 và công ty Chonghaejin mua lại năm 2012. Công ty Chonghaejin đã tu sửa và nâng cấp phà Sewol sau đó. Theo tiêu chuẩn an toàn, con phà này có thể mang theo 116 hành khách. Thế nhưng, khi đưa vào sử dụng, số lượng hành khách tối đa mà phà Sewol chuyên chở lên tới 840 đến 956 người và trọng lượng tối đa tăng từ 6,586 tới 6,825 tấn. Con phà đã phải “gánh” trọng lượng vượt quá giới hạn của nó.

Tại thời điểm phà chìm, nó phải chuyên chở 180 chiếc xe và 1,157 tấn hàng hóa. Chiếc phà được lắp thêm 3 cabin lớn với tổng trọng lượng trên 50 tấn. Những hành khách và phi hành đoàn sống sót còn cho biết, họ nhìn thấy các container trên phà chở khoảng 100 container xếp chồng lên nhau và chúng được cố định bằng dây thừng chứ không phải dây xích. Các hành khách còn từng bị thủy thủ đoàn cảnh báo rằng, khi phà lật úp, nếu không cẩn thận có thể bị container đè nát. Vì vậy, rất dễ hiểu khi bị chuyển hướng đột ngột, số hàng hóa quá tải trên phà bị dịch chuyển khiến con phà nghiêng về một bên và chìm.

Bên cạnh đó, phà được trang bị 46 xuồng cứu sinh bằng cao su và mỗi chiếc cứu được 25 người. Mỗi chiếc xuồng được kích hoạt bởi áp lực nước hoặc chỉ đơn giản bằng một động tác kéo pin an toàn. Tuy nhiên, chỉ một vài trong số 46 chiếc xuồng này có thể sử dụng. Các thành viên thủy thủ đoàn cho biết, họ không thể lên chiếc xuồng cứu sinh do chiếc phà bị lật úp.

Theo pháp luật Hàn Quốc, đoàn thủy thủ của mỗi chiếc tàu bắt buộc phải trải qua một cuộc tập sơ tán khẩn cấp trong vòng 10 ngày. Nếu đã được đào tạo theo yêu cầu, thủy thủ đoàn của phà Sewol đã có thể nhận ra vấn đề của các xuồng cứu sinh và thay thế chúng hoặc làm cách nào đó sử dụng chúng trong mọi hoàn cảnh.

Nguyên nhân nào dẫn tới thảm họa chìm phà Sewol? - 2

Lực lượng cứu hộ đang chuẩn bị cho một cuộc tìm kiếm dưới nước ngày hôm nay

Ở các nước tiên tiến như Hàn Quốc, khi hành khách lên tàu, họ sẽ được hướng dẫn cách sử dụng áo phao được để sẵn trong từng cabin. Họ được hướng dẫn chạy theo lối thoát hiểm, cách làm thế nào để sử dụng xuồng cứu sinh và cách sử dụng pháo sáng. Thuyền trưởng phải là người đưa ra tất cả các biện pháp để đảm bảo mạng sống cho những người trên tàu và phải ở lại cuối cùng cho tới khi tất cả hành khách rời tàu an toàn. Thế nhưng ở trên phà Sewol, thuyền trưởng và nhiều thành viên thủy thủ đoàn lại là những người bỏ chạy trước tiên, họ chỉ muốn cứu lấy mạng sống của bản thân và bỏ qua mọi quy tắc an toàn cơ bản.

Trên một khía cạnh khác, thảm họa chìm tàu xảy ra là lo cơ chế quản lý lỏng lẻo và giám sát không chặt chẽ của chính phủ. Hiện có 173 chiếc phà đang hoạt động trên 99 tuyến hàng hải tại Hàn Quốc. Bảy chiếc trong số đó là tàu lớn có thể vận chuyển hàng hóa trên 5.000 tấn. Rất nhiều chiếc tàu đã được nâng cấp để vận chuyển số lượng hàng hóa vượt quá trọng lượng cho phép khi thiết kế sản xuất tàu. Vì vậy, cho dù thủy thủ đoàn của những con tàu đó được đào tạo bài bản và các biện pháp an toàn đều được thực hiện đầy đủ đi chăng nữa, sự an toàn của con tàu vẫn rất mong manh. Điều này cho thấy, chính phủ Hàn Quốc đã không thực hiện các cuộc kiểm tra an toàn cho tất cả các con tàu.

Những người lãnh đạo đã dễ dàng bỏ qua các quy tắc an toàn nhưng trong trường hợp khẩn cấp họ vẫn là những người được cứu sống. Hàn Quốc đã phải gánh chịu hàng loạt các vụ tai nạn lớn trong những năm vừa qua. Đó là hậu quả của việc không chấp hành đúng các quy định an toàn cơ bản. Ở Hàn Quốc, những người luôn theo đúng các quy tắc thường bị coi là phiền nhiễu và không linh hoạt trong khi những người né tránh lại được xem là “thông minh”. Tuy nhiên, một đất nước có quá nhiều người “thông minh” sẽ gây ra những thảm họa thảm khốc như vụ chìm phà Sewol.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Bình (Theo Chosun) ([Tên nguồn])
Chìm phà ở Hàn Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN