Nguyên chủ tịch tỉnh Bình Dương cũng phải trả lại vỉa hè

Hàng trăm căn nhà tự tháo dỡ, đập bỏ phần mặt tiền lấn chiếm vỉa hè trên tuyến đường thuộc hàng đắt giá nhất Bình Dương. Nhà nguyên chủ tịch tỉnh cũng phải tự tháo dỡ, đập bỏ phần lấn chiếm vỉa hè.

Tính đến ngày 22-3, đã có hàng trăm căn nhà trên đường Yersin (thuộc phường Phú Cường và phường Hiệp Thành, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) thực hiện phá phần mặt tiền lấn chiếm vỉa hè. Tuyến đường đắt địa này được mệnh danh là “tuyến đường thời trang” (do có nhiều shop quần áo thời trang), tại đây mỗi mét vuông sang nhượng có giá hơn 30 triệu đồng

Nguyên chủ tịch tỉnh Bình Dương cũng phải trả lại vỉa hè - 1

"Tuyến phố thời trang" đồng loạt bớt phần mặt tiền vào trong, trả lại vỉa hè

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều cửa hàng thời trang trên đường Yersin đang ngừng hoạt động, di tản hàng hóa; tháo dỡ, đập bỏ phần mặt tiền lấn chiếm vỉa hè. Hiện đường này giống như một đại công trình với hàng trăm thợ xây, vật liệu bê tông, cốt thép ngổn ngang.

Nguyên chủ tịch tỉnh Bình Dương cũng phải trả lại vỉa hè - 2

Cảnh khoan cắt diễn ra khắp tuyến đường Yersin

Nghe hỏi vì sao phải thuê thợ tự đập bỏ phần mặt tiền nhà, một chủ nhà trên đường Yersins nói: “Chính quyền ra lệnh rồi. Tôi mà không đập thì họ mang máy xúc, mang búa tời đập thôi. Mình chủ động thuê thợ đến làm cho nhanh để còn buôn bán!”. Cũng thông hiểu, bà Quách Kiều Xuân (62 tuổi) nhận xét: “Chính quyền xuống vận động thì tôi hiểu ra đây là chủ trương của cả nước phải trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng mấy ngày này thuê thợ, thuê thầy khó quá vì nhà ai cũng đập, cũng phá”.

Nguyên chủ tịch tỉnh Bình Dương cũng phải trả lại vỉa hè - 3

Một cửa hàng quần áo đã dọn xong phần mặt tiền lấn chiếm vỉa hè

Một chủ hộ trên đường Yersin tiếc nuối: “Đập bỏ thế này nhà tui mất gần cả chục mét vuông nhưng phải làm thôi. Đến nhà nguyên chủ tịch tỉnh mà cũng phải tự tháo dỡ thì mình sao không thể chấp hành?”.

Căn nhà mà chủ hộ này nhắc tới là nhà của nguyên chủ tịch tỉnh Bình Dương Nguyễn Hoàng Sơn. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, căn nhà này có tường rào khá kiên cố, phần nhô ra vỉa hè khá nhiều, tuy nhiên, chủ nhà đã chủ động thuê nhân công đến đập bỏ, trả lại vỉa hè.

Nguyên chủ tịch tỉnh Bình Dương cũng phải trả lại vỉa hè - 4

Khu vực tường rào cổng ngõ của nhà nguyên chủ tịch tỉnh Bình Dương nhô ra phía vỉa hè

Nguyên chủ tịch tỉnh Bình Dương cũng phải trả lại vỉa hè - 5

Vị cựu lãnh đạo này đã tự nguyện cho thợ tháo dỡ, dời tường rào cổng ngõ vào trong

Theo một cán bộ UBND phường Phú Cường, trên tuyến đường này có cả nhà người thân của một vị là phó chủ tịch tỉnh đương nhiệm nhưng gia đình này cũng tự đập bỏ, tháo dỡ phần lấn chiếm. Ngay cả Ban Quản lý dự án TP, Ngân hàng Kiên Long cũng nhanh chóng tháo bỏ phần lấn chiếm ngay khi vừa nhận thông báo của phường.

Ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một cho biết thành phố đang thực hiện kế hoạch lấy lại vỉa hè trên nhiều tuyến đường trọng điểm. Ông Đông nhận định: “Chúng tôi rất mừng vì người dân đồng thuận, tự tháo dỡ, đập bỏ phần lấn chiếm để trả lại vỉa hè. Hộ nào thiếu dụng cụ thì chúng tôi cho mượn hoặc hỗ trợ tháo dỡ giúp. Đến giờ gần như không phải cưỡng chế ai. Ngay cả nhà cán bộ quan chức lấn chiếm cũng tự tháo dỡ. Các vị ấy làm trước, đập trước thì dân họ ủng hộ, họ làm theo ngay!”.

Sau khi hoàn thành tuyến đường Yersin, chiến dịch giành lại vỉa hè của TP Thủ Dầu Một sẽ diễn ra trên các tuyến phố lớn khác là Phú Lợi, 30 tháng 4, Lê Hồng Phong, đại lộ Bình Dương….

Nguyên chủ tịch tỉnh Bình Dương cũng phải trả lại vỉa hè - 6

Cảnh khoan đục trả lại vỉa hè sẽ còn diễn ra ở hàng loạt tuyến đường của TP. Thủ Dầu Một trong thời gian tới

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2016, khi UBND TP Thủ Dầu Một phát động trả vỉa hè, hàng loạt hộ dân cũng đã đập bỏ, tháo dỡ phần mặt tiền nhà trên đường Thích Quảng Đức và Cách Mạng Tháng 8. Bà Văn Nguyệt Ánh, Chủ tịch UBND phường Phú Cường (phường có các tuyến đường trên chạy qua) cho rằng để thành công thì công tác tuyên truyền vận động là chính. Ban đầu, chính quyền gửi thông báo đến các hộ dân yêu cầu tự tháo dỡ phần lấn chiếm. Sau đó, phường thành lập một tổ công tác đến từng nhà đo đạc, chỉ ra phần lấn chiếm và vận động, thuyết phục dân tháo dỡ, đập bỏ trước mốc thời gian ấn định.

Nguyên chủ tịch tỉnh Bình Dương cũng phải trả lại vỉa hè - 7

>>XEM THÊM

Ông Đoàn Ngọc Hải nói về nạn “bảo kê" vỉa hè ở quận 1

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Như Phú (Người lao động)
Cuộc chiến đòi lại vỉa hè Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN