Dân khu bãi rác ở Đà Nẵng: Chỉ xin một hơi thở

"Đà Nẵng có 5, 7 cây cầu, cầu này nối với cầu nọ… nhưng người dân chúng tôi chỉ xin một hơi thở mà đã 24 năm ni rồi không xong”, một người dân khu bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) bức xúc nói.

Sáng 31.10, ông Nguyễn Ngọc Tuấn (Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan đến đối thoại với người dân tại Nhà văn hóa khu bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Dân khu bãi rác ở Đà Nẵng: Chỉ xin một hơi thở - 1

Nhiều người dân đã tập trung tại Nhà văn hóa khu vực dân cư Khánh Sơn để nói ra những búc xúc của mình.

Một hơi thở xin 24 năm không được

Tại buổi đối thoại, bà Nguyễn Thị Thành, tổ 162, khu vực Khánh Sơn, bức xúc ý kiến: "Người dân chúng tôi quanh năm hứng toàn phân hầm cầu, hóa chất xử lý ô nhiễm, mùi hôi thối không chịu nổi… Cho người dân chúng tôi xin hỏi, ở nơi phồn hoa thành phố rất sạch sẽ, Đà Nẵng có 5, 7 cây cầu, cầu này nối với cầu nọ, cầu rồng, cầu tình yêu… nhưng người dân chúng tôi chỉ xin một hơi thở mà đã 24 năm ni rồi”, bà Thành nói.

Bà Hồ Thị Hiệp, ở tổ 129 cho biết, vì sao chúng tôi đón xe, bởi bãi rác ô nhiễm đến mức người dân chúng tôi phải đóng mềm, đóng chiếu chứ ăn không được, ngủ cũng không được. Con chúng tôi, khẩu trang đeo suốt trong người. Thử hỏi lãnh đạo, làm sao người dân chịu đựng nổi. “24 năm nay, chịu quá nhiều rồi, không thế chịu nổi, giết đời tôi được rồi, đừng giết đời con tôi. Yêu cầu phải giải quyết cho dân chúng tôi”, bà Hiệp búc xúc nói.

“Bao nhiêu chục năm ni rồi, dân chúng tôi đã gánh chịu ô nhiễm thải ra. Mấy anh chỉ nói mà không làm... xin các anh hãy giang tay ra cứu lấy dân Khánh Sơn chúng tôi, nhưng đứa trẻ nơi đây, đã chịu quá nhiều thiệt thòi. Chúng tôi chỉ xin một hơi thở thôi", Bà Nguyễn Thị Học, tổ 170 Khánh Sơn", gia đình ở kề cận bãi rác cầu xin tại buổi đối thoại.

Dân khu bãi rác ở Đà Nẵng: Chỉ xin một hơi thở - 2

Một người dân búc xúc ý kiến tại buổi đối thoại

Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên- Môi trường thành phố cho biết, sau phản ánh của người dân, Sở đã lập đoàn kiểm tra, qua kiểm tra, nguyên nhân là do các công ty xử lý môi trường xử lý chưa triệt để, các đơn vị trực thuộc thực hiện chưa tốt nên mùi phát ra gây hôi thối.

“Những ngày tới Đoàn sẽ tiếp tục giám sát. Nếu quá mức thì đình chỉ, đóng cửa nhà máy”, ông Điểu nói.

Đề nghị di dời bãi rác

Tại buổi đối thoại, nhiều người dân cũng đề nghị di dời bãi rác đi nơi khác. Ông Huỳnh Đức Tuấn, tổ 161, nói: "Phải nói là môi trường đất, nước và môi trường không khí tại đây không thể sống nổi. Muốn mở cửa, hưởng chút không khí nhưng vừa mở ra đã không chịu nổi, phải đóng lại. “Thành phố nên kiếm chỗ khác di dời bãi rác, thành phố hứa, đã hứa nhiều lắm rồi nhưng làm không được…"

Bà Nguyễn Thị Đa (60 tuổi) ở tổ 157, Hòa Khánh Nam cũng búc xúc nói: "Hơn 24 năm nay, hít ngửi, nhiều quá rồi, đề nghị di dời bãi rác đi, không thì di dời dân. Chứ dân chúng tôi không chịu nổi. Toàn bộ rác thu gom về phủ lên đầu dân Khánh Sơn. Khánh Sơn là thành phố đáng chết, gần chết chứ không phải để sống", Bà Đa búc xúc nói.

Dân khu bãi rác ở Đà Nẵng: Chỉ xin một hơi thở - 3

Lãnh đạo thành phố đối thoại với người dân

Cũng tại buổi đối thoại, nhiều người dân đã yêu cầu thành phố đổi tên bãi rác, chứ nghe nói đến Khánh Sơn, người dân lại mang tên một bãi rác.

Ông Lê Thành, một người dân khu vực bức xúc ý kiến: "Yêu cầu thành phố bỏ tên bãi rác Khánh Sơn. Các ông lập bãi rác rồi đặt tên bãi rác Khánh Sơn, nghe nói Khánh Sơn là họ nói ngay dân bãi rác…", ông Thành nói.

Tại buổi đối thoại, sau khi tiếp nhận ý kiến của người dân, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, sau sự việc người dân chặn xe vào bãi rác do ô nhiễm, thành phố đã gởi 3 văn bản liên tiếp nhau, yêu cầu các công ty môi trường, xử lý rác thải tại bãi rác làm đúng quy trình xử lý không gây hôi thối cho người dân. Nếu không thực hiện đúng chỉ đạo sẽ đóng cửa.        

Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu Sở Tài nguyên- Môi trường thành lập một tổ giám sát phối hợp người dân giám sát chặt chẽ các công ty xử lý môi trường, khắc phụ xử lý dứt điểm. Nếu không thì đến năm 2018 sẽ đóng cửa bãi rác Khánh Sơn.

Ông Tuấn cũng đề nghị cơ quan công an thường xuyên kiểm tra, thành lập tổ kiểm tra giám sát, phải có người dân đại diện, có số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của dân. Riêng về vấn đề di dời bãi rác, Phó Chủ tịch yêu cầu Sở Tài nguyên môi trường nghiên cứu, đề xuất giải pháp lập khu vực bãi rác mới trong thời gian tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Oanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN