Người dân hưởng lợi gì khi Nhà nước quản lý hộ khẩu bằng công nghệ?

Sự kiện: Thời sự

Lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân hoàn thành, Nhà nước quản lý hộ khẩu bằng công nghệ thông tin, người dân sẽ hưởng rất nhiều lợi ích.

Người dân hưởng lợi gì khi Nhà nước quản lý hộ khẩu bằng công nghệ? - 1

Việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đánh giá là có ý nghĩa quan trọng trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Người dân và Nhà nước sẽ hưởng lợi lớn

Ngày 7.11, trao đổi với PV, Trung tướng Trần Văn Vệ, Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết, nhà nước không bỏ quản lý hộ khẩu mà chỉ chuyển từ hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu giấy sang hình thức quản lý bằng công nghệ.

Trung tướng Trần Văn Vệ cho hay, Bộ Công an và các bộ ngành có liên quan đang thực hiện đề án thu thập dữ liệu dân cư quốc gia về dân cư và cấp cho mỗi người dân một số định danh. Dự kiến từ năm 2020 sẽ đưa vào sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, khi đó sẽ tiến tới bỏ sổ hộ khẩu giấy, chuyển sang quản lý hộ khẩu bằng công nghệ điện tử.

Trung tướng Trần Văn Vệ khẳng định việc hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mang ý nghĩa quan trọng trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Chính phủ. Công dân và các cơ quan Nhà nước sẽ hưởng rất nhiều lợi ích khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động như cắt giảm bớt các loại giấy tờ khi giao dịch, rút ngắn thời gian giải quyết, giảm phiền hà cho người dân.

“Hiện tại công dân đi giao dịch phải mang theo rất nhiều loại giấy tờ như chứng minh nhân dân (CMND), sổ hộ khẩu, bằng lái xe, thậm chí học sinh khi đi học phải có giấy khai sinh.

Tuy nhiên, khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân được hoàn thành, công dân không cần mang theo sổ hộ khẩu, không phải công chứng các loại giấy tờ nữa mà chỉ mang theo căn cước công dân hoặc cung cấp mã số định danh cho cơ quan chức Nhà nước để thực hiện giao dịch hành chính.

Ví dụ, anh A khi tới cơ quan Nhà nước giao dịch chỉ cần xuất trình căn cước công dân. Khi đó, cán bộ làm thủ tục chỉ cần nhập số định danh của công dân vào máy tính thì hệ thống sẽ có đầy đủ thông tin anh A quê ở đâu, hiện đang làm gì… Như vậy rất thuận lợi cho công dân và cơ quan Nhà nước khi giải quyết thủ tục hành chính”, Trung tướng Trần Văn Vệ nói về lợi ích của việc đưa vào sử dụng hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư.

Người dân hưởng lợi gì khi Nhà nước quản lý hộ khẩu bằng công nghệ? - 2

Trung tướng Trần Văn Vệ đánh giá khi đưa vào sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân và cơ quan Nhà nước sẽ hưởng rất nhiều lợi ích.

Không làm ảnh hưởng tới bí mật đời tư của công dân

Trao đổi với PV về công tác xây dựng, quản lý dữ liệu quốc gia về dân cư, Thượng tá Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72 - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết: Dự kiến ngày 14.11 tới Bộ Công an sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc, sau đó sẽ tổ chức tập huấn ở các địa phương về nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ thu thập thông tin công dân.

Tiếp sau đó, Công an phường, xã, thị trấn sẽ phát phiếu thu thập thông tin công dân tới từng hộ gia đình, để công dân kê kai, ký xác nhận. Sau đó, công an đối chiếu xác minh, xác thực và nhập dữ liệu lên hệ thống.

“Có 15 trường thông tin của con người tích hợp trong hệ thống (dữ liệu quốc gia về dân cư – PV), đây là 15 trường thông tin cơ bản nhất của 1 con người, chuyên dùng sử dụng trong tất cả các thủ tục hành chính”, Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết.

Người dân hưởng lợi gì khi Nhà nước quản lý hộ khẩu bằng công nghệ? - 3

Thượng tá Trần Hồng Phú (trái) cho biết, việc cấp chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu hiện tại vẫn làm bình thường.

Việc quản lý thông tin công dân bằng công nghệ điện tử và nhiều cơ quan Nhà nước cùng sử dựng khiến nhiều người lo ngại thông tin và bí mật đời tư công dân có thể bị khai thác nếu bị đối tượng xấu xâm nhập.

Trao đổi với PV về vấn đề này, Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết: Theo quy định của Luật căn cước công dân thì cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là tài sản của Nhà nước, rất quan trọng và sẽ được bảo vệ. Sau này khi cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân đưa vào sử dụng sẽ phải quy định cụ thể, ai được khai thác và khai thác bao nhiêu trường thông tin, việc khai thác phục vụ mục đích gì?

“Khi thu thập vào cơ sở dữ liệu quốc gia thì cơ quan khai thác phải đảm bảo bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bí mật đời tư và chỉ được khai thác để phục vụ mục tiêu quản lý Nhà nước và giải quyết thủ tục hành chính cho dân, không được sử dụng vào các mục đích ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân”, Thượng tá Trần Hồng Phú nói.

Vẫn làm sổ hộ khẩu và CMND bình thường

Thượng tá Trần Hồng Phú - Phó cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư cho biết, hiện nay việc cấp sổ hộ khẩu hay CMND vẫn tiến hành bình thường như cũ. Công dân có nhu cầu vẫn được cấp sổ hộ khẩu hoặc CMND.

Theo Thượng tá Trần Hồng Phú, hiện tại việc cấp căn cước công dân mới triển khai trên 16 tỉnh, thành phố, 47 địa phương còn lại vẫn đang triển khai cấp CMND. Vì vậy, ở những địa phương chưa triển khai cấp căn cước công dân, nếu công dân bị hỏng CMND hoặc có nhu cầu đổi CMND mới vẫn tới cơ quan công an đăng ký làm CMND bình thường.

“Đến năm 2020 khi tất cả các địa phương chuyển sang làm căn cước công dân thì công dân vẫn sử dụng CMND bình thường. Theo quy định, CMND có giá trị sử dụng 15 năm, nếu không có nhu cầu đổi sang căn cước công dân thì người dân vẫn sử dụng CMND đến khi nào hết hạn thì thôi”, Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết.

Bộ Công an thông tin về lộ trình bỏ sổ hộ khẩu giấy và CMND

Bộ Công an đã họp báo giải đáp các khúc mắc liên quan tới thông tin “bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Xuân Lực ([Tên nguồn])
Thời sự Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN