Ngôi chợ biên giới đầy ắp yêu thương

Ngôi chợ mang tên Hòa Bình ở huyện Châu Thành, Tây Ninh giáp Campuchia có nhiều điểm đáng yêu đã vun đắp tình cảm của những người hàng xóm khác quốc tịch.

Chợ Hòa Bình đang được xây mới nên những tiểu thương ở đây buôn bán trong những kiốt tạm. Thời tiết cuối năm mát mẻ, dễ chịu. Trong tiệm sửa xe của chị Huệ bên hông chợ, vài người đàn ông Campuchia ngồi xem thợ sửa xe. Một số người khác tự tìm đồ nghề mở bung xe ra, tự sửa, chỉ khi nào cần mua thiết bị để thay thì họ mới hỏi mua. Cả bà chủ tiệm lẫn thợ đều vui vẻ hỗ trợ các khách hàng người Campuchia.

Họ vui vẻ trò chuyện một ít bằng tiếng Việt, rồi chuyển sang tiếng Campuchia với bà chủ. Tôi ngồi hóng chuyện, đề nghị đổi sang tiếng Việt, ông Hong (Bosmol, Campuchia) cười cười: “Tiếng Việt nói được chút chút thôi”. Hỏi ông tại sao lại qua Việt Nam để sửa xe, ông trả lời: “Ở đây có đồ nhiều, sửa rẻ. Ở bên Campuchia ít thợ, sửa mắc lắm”.

Đi làm, sửa xe, làm đẹp… đều ở “hàng xóm” Việt Nam

Ông Hong chạy chiếc xe khá cũ nên hay phải ghé tiệm sửa xe. Nhiều lần ngồi coi thợ làm, ông học được cách sửa nên có lúc ghé tiệm để… tự sửa. Ông cho biết trước đây xã ông có nhiều thợ Việt rất khéo tay, đông khách lắm nhưng khi phát hiện ra bên Việt Nam thợ sửa xe cũng giỏi mà rẻ hơn nên ông chạy qua Việt Nam để sửa.

Rồi ông biết nhà máy mì ở đây tuyển nhiều công nhân người Khmer, người Campuchia, ông cũng qua xin đi làm. Trong công ty ông đang làm, công nhân người Campuchia đông gấp đôi công nhân Việt, lương trả khá, cuộc sống dễ thở. Sáng ông chạy qua Việt Nam đi làm, chiều ông ghé chợ mua mì, rau, cá chở về cho vợ. Các tiểu thương ở đây khá giỏi tiếng Campuchia nên ông mua bán, trò chuyện thoải mái. Ông nhận lương tiền đồng, ra chợ đổi với tiểu thương ra tiền riel (tiền của Campuchia) đem về. Tiểu thương nhận tiêu cả tiền riel.

Những cô gái Campuchia qua bên chợ để làm tóc, sơn móng tay. Họ vui vẻ trò chuyện với chủ tiệm cả tiếng Campuchia xen lẫn tiếng Việt. Họ có nhiều người bạn Việt nên hay qua lại giao lưu, rủ nhau đi chùa ở Tây Ninh rồi ghé chợ làm đẹp. Họ không ăn mừng Tết nguyên đán như người Việt nhưng họ rất thích không khí chộn rộn tháng Chạp, tháng Giêng ở Việt Nam.

Ngôi chợ biên giới đầy ắp yêu thương - 1

Chị Kim Sang đổi tiền đồng, tiền riel cho tiểu thương, công nhân hai bên biên giới. Ảnh: HỒNG MINH

Ngôi chợ biên giới đầy ắp yêu thương - 2

Ông Hong (đội mũ vải) sau khi đi làm nhà máy ở xã Thành Long, ghé chợ Việt mua nhu yếu phẩm và sửa xe rồi mới về nhà ở Campuchia. Ảnh: H.MINH

Đổi tiền không cần đếm

Họ đặc biệt bởi họ tiếp xúc với tất thảy người qua lại làm ăn, mua bán. Họ là những người phụ nữ ngồi đổi tiền cho những ai có nhu cầu đổi tiền riel, tiền đồng với nhau.

Những công nhân Campuchia qua Việt Nam làm nhà máy gần biên giới, sau khi lãnh lương tiền đồng sẽ đến tìm họ đổi tiền riel đem về nhà. Những người Campuchia qua mua hàng về buôn bán, họ đem tiền riel qua đổi tiền đồng cho dễ đi chợ. Với công việc này, họ biết rõ ai mới qua làm ăn, ai qua lại thường xuyên, làm ăn có khá không.

Chị Trần Thị Kim Sang có thâm niên ngồi cổng chợ đổi tiền gần 20 năm, tính tình rất vui vẻ. Người Campuchia qua cần tìm mua món gì, các chị đều chỉ chỗ bán giá tốt nhất cho họ. Một công nhân người Campuchia đến đổi 2 triệu tiền đồng qua tiền riel, chị nhanh nhẹn đếm rồi đưa cho họ, “tám” líu lo với khách bằng tiếng Campuchia. Chị cho biết khoản tiền đổi 2 triệu đồng đó chị lấy lời hơn 20.000 đồng. Với số tiền lời rất nhẹ như vậy, các tiểu thương ở chợ biên giới xa hoặc tiểu thương bên Campuchia cũng chạy qua đây đổi tiền.

Một tiểu thương từ Bosmon ngừng xe hơi, ôm xuống một giỏ lớn tiền riel mệnh giá nhỏ đưa cho chị Sang và chỉ báo số lượng tiền. Chị Sang gọi điện thoại kêu con trai mang ra số tiền Việt tương ứng để đổi. Tôi hỏi: “Chị không đếm, không sợ hụt ư?”. Chị cười trả lời: “Làm ăn quan trọng nhất là uy tín, chị làm đây gần 20 năm rồi. Mỗi ngày lời khoảng 200.000 đồng thôi mà, tiểu thương ai nỡ để thiệt cho mình”. Trước đây chợ có hơn chục người làm nghề này nhưng nay chỉ còn bốn người trụ lại. Chị cho biết thêm: “Thấy họ xách quá trời tiền để đổi như vậy chứ mình không có giàu đâu, mình đổi lời rất ít. Nhiều người bỏ nghề là tại vì lời ít quá mà còn bị giật tiền là hết vốn. Mình vẫn làm vì thấy… ham vui”.

Cho mượn tiền rồi… quên đòi

Một số công nhân, người dân hai bên qua lại buôn bán nhỏ khi đến đổi tiền đã tranh thủ mượn thêm ít tiền. Họ hẹn vài ngày sau trả. Chị Sang cho biết đại đa số đều trả đúng hẹn, họ còn kể cho chị nghe việc làm ăn của họ nhưng thỉnh thoảng cũng có người làm ăn thất bát, quên quay lại trả tiền. Chị Sang vẫn vui vẻ: “Chắc tại người ta khó khăn quá mới làm vậy thôi, tôi cũng đâu cho mượn nhiều. Có bữa chị kia đem tiền lại trả, nói là mượn của tôi cách đây gần chục năm rồi, tôi nhớ hổng ra luôn. Giờ chị làm ăn được rồi, tôi mừng cho chị”.

Những người Campuchia mang gà qua chợ bán, họ không thuê chỗ mà “xí” vào chỗ nép nép ngoài rìa. Không ai phiền cả. Nhiều người rất thích món đặc sản gà nên mua sang tay rất nhanh. Mua bán xong, họ lại ra cổng chợ đổi tiền, mua vài thứ mang về. Những nông dân này không nói được tiếng Việt. Qua phiên dịch thì tôi hiểu là bên Bosmon họ cũng bán được giá, cũng nhiều người Việt qua mua gà nhưng thỉnh thoảng họ vẫn ra chợ Hòa Bình để mua mua bán bán, mỗi phiên đi chợ như một cuộc đi chơi, trong lòng thấy rất vui.

Nơi gặp gỡ đậm tình người của nhân dân hai nước

Theo nhiều tiểu thương chợ Hòa Bình, chục năm trở về trước ngôi chợ này rất sầm uất. Sau này, việc phân phối hàng hóa ở Campuchia đã rất tốt, hàng Việt, hàng Trung Quốc, hàng Thái có mặt khắp nơi nên chợ Hòa Bình không còn giữ vai trò là chợ đầu mối cho các tiểu thương bên kia biên giới được nữa. Tuy vậy, ngôi chợ vẫn là nơi giao lưu quen thuộc và đậm tình người của nhân dân hai bên biên giới. 

Ngôi làng kỳ lạ cho phép trai gái ngủ chung nhưng cấm làm “chuyện vợ chồng”

Khi tìm hiểu, trai gái có thể ngủ cùng nhau nhưng nếu làm “chuyện vợ chồng”, người con gái sẽ bị đuổi vào rừng sâu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hồng Minh (Pháp luật TP.HCM)
Nhịp sống 24h Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN