Thời bao cấp: Nghiện bia vì phân phối

Người ta thường bảo "hơn nhau tấm áo manh quần, cởi ra bóc trần ai cũng như ai". Vậy nhưng, ai sống ở thời bao cấp mới biết, đến tấm áo manh quần cũng chẳng ai hơn ai. Bởi số vải được phân phối bằng nhau hết.

LTS: Thời bao cấp mới chấm dứt hơn 20 năm nhưng với thế hệ trẻ ngày nay, nó như một câu chuyện đã xảy ra từ rất lâu bởi họ chỉ biết đến cái thời tem phiếu qua lời kể của ông bà, cha mẹ. Còn với những người từng sống dưới thời bao cấp, nó lại là những ký ức không thể nào quên. Qua câu chuyện của ông chủ cửa hàng mậu dịch mới mở tại Hà Nội cùng những người đã từng sống dưới thời bao cấp, chúng tôi đăng tải loạt bài “Những câu chuyện thời bao cấp” với mong muốn phần nào làm sống dậy một thời gian khó nhưng bình dị ấy. Chúng tôi mong nhận được bài viết và chia sẻ của độc giả về chủ đề này.

Nói chuyện phân phối, nhiều người còn không quên nhắc kỷ niệm một thời trong các nhà máy, xí nghiệp.

Không uống thì phí

Người duy nhất còn làm dép cao su ở Hà Thành - Cụ Phạm Quang Xuân (72 tuổi) nhớ, hồi đó cụ là ở công ty Bách Hóa Cấp 2 nằm ở 45 phố Hàng Bồ (Hà Nội). Công ty có tiêu chuẩn phân phối nhiều loại hàng hóa hàng năm. Chẳng hạn, cán bộ công nhân, mỗi năm được một đôi dép cao su. Và thỉnh thoảng, cơ quan cụ được phân phối phụ tùng xe đạp.

Hầu hết nhà máy xí nghiệp mà cụ biết, người ta đều thỏa thuận được với nhau. Có thể người ta tự nguyện bốc thăm cho công bằng, nhưng sau đó họ đổi chác cho nhau. Thậm chí có thể nhường nhau, lần này anh nhận, lần sau đến lượt tôi...

Tuy nhiên, có người từng chứng kiến, một ông không có xe đạp nhưng bốc trúng cái vành. Ông ta không chịu đổi chác với ai cả mà vác về nhà chờ các lần sau bốc trúng những bộ phận khác với hi vọng ghép dần được cái xe đạp. Vậy nhưng chờ mãi đến khi hết thời bao cấp, cái vành vẫn được treo trong góc nhà sáng bóng mà xe đạp chưa thấy đâu.

Cụ Phạm Quang Xuân còn kể, vì chuyện phân phối khiến cụ đâm ra có sở thích uống bia. Chả là, một hôm bỗng thấy có xe chở bia đến công ty cụ làm việc. Lãnh đạo công ty tập hợp cánh đàn ông ở sân, chia nhau uống.

Thời bao cấp: Nghiện bia vì phân phối - 1

Sau nhiều lần nhận được bia phân phối, uống mãi thành quen đâm ra nghiện (Ảnh tư liệu)

Trước đó, cụ Xuân cùng một số ít người không biết uống bia rượu bao giờ. Nhưng thấy được bia phân phối, nghĩ bụng, không uống cũng phí. Vậy là chẳng ngần ngại, mấy ông rủ nhau nhập cuộc, uống bừa. Sau nhiều lần nhận được bia phân phối, uống mãi thành quen rồi đâm ra "nghiện". Sau này không được phân phối nữa, cụ Xuân vẫn giữ sở thích uống bia đến tận ngày nay.

Bà Nguyễn Thị Vân (Từ Liêm, Hà Nội), công nhân một doanh nghiệp gần nhà vẫn nhớ mãi câu chuyện phân phối hàng Tết vào khoảng năm 1982. Xí nghiệp bà làm việc có hàng trăm công nhân, bà không nhớ cụ thể, được phân phối mấy chục chai rượu. Cơ quan thống nhất chia đều cho công nhân bằng cách 3 người 1 chai, rồi các gia đình tự thỏa thuận với nhau. Danh sách chia rượu cứ thế tính từ trên xuống.

Hầu hết các nhà đều thỏa thuận được với nhau. Nhà nào muốn rượu thì đổi cho 2 nhà kia một thứ gì đó tương đương. Tuy nhiên có 3 công nhân nữ đều muốn lấy rượu. Phần vì ngày Tết có chai rượu chanh trên bàn thờ cũng đẹp, sau lại dùng mời khách, không thì chồng uống.

Thỏa thuận mãi không được, 3 nữ công nhân quyết định khui rượu uống tại chỗ chứ không ai nhường ai. Khốn nỗi rượu chanh hồi đó vào loại nặng đô, phụ nữ chẳng quen hơi men, cả ba đều chếnh choáng, mặt đỏ gay, rước mệt vào người mà chẳng được gì.

Chịu rét vì người quá lớn

Ông Nguyễn Văn Chấn (63 tuổi, ở Nghệ An) nhớ, thời bao cấp, cán bộ công nhân viên mỗi năm được phát cho một phiếu vải có tiêu chuẩn chỉ 5m để may quần áo. Có người nhớ rằng chỉ được 4m. Đàn ông có loại vải kaki để may quần. Đàn bà có vải lụa và được thêm mấy mét vải màn để làm băng vệ sinh.

Hầu hết người hồi đó đều dành vải đến Tết mới may quần áo để diện đi chơi. Người lùn nhỏ thì may quần áo còn rộng rãi vài phần. Những anh chàng cao lớn, mặc quần áo ngắn cũn đành chịu. Ai chịu khó giữ gìn thì quần áo mặc được lâu, lỡ sờn rách thì cố vá víu mặc tạm chờ đợt cấp mới.

Nhiều người còn nhớ, khổ vải hồi đó thường là 1m, nhưng đôi khi rộng hoặc hẹp hơn. Có người nhận vải khổ chỉ được 70-80cm hoặc hẹp hơn chút, nhân viên phân phối bù thêm cho một đoạn chiều dài, miễn sao đủ diện tích. Người Việt Nam thời đó hầu hết đều nhỏ con, lại gầy gò nên nhìn chung đều may vừa quần áo. Ấy vậy nhưng có đôi người to béo, mang vải về may quần áo, mặc chật đành chịu.

Ông Chấn kể, hàng xóm có ông tên là Thận dáng người cao to quá khổ. Mùa đông ra đường mà ông này cứ mặc cái quần ngắn cũn. Nhiều người chỉ trỏ khen "ông này tài chịu rét!". Ông Thận chỉ cười trừ. Người to mà vải phân phối thì ít, biết sao được.

Thời bao cấp: Nghiện bia vì phân phối - 2

Chờ tới lượt mình được phân phối vải vóc (Ảnh: GDVN)

Từ nhỏ đến lớn, trải qua một quãng đời dài đói khổ nơi làng quê ở huyện Đô Lương – Nghệ An, ông Nguyễn Văn Quang nhớ về thời bao cấp như câu chuyện vừa xảy ra ngày hôm qua. Trong mắt ông hiện lên hình ảnh những năm mất mùa, năng suất kém, đợi mãi đến ngày Tết mới có vài lạng thịt mà ăn.

Ông nhớ, nông thôn, nông dân không sử dụng tem phiếu mua hàng hóa mà hầu hết đều phân phối ăn chia theo công điểm do hợp tác xã quy định. Tất cả đồng ruộng, trâu bò, lợn đều do hợp tác xã quản lý. Cuối năm hoặc quý được phân chia lúa gạo, thịt, cùng một số nhu yếu phẩm khác theo công điểm đã đạt được.

Ngày Tết là sân kho các xóm huyên náo khôn tả. Hợp tác xã tổ chức phân phối thịt lợn. Người lớn hì hục chọc tiết, mổ ruột làm lòng, tiếng lợn kêu eng éc không ngớt. Đám trẻ con đứng ngoài rình rập, ánh mắt chờ đợi. Chúng trông chờ và biết chắc hôm đó, kiểu gì cả làng cả xã cũng có bữa liên hoan tiết canh, lòng lợn rôm rả.

Mỗi đội có mấy chục nhà thì số thịt lợn sẽ được chia theo chừng ấy phần. Mỗi phần dăm ba cân đều nhau và được xếp trên những lá chuối bày khắp sân kho. Rồi người ta lại bẻ que làm thẻ, ghi tên từng gia đình trên đó bốc thăm chọn phần.

Đội sẽ cử những đứa trẻ đi rải thẻ lên từng phần thịt. Người lớn không được rải thẻ vì sợ gian lận. Chỉ có trẻ con là vô tư nhất. Rồi phần thịt có thẻ mang tên ai thì nhà đó lấy thịt về. Ở quê nhà thường đông con, số thịt đó quá ít ỏi. Thiếu thốn vậy mà ngày Tết nơi làng quê vẫn thật đầm ấm và luôn tràn ngập tiếng cười.

Đón đọc kỳ tiếp theo: "Cưới xin thời bao cấp" vào 13h00 thứ Bảy, 8/12/2012.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cảnh Kiên ([Tên nguồn])
Những câu chuyện thời bao cấp Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN