Ngắm mô hình metro đầu tiên tại Việt Nam

Mô hình đầu tàu điện ngầm tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên có thiết kế nội, ngoại thất thể hiện hình ảnh tiên tiến của đoàn tàu metro đầu tiên tại Việt Nam tạo một cái nhìn sắc nét về tính hài hòa, năng động của đoàn tàu.

Ông Bùi Xuân Cường – Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết: Mô hình đầu tàu điện ngầm tuyến metro số 1 có kích thước, nội thất, ca bin, màu sắc…như thật đang được trưng bày tại công trường ở quận 9. Theo dự kiến của Ban quản lý đường sắt đô thị TP trong đầu tháng 3/2015 mô hình sẽ được trưng bày để người dân và các nhà khoa học tham quan trong 3 tháng, sau đó Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP sẽ tổng hợp ý kiến, tiếp thu và đề xuất chế tạo theo yêu cầu.

Đoàn tàu được thiết kế có màu xanh da trời với phần đầu được bo tròn tạo sự năng động cho đoàn tàu. Vỏ tàu được làm bằng nhôm và thép không gỉ, bên trong có hệ thống máy lạnh. Tàu có cửa sổ lớn cùng vách ngăn để phân chia khu vực hành khách đứng và ngồi. Logo của tuyến số 1 được gắn ở phía trước đầu tàu. Trong giai đoạn 1, đoàn tàu có ba toa (dài khoảng 61,5m) với sức chở 930 hành khách, trong đó chủ yếu là chỗ đứng (8 người/m2).

Trong các toa sẽ có ghế ngồi bằng nhựa (được gia cường bằng sợi thủy tinh) lắp dọc theo thành, đồng thời trong toa có hệ thống tay vịn và móc nắm để đảm bảo an toàn cho hành khách đứng. Trên toa tàu có bố trí vị trí và thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật... Ngoài ra, buồng lái nằm ở hai đầu của đoàn tàu rộng bằng chiều toa xe và kín hoàn toàn.

Khi đưa vào vận hành, tiền vé tàu được thu từ cửa vào của nhà ga, vì thế trên tàu không có nhân viên phục vụ. Đoàn tàu được trang bị đầy đủ camera để lái tàu quan sát hoạt động lên xuống của hành khách nhằm xử lý kịp thời các tình huống. Hệ thống vận hành của đoàn tàu được nối với điện lưới quốc gia. Tuy nhiên, khi có sự cố về điện, máy phát điện dự phòng sẽ cung cấp đủ điện cho đoàn tàu vận hành trong vòng 3 giờ để tàu về được đến ga an toàn.

Ông Cường cho biết: “Đường sắt đô thị có tốc độ khoảng 80 km/giờ cho đoạn đi ngầm, 100 km/giờ cho đoạn đi trên cao và chạy hơn 1 km là dừng ở một nhà ga. Vì vậy, không phải là đường sắt cao tốc nên không thể thiết kế đoàn tàu theo dạng mũi tên dài kiểu khí động học... Việc thiết kế phải đảm bảo phù hợp với điều kiện đô thị, giảm diện tích dành cho người lái tàu để tăng số chỗ cho hành khách”.

Dự án xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên có tổng chiều dài 19,7km, trong đó có 2,9km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Tổng mức đầu tư dự án là 236,6 tỉ yen Nhật (khoảng 2,4 tỉ USD). Theo kế hoạch, công trình sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2019 và đưa vào vận hành năm 2020.

Dưới đây là một số hình dáng bên ngoài của đầu tàu điện ngầm số 1 sắp được trưng bày để lấy ý kiến góp ý từ người dân:

Ngắm mô hình metro đầu tiên tại Việt Nam - 1

Mô hình đầu tàu điện ngầm tuyến metro số 1 có kích thước, nội thất, ca bin, màu sắc…như thật đang được trưng bày tại công trường ở quận 9.

Ngắm mô hình metro đầu tiên tại Việt Nam - 2

Vỏ tàu được làm bằng nhôm và thép không gỉ. Phần thân tàu có ghi tuyến metro số 1.

Ngắm mô hình metro đầu tiên tại Việt Nam - 3

 
Ngắm mô hình metro đầu tiên tại Việt Nam - 4

Ngắm mô hình metro đầu tiên tại Việt Nam - 5

Ngoài hệ thống tay vịn trong toa tàu có các móc nắm để đảm bảo an toàn cho hành khách đứng

Ngắm mô hình metro đầu tiên tại Việt Nam - 6

  Cabin tàu điện ngầm mô phỏng

Ngắm mô hình metro đầu tiên tại Việt Nam - 7

Ngắm mô hình metro đầu tiên tại Việt Nam - 8

 Trong các toa sẽ có ghế ngồi bằng nhựa (được gia cường bằng sợi thủy tinh) lắp dọc theo thành. Trên toa tàu có bố trí vị trí và thiết bị hỗ trợ cho người khuyết tật.

Ngắm mô hình metro đầu tiên tại Việt Nam - 9

  Theo dự kiến của Ban quản lý đường sắt đô thị TP trong đầu tháng 3/2015 mô hình sẽ được trưng bày để người dân và các nhà khoa học tham quan trong 3 tháng, sau đó Ban quản lý đường sắt đô thị TP sẽ tổng hợp ý kiến, tiếp thu và đề xuất chế tạo theo yêu cầu.

Ngắm mô hình metro đầu tiên tại Việt Nam - 10

Ngắm mô hình metro đầu tiên tại Việt Nam - 11

Ngắm mô hình metro đầu tiên tại Việt Nam - 12

Khi đưa vào vận hành, tiền vé tàu được thu từ cửa vào của nhà ga, vì thế trên tàu không có nhân viên phục vụ. Đoàn tàu được trang bị đầy đủ camera để lái tàu quan sát hoạt động lên xuống của hành khách nhằm xử lý kịp thời các tình huống.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Thanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN